Đừng bỏ lỡ cơ hội đón khách quốc tế trở lại

(ĐTTCO) - Việt Nam đang công nhận hộ chiếu vaccine của 72 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhiều địa phương trên cả nước đã xây dựng kế hoạch khôi phục hoạt động du lịch quốc tế, Bộ VH-TT-DL cũng đề xuất định hướng mở hoạt động du lịch quốc tế. Tất cả đều đang tất bật nhưng liệu đã đủ để có thể thực sự đón khách quốc tế trở lại? 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Nhiều tín hiệu tích cực
Trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 21-10 tại Bộ Ngoại giao, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nói: “Theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ, Việt Nam đang tạm thời công nhận mẫu giấy chứng nhận tiêm chủng, còn gọi là hộ chiếu vaccine, của 72 quốc gia và vùng lãnh thổ đã được đại diện các bên giới thiệu đến Bộ Ngoại giao".
Cũng theo bà Hằng, Bộ Ngoại giao đang cùng lúc trao đổi với gần 80 đối tác về công nhận giấy chứng nhận vaccine của nhau. Giấy chứng nhận tiêm vaccine của Việt Nam cũng đã được một số nước công nhận, có thể dùng để nhập cảnh vào những quốc gia này.
Đây là thông tin rất tích cực trong bối cảnh Việt Nam đang chuẩn bị để thí điểm mở cửa đón khách quốc tế tại Phú Quốc vào tháng 11 tới. 
Cũng trong ngày 21-10, UBND tỉnh Kiên Giang đã phê duyệt kế hoạch thí điểm đón khách du lịch quốc tế sử dụng hộ chiếu vaccine đến Phú Quốc. Theo kế hoạch tỉnh bắt đầu đón một số chuyến bay thuê bao từ ngày 20-11 và đến 20-12 sẽ triển khai lộ trình giai đoạn 2 (kết thúc vào ngày 20-6-2022).
Nhiều địa phương khác như Quảng Nam, Khánh Hòa, Đà Nẵng đã xây dựng kế hoạch phục hồi du lịch quốc tế. 3 tỉnh này đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ việc được đón khách du lịch quốc tế trong tháng 11, với điều kiện đã tiêm đủ 2 liều vaccine cho người lao động, khách đi tour trọn gói, lưu trú tại khách sạn được lựa chọn và không tiếp xúc với cộng đồng dân cư. 
Từ đề xuất của các địa phương, Bộ VH-TT-DL đã đề xuất định hướng, lộ trình mở lại hoạt động du lịch quốc tế gồm 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1 (từ tháng 11-2021) thí điểm đón khách quốc tế theo các chương trình du lịch trọn gói, thông qua các chuyến bay thuê bao chuyến và chuyến bay thương mại tại TP Phú Quốc (Kiên Giang), Cam Ranh (Khánh Hòa), Quảng Nam, Đà Nẵng.
Giai đoạn 2 (từ tháng 1-2022) sẽ mở rộng phạm vi đón khách du lịch quốc tế, kết nối các điểm đến thông qua các chuyến bay thuê bao và quốc tế thường lệ.
Giai đoạn 3 (từ quý II-2022) mở cửa lại hoàn toàn đối với thị trường khách quốc tế, với điều kiện bảo đảm các phương án phòng, chống dịch theo quy định.
Dưới góc nhìn của doanh nghiệp lưu trú chuyên đón khách quốc tế, ông Nguyễn Đức Quỳnh, Tổng giám đốc CTCP Du lịch Bắc Mỹ An, cho rằng thời điểm này tiến hành chương trình khôi phục du lịch quốc tế rất phù hợp. Phần đông nước trên thế giới tỷ lệ tiêm chủng vaccine khá cao và tại Việt Nam vaccine cũng đang được phủ nhanh, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch đang được nhiều tỉnh/thành ưu tiên.
Bên cạnh đó, thông tin phục hồi du lịch quốc tế, nhất việc tái khởi động du lịch tại các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Singapore, đang tạo sự hứng khởi cho doanh nghiệp du lịch. 
Làm gì để đón khách bền vững
Nhiều doanh nghiệp cho rằng việc đón khách quốc tế trở lại sẽ không chỉ dừng ở thí điểm, phải tính bài toán tổng thể lâu dài để có thể đón khách quốc tế bền vững. Trước hết, với định hướng lộ trình 3 giai đoạn của Bộ VH-TT-DL doanh nghiệp sẽ không phải thấp thỏm về mặt thời gian, có thể mạnh dạn hơn trong việc lên kế hoạch kết nối trở lại với các đối tác nước ngoài.
Một trong những việc quan trọng du lịch Việt Nam cần phải làm lúc này là xây dựng lại thương hiệu. 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch, nhìn nhận của du khách về điểm đến có thể đã khác.
Du lịch Việt Nam cần định hình lại chiến lược phát triển, xây dựng thương hiệu ra sao, thu hút du khách như thế nào. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch còn diễn biến phức tạp, cần có những tiêu chí cụ thể trong việc đón khách, xây dựng kịch bản cho các tình huống có thể xảy ra.
Là doanh nghiệp chuyên đón khách nước ngoài, ông Nguyễn Sơn Thủy, Giám đốc Công ty Duy Nhất Đông Dương, đặt vấn đề áp dụng công nghệ của ngành du lịch. Theo đó, cần thống nhất một ứng dụng dành cho du lịch.
Ứng dụng này khách có thể sử dụng để khai báo y tế nhưng cũng đồng thời có thể tương thích với công nghệ ở các điểm thăm quan, nghỉ dưỡng.
Thực tế băn khoăn này của doanh nghiệp đã được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh trong cuộc họp với Bộ VH-TT-DL cùng các địa phương. Phó Thủ tướng giao Bộ VH-TT-DL chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, khẩn trương xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn việc đón khách du lịch, các địa phương căn cứ vào đó thực hiện.
Cũng theo ông Đam ứng dụng số về an toàn dịch bệnh dành cho du khách quốc tế sử dụng trong quá trình nhập xuất cảnh và ở tại Việt Nam cần đơn giản, thuận tiện, dễ hiểu.

Các tin khác