Du lịch nội địa: Định vị lại để phát triển

(ĐTTCO) - Ngày 15-4, tại Ninh Bình, Diễn đàn du lịch nội địa toàn quốc năm 2021 với chủ đề “Du lịch nội địa - Động lực khôi phục du lịch Việt Nam trong bối cảnh bình thường mới” do Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức thu hút sự tham gia của 600 doanh nghiệp du lịch trên cả nước. 
Du khách TPHCM tham quan quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình)
Du khách TPHCM tham quan quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình)
Trụ cột để phục hồi
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, trong bối cảnh vừa phòng chống dịch Covid-19 vừa phát triển kinh tế - xã hội, khi du lịch Việt Nam chưa mở cửa cho khách quốc tế thì phát triển du lịch nội địa là cứu cánh, hướng tích cực để duy trì hoạt động của ngành. Tuy nhiên, do chưa được xem là nhánh chủ lực nên du lịch nội địa chưa thực sự được quan tâm. “Nhu cầu, sở thích, xu thế của khách du lịch nội địa, sản phẩm ưa thích của người Việt, dịch vụ phục vụ nhu cầu người Việt... đều chưa được định hình một cách rõ ràng. Đó là những hạn chế khi phát triển du lịch nội địa”, ông Bình cho hay.
Đồng tình với nhận định này, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng nhận định, một thời gian dài du lịch Việt Nam tập trung nhiều vào thị trường khách quốc tế mà chưa quan tâm đến du lịch nội địa. “Đây là thời điểm toàn ngành cần nhìn lại, tìm cách tiếp cận mới, thay đổi phương pháp cũng như tư duy làm du lịch để tự cứu mình và làm sống lại thị trường du lịch, bù đắp sự thiếu hụt trong vấn đề doanh thu. Du lịch Việt Nam cần phải chú trọng đến thị trường tiềm năng là 100 triệu dân trong nước đang rất mong muốn đi du lịch khi dịch được kiểm soát”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng lưu ý.
Tuy nhiên, làm thế nào để có thể khai thác được thị trường du lịch tiềm năng 100 triệu dân trong nước; làm thế nào để có thể tiếp cận được dòng khách vốn bị “lãng quên” để đem lại doanh thu bù đắp lại lượng khách du lịch quốc tế bị thiếu hụt; làm thế nào để du lịch nội địa thực sự là cứu cánh của du lịch, tạo động lực cho du lịch phục hồi và phát triển… phụ thuộc vào chính sự thay đổi, cách làm việc nhạy bén, linh hoạt của các doanh nghiệp, các địa phương quản lý điểm đến.
Hướng tới lợi ích du khách
Chia sẻ tại diễn đàn, Tổng Giám đốc Công ty Lữ hành Saigontourist Nguyễn Hữu Y Yên cho biết, công ty đã triển khai nhiều giải pháp hướng tới lợi ích của du khách. Song song với việc phát triển sản phẩm mới, hợp tác liên kết với các địa phương, đơn vị cung ứng để đưa ra chính sách ưu đãi về giá, xây dựng kênh bán hàng phù hợp tâm lý người Việt, công ty cũng tập trung đầu tư các giải pháp hậu mãi, chăm sóc khách hàng. Đây cũng là một trong số ít các đơn vị lữ hành thiết lập được cơ chế nội bộ về ứng phó và xử lý các tình huống khẩn cấp phát sinh do ảnh hưởng của dịch bệnh toàn cầu.
Với tầm nhìn dài hạn, bà Nguyễn Lê Hương, đại diện Công ty Vietravel, cho rằng, ngành du lịch Việt Nam cần đánh giá và định vị lại chính sách thị trường du lịch nội địa trong chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030, trong đó cần làm rõ vai trò và tầm quan trọng của thị trường khách du lịch trong nước đối với sự phát triển của du lịch. “Các chính sách hỗ trợ thúc đẩy du lịch phục hồi và phát triển trở lại cần ban hành nhanh, kịp thời và thực chất để triển khai ngay trong thực tế mới phát huy được hiệu quả”, bà Hương đề xuất. 
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Nguyễn Anh Tuấn, bên cạnh đề xuất nhiều giải pháp về cơ chế chính sách riêng biệt, cụ thể đối với thị trường khách du lịch nội địa cũng đồng thời đề xuất xây dựng chính sách thị thực rõ ràng đối với việc cho phép khách du lịch nhập cảnh trong bối cảnh bình thường mới, cụ thể là việc áp dụng “hộ chiếu vaccine”. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động du lịch tại các khu, điểm du lịch; đảm bảo phân luồng hợp lý để tránh tình trạng quá tải vào mùa cao điểm tại những khu du lịch trọng điểm.

Các tin khác