Du lịch bùng nổ nhưng thiếu bền vững

(ĐTTCO) - Sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch Covid-19, mùa hè năm nay du lịch nội địa được đánh giá thắng lớn khi lượng khách vượt hơn mọi dự báo. Các doanh nghiệp lữ hành phải chia ca làm việc 24/7 để phục vụ nhu cầu của khách. 
Do cái nóng của mùa hè nên các điểm đến có biển như Phú Quốc, Nha Trang, Quảng Ninh… liên tục trong tình trạng quá tải. Giá vé máy bay tới nhiều điểm du lịch nhảy múa từng ngày nhưng không dễ mua, trong khi sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất bị quá tải do nhu cầu đi lại vượt quá công suất thiết kế nhà ga quốc nội. 
Cụ thể ngày 24-6 có 102.000 lượt khách đi máy bay qua sân bay Nội Bài, trong đó có 91.000 lượt khách nội địa. Ngày 25-6 hơn 104.000 lượt khách, trong đó có gần 93.000 lượt khách nội địa. Dự báo đầu tháng 7, lượng hành khách qua sân bay Nội Bài có thể lên tới 110.000 lượt khách/ngày.  Tính trung bình, lượng khách bay quốc nội tại sân bay Nội Bài đang tăng hơn 40% so với cao điểm hè 2019 khi chưa xảy ra đại dịch Covid-19. 
Có 2 nguyên nhân dẫn tới du lịch nội địa bùng nổ trong dịp hè này. Thứ nhất, nhu cầu được đi du lịch của cá nhân, gia đình, doanh nghiệp rất lớn nhưng bị kìm hãm suốt 2 năm qua. Khi dịch được kiểm soát, vaccine được phủ trên diện rộng, cánh cửa du lịch rộng mở, chẳng có lý do gì du khách không “xách vali lên và đi”. Thứ hai, các tour đưa người Việt đi nước ngoài (outbound) vốn chiếm thị phần không nhỏ thời điểm trước dịch, nay chưa thể phục hồi như kỳ vọng do chính sách sau dịch của nhiều quốc gia chưa đồng nhất. Chẳng hạn Nhật Bản, một trong những điểm đến yêu thích của khách Việt, hiện vẫn chưa rộng cửa cho khách du lịch. Chính vì lẽ đó khách chỉ còn có ưu tiên lớn nhất là du lịch trong nước. 
Công ty lữ hành TSTtourist của TPHCM cho biết, bước vào giai đoạn cao điểm hè 2022 tính từ đầu tháng 6, TSTtourist đã tiếp nhận trên 6.000 lượt khách MICE, bao gồm 2.100 lượt khách trong tháng 6 và trên 4.000 khách trong tháng 7. Bên cạnh đó, số lượng khách cá nhân và nhóm gia đình đã đạt con số gần 1.000 khách chỉ trong 2 tháng kể trên. Riêng đối với điểm đến Quảng Ninh, trong cuối tháng 6 và giữa đầu tháng 7 đã có trên 1.100 khách.
Rõ ràng, du lịch nội địa bùng nổ đang mang lại niềm vui chung cho toàn ngành. Sau những tháng ngày nhân sự ngồi không và phải tạm nghỉ việc hay doanh nghiệp phải tạm đóng cửa, nay dân làm du lịch ai cũng đang làm không hết việc. Song vui đấy nhưng nỗi lo về sự phát triển thiếu bền vững vẫn đang hiện hữu. 
Tại hội nghị về tình hình và đề xuất nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh 6 tháng cuối năm 2022 do Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) tổ chức, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, nhìn nhận du lịch nội địa dù có lượng khách lớn nhưng chỉ đóng góp 30% doanh thu toàn ngành. Theo ông Bình sự tăng trưởng của du lịch nội địa là tín hiệu tốt nhưng nó đang gây áp lực cho ngành du lịch Việt Nam. Bởi lẽ, doanh thu từ du lịch nội địa không cao sẽ kéo chất lượng du lịch đi xuống, có nghĩa về lâu dài sẽ hạ thấp vị thế của du lịch Việt Nam. 
Và từ quá tải dẫn đến vấn nạn chặt chém vốn được nhắc đến nhiều năm qua. Khách du lịch bùng nổ còn dẫn đến hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, không chỉ khiến du khách mất niềm tin vào du lịch nội địa còn làm xấu đi hình ảnh của du lịch Việt Nam. Xa hơn có thể ảnh hưởng trực tiếp đến việc đón khách quốc tế vào mùa cao điểm cuối năm. 
Du lịch nội địa, hay nói cụ thể hơn là du lịch hè, cũng chỉ có thời điểm, sau giai đoạn bùng nổ ngành du lịch sẽ lại đối mặt với những khoảng trống. Lúc này nếu không có du lịch quốc tế bù đắp, sự thiếu bền vững lại rất rõ nét. Do vậy cần có chính sách kích cầu du lịch quốc tế, thu hút khách du lịch cao cấp tới Việt Nam trải nghiệm dịch vụ du lịch. Điều này vừa giúp tăng doanh thu dịch vụ du lịch, vừa giúp nâng hạng du lịch Việt Nam trên trường quốc tế. Tất nhiên, để thu hút lượng khách này, ngành du lịch lại phải có những bước chuẩn bị bài bản - điều này được nhắc đến rất nhiều từ thời điểm Việt Nam chính thức mở cửa thị trường du lịch. 

Các tin khác