Dự luật PPP vẫn bất ổn

(ĐTTCO) - Dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) vừa được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thẩm tra. Đây là dự án luật khởi động soạn thảo từ tháng 7-2018, đã chuẩn bị công phu, tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp của giới chuyên gia, nhà quản lý và đại diện doanh nghiệp. 
Theo đó, các lĩnh vực đầu tư PPP gồm giao thông vận tải; nhà máy điện và hệ thống truyền tải điện; hệ thống cấp nước sạch, thoát nước và xử lý chất thải; hạ tầng khu đô thị, công viên; trụ sở cơ quan nhà nước, nhà ở công vụ; y tế, giáo dục, dạy nghề; hạ tầng công nghệ thông tin.  
Về quy mô dự án, dự thảo luật quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP đối với từng lĩnh vực trên do Chính phủ quy định chi tiết, nhưng không thấp hơn 200 tỷ đồng, trừ dự án áp dụng hợp đồng kinh doanh - quản lý (O&M).
Đặc biệt, dự thảo luật bổ sung các nội dung về hình thức huy động vốn thứ cấp cho các dự án PPP. Theo đó, doanh nghiệp dự án được phát hành trái phiếu để huy động vốn thực hiện dự án PPP sau khi hoàn thành xây dựng công trình (đối với dự án có cấu phần xây dựng) hoặc sau khi chuyển sang giai đoạn vận hành (đối với dự án không có cấu phần xây dựng).
Thế nhưng, một nội dung rất quan trọng được rất nhiều đại biểu bày tỏ quan tâm là những rủi ro có thể xảy ra cho nhà đầu tư khi vòng đời của dự án PPP thường dài 20-25 năm. Nói như ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam - VCCI): “Luật đã quy định các dự án PPP áp dụng theo luật này nếu các luật chuyên ngành có quy định khác. Nhưng theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, luật ban hành sau có thể phủ định luật ban hành trước. Vậy nếu luật ra sau luật này (điển hình là Luật Xây dựng) có quy định khác luật này thì áp dụng văn bản nào?”.
 Ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng: “Phải có cơ chế ổn định khung pháp lý cho dự án PPP, kể cả phải sửa đổi, bổ sung một số đạo luật khác có liên quan. Nếu ban hành luật này lại muốn không khác biệt với các luật hiện hành, không thể có được bước đột phá”.
Cũng liên quan đến những biến động khó lường có thể gây ra những rủi ro cho nhà đầu tư dự án PPP, dự thảo luật đã thiết kế các “lưới đỡ” của Chính phủ. Theo đó, Chính phủ quyết định việc cấp bảo đảm cân đối ngoại tệ cho từng dự án. Hạn mức bảo đảm cân đối ngoại tệ là 30% doanh thu của dự án bằng VNĐ.
Đối với các dự án PPP do Quốc hội, Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư, dù đã thực hiện đầy đủ các biện pháp nhưng chưa đảm bảo được mức doanh thu cần thiết để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh của dự án, Chính phủ cam kết chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án không quá 50% phần hụt thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng. 
Thế nhưng, khi xác định các trường hợp được bảo lãnh của Chính phủ, lại liên quan quy định trong Luật Quản lý nợ công. Hay như trường hợp có tranh chấp trong quá trình thực hiện dự án, tổ chức trọng tài giải quyết tranh chấp trong dự án PPP là tổ chức nào? Có phù hợp Luật Đầu tư, nhất là khi có yếu tố nước ngoài? 
Xem ra vẫn còn khá nhiều nút thắt chưa được gỡ, như cơ chế góp vốn, quản lý và sử dụng vốn còn chung chung, nhiều khe hở, lại chia sẻ rủi ro trong doanh thu sẽ rất đáng ngại. Chẳng hạn Nhà nước chỉ chia sẻ rủi ro trong một số trường hợp rất hãn hữu. Trong khi cơ chế thị trường đã đấu thầu lời ăn lỗ chịu, không thể lỗ lại bắt Nhà nước chịu. Nếu nhà đầu tư tính toán nguồn thu không đúng, không đạt phải chịu, không vì thế lại tăng giá vé hoặc kéo dài thời gian thu cho các dự án hình thức PPP.

Các tin khác