Đừng để BOT giao thông thành tiền lệ

(ĐTTCO) - Câu chuyện “lời ăn, lỗ… đẩy cho dân chịu”, hoặc “lời hưởng, lỗ… trả lại nhà nước” của doanh nghiệp BOT, cụ thể là các trạm thu phí BOT, thực tế không mới mà đã xảy ra nhiều năm nay. 
Đừng để BOT giao thông thành tiền lệ
Do vậy, khi Bộ Giao thông-Vận tải (GTVT) có văn bản kiến nghị Chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp dự án BOT trong đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, với lý do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đã khiến dư luận gay gắt hơn. Cụ thể bộ này kiến nghị cho phép tăng phí đường bộ một loạt trạm BOT trên cả nước. 
Đại dịch Covid-19 đang gây ra thiệt hại to lớn không chỉ cho ngành giao thông, mà tất cả các ngành hàng không, đường bộ, đường thủy giảm… thậm chí ngừng hoạt động, đã hụt thu hàng chục ngàn tỷ đồng, trong khi vẫn phải trả lương, chi phí để duy trì hoạt động. Trong bối cảnh chung đó, tại sao Bộ GTVT không có chính sách, hoặc kiến nghị chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp này, mà cứ chăm chăm “cứu” doanh nghiệp BOT?
Nhìn rộng hơn, nếu tất cả ngành, doanh nghiệp dưới sự “đỡ đầu” của các bộ hoặc ngang bộ đều “lợi dụng” dịch Covid-19 để kiến nghị nâng giá bán sản phẩm, hay cầu cứu hỗ trợ từ Chính phủ, điều gì sẽ xảy ra với nền kinh tế ở tầm vĩ mô? Có một điều chắc chắn nền kinh tế sẽ rơi vào tình trạng hỗn loạn. 
Hiện tại, phí BOT vẫn chiếm khá cao trong chi phí vận tải. Chỉ tính riêng việc tăng phí BOT sẽ khiến phí vận tải tăng lên, hệ quả kéo theo tất yếu là chỉ số giá sản xuất và chỉ số giá tiêu dùng tăng lên, kéo tổng giá trị tăng thêm và GDP giảm xuống. Với những “đòi hỏi” kiểu này của doanh nghiệp, và nếu Chính phủ cũng “nhân nhượng”, liệu rằng GDP năm 2020 có thể đạt được mức tăng trưởng 5% như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu?
Chưa kể, xét về bản chất, phí BOT không khác một loại thuế gián thu, người dân đã đóng thuế và trả nợ (qua thuế) nay lại chịu thêm một loại “thuế sản phẩm” khi mua hàng hóa và đi lại, sẽ trở thành vô lý.
Vẫn biết rằng, việc tăng phí đã có lộ trình và nằm trong các điều khoản đã ký giữa Bộ GTVT và Bộ Tài chính với nhà đầu tư BOT. Tuy nhiên, cần lựa chọn thời điểm nào thích hợp để trình, xin tăng phí. Bởi trong lúc này khi cả nước vừa tạm thoát thảm họa Covid-19, đang gượng dậy ổn định sản xuất kinh doanh, nền kinh tế đất nước và các doanh nghiệp như người vừa qua trận ốm “thập tử nhất sinh”, còn đang đi chưa vững mà bắt chạy tăng tốc ngay, sẽ rất không phải đạo và bị phản ứng là đương nhiên.
Sau bao lùm xùm, tắc trách xoay quanh các trạm thu phí BOT, thiết nghĩ lãnh đạo Bộ GTVT hãy chịu khó lắng nghe tiếng nói từ nhiều phía, không nên chỉ nghe các doanh nghiệp BOT "tố khổ", để rồi quay lưng lại với chính những "chủ nhân" thật sự đứng sau các dự án BOT này. Bởi chính người tham gia giao thông, doanh nghiệp kinh doanh vận tải mới là người đang bỏ tiền mua lại dự án. 
Như đã nói, phí BOT đang chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành vận tải (khoảng 40% chi phí). Vì thế, doanh nghiệp BOT sụt giảm doanh thu do các doanh nghiệp vận tải ít hoạt động (ảnh hưởng bởi dịch Covid-19) là điều bình thường. Doanh thu sẽ phục hồi khi nền kinh tế tái hoạt động. Mọi thứ đang hạ xuống để phục hồi nền kinh tế, lại đẩy giá BOT lên là trái với quy luật chung, ảnh hưởng tới những nỗ lực của Chính phủ trong chính sách bình ổn nhằm phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19.
Cũng xin nhắc lại, với các dự án BOT, nguyên tắc làm khi đấu thầu thực hiện dự án phải có tính toán, “lời ăn, lỗ chịu”. Các doanh nghiệp đã tính toán mọi yếu tố từ chi phí xây dựng cho đến quản lý, vận hành để đảm bảo hiệu quả, lấy lúc lãi bù lúc thua lỗ. Riêng giai đoạn này, dịch Covid-19 ảnh hưởng nhiều đến doanh thu BOT do lưu lượng tham gia giao thông giảm, song hết dịch mật độ giao thông lại tăng lên, lưu lượng vận tải cũng phục hồi bình thường, BOT lại có nguồn thu, không thể có chuyện thu kém mãi.
Đó là chưa kể các trạm thu phí BOT giao thông khó bị lỗ (suốt chiều dài thực hiện dự án), vì khó khăn phát sinh trong giai đoạn này có thể bù đắp vào giai đoạn khác, không thiếu 1 đồng, bằng các văn bản đề nghị được kéo dài thời gian thu phí theo hợp đồng, dự toán ban đầu.

Các tin khác