Đừng để chính sách hỗ trợ… nằm trên giấy

(ĐTTCO) - Trao đổi với ĐTTC, chuyên gia kinh tế PHẠM CHI LAN nhận xét trong các đợt bùng phát dịch Covid-19 trước đó, chính sách của Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn do dịch vẫn còn “độ trễ”, dẫn đến tính hiệu quả của chính sách chưa được như mong muốn. Đây là bài học kinh nghiệm cần khắc phục trong lần này.

Đừng để chính sách hỗ trợ… nằm trên giấy ảnh 1
PHÓNG VIÊN: - Thưa bà, đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư như là “cú bồi” khiến các DN gặp khó khăn nhiều hơn. Những chính sách của Chính phủ nhằm hỗ trợ DN ngay lập tức được đưa ra. Song DN phản ánh họ vẫn gặp khó. Vậy đâu là nguyên nhân?
Bà PHẠM CHI LAN: - Ngay sau những đợt dịch trước DN cũng phản ánh khó khăn, sau đó Chính phủ đã đưa ra những nhóm giải pháp, chính sách để hỗ trợ, gỡ khó cho DN. Song hiệu quả của chính sách dường như chưa được như mong muốn.
Vừa rồi, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp cũng có đại biểu lên tiếng về các giải pháp, các gói hỗ trợ không đến được những đối tượng cần nhận. Tôi nghĩ đây là thực tế đã tồn tại từ năm ngoái, nay cần phải cố gắng, làm tốt hơn. 
Trong những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, phải kể đến gói chính sách hỗ trợ gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất khoảng 73.100 tỷ đồng, các khoản tiền được hồi tố, hoàn trả lại cho DN gần 5.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ tiền tệ, tín dụng khoảng 36.600 tỷ đồng...
Các chính sách này đã giúp cộng đồng DN phần nào vượt qua được những khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, giữ được sức phát triển qua 1 năm đầy sóng gió. Nhưng trên thực tế còn rất nhiều chính sách chỉ nằm trên giấy, chưa thể thực hiện do thiếu tính thực tế hoặc điều kiện quá chặt. 
Mấu chốt hiện nay là cần phải quyết đoán hơn, trong đó có cả việc giản lược các khâu trung gian. Đơn cử, Chính phủ có thể tiếp cận thông tin phản ánh từ chính kênh DN, sau đó ban hành chính sách ngay, không cần chờ các bộ, ngành. Bởi thực tế khi đợi các bộ, ngành nêu vấn đề đã quá chậm trễ, chưa kể việc phản ánh có thể chưa sát thực, không đúng với nguyện vọng thiết yếu và chính đáng của cộng đồng DN.
Bài học kinh nghiệm trong ban hành chính sách gỡ khó cho DN từ những lần trước đã cho thấy điều này, đó là chính sách ban hành chậm, đến khi thực thi cũng chậm, dẫn đến không đạt hiệu quả như mong muốn.
- Bà đánh giá thế nào về thực trạng hoạt động của DN hiện nay trước tác động của bùng phát dịch Covid-19 lần này?
- Theo một khảo sát về tình hình hoạt động của DN cả nước vừa công bố mới đây do Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam tiến hành, có đến 87,2% DN bị ảnh hưởng tiêu cực bởi Covid-19, trong đó 72,3% DN tư nhân và 74,5% DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Hầu hết ngành nghề đều bị ảnh hưởng mạnh mẽ. Đối với DN tư nhân, các lĩnh vực ảnh hưởng lớn trên 90% như sản xuất may mặc, thông tin truyền thông, sản xuất sản phẩm thiết bị điện, sản xuất xe có động cơ, giáo dục, y tế, lao động, sản xuất đồ da, gỗ. 
Đối với DN FDI, ngành nghề ảnh hưởng lớn nhất là DN bất động sản (100%) tiếp đến là thông tin, truyền thông, nông nghiệp thủy sản, sản xuất may mặc, đồ da, dệt, bán buôn, bán lẻ. Nhìn chung, các DN gặp trở ngại khi tiếp cận khách hàng, chuỗi cung ứng đứt gãy, mất cân đối dòng tiền, khó khăn quản trị lao động.
Như vậy có thể thấy, tác động của dịch Covid-19 đến các DN rất sâu và rộng, trên mọi bình diện. Do đó, các chính sách hỗ trợ DN lúc này không thể chậm trễ. Bởi chúng ta muốn giữ đà tăng trưởng, phục hồi nền kinh tế sau dịch, dứt khoát phải giữ được các DN sống.
Đừng để chính sách hỗ trợ… nằm trên giấy ảnh 2 TPHCM là đầu tàu kinh tế, nên điều cần lúc này là chính sách, cơ chế của Chính phủ để vực dậy sau đại dịch.
- Có ý kiến nói các chính sách của Chính phủ cần linh động hơn, trong đó có việc áp dụng chính sách đặc thù cho một số địa phương là đầu tàu kinh tế như TPHCM. Quan điểm của bà về vấn đề này?
- Hiện nay, Chính phủ đã lập quỹ vaccine, coi vaccine là giải pháp trọng tâm để khống chế dịch bệnh, đó là chính sách rất đúng đắn. Tôi cho rằng, kinh tế hồi phục nhanh hay chậm, các DN phục hồi sản xuất ra sao phụ thuộc rất nhiều vào “chiến lược vaccine”.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 ở Việt Nam hiện nay vẫn rất chậm, điều này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tốc độ phục hồi kinh tế. Đây cũng là điểm yếu Chính phủ cần sớm phải khắc phục.
Nhiều người rất sốt ruột và lo lắng trước tình hình dịch Covid-19 bùng phát tại TPHCM, nơi đầu tàu kinh tế của cả nước. Nếu TPHCM khống chế dịch chậm và suy giảm tốc độ tăng trưởng sẽ ảnh hưởng rất nặng nề đến kinh tế cũng như ngân sách cả nước.
Chính quyền TPHCM cũng đã nhận thức được điều này, đã rất quyết tâm thực hiện song song mục tiêu kép vừa chống dịch nhưng vẫn đảm bảo sản xuất để duy trì kinh tế.
Vì thế, điều TPHCM cần lúc này là chính sách, cơ chế của Chính phủ chứ không phải tiền bạc. TPHCM có đủ nguồn lực để thực hiện chống dịch và phát triển kinh tế, nhưng cái khó là cơ chế, chính sách vẫn chưa phù hợp, vẫn gò bó đầu tàu kinh tế này.
Đơn cử, việc tiêm chủng vaccine, vừa rồi các DN của TP kiến nghị được tự bỏ tiền ra mua để tiêm cho người lao động trong DN mình, cái này hoàn toàn hợp lý, Chính phủ nên khuyến khích.
Xin nói thêm, với DN của TPHCM, tôi nghĩ họ có đủ khôn ngoan để biết mình phải làm gì để ứng phó với tình hình dịch bệnh, Chính phủ không cần can thiệp quá nhiều mà hãy cho họ những cơ chế, chính sách phù hợp, cắt giảm bớt các thủ tục rườm ra, các loại thuế, phí không cần thiết.
Hầu hết khảo sát đều cho thấy phần lớn DN đề nghị cải thiện hệ thống pháp luật, tháo gỡ các nút thắt về thủ tục hành chính, tạo thông thoáng môi trường kinh doanh, không phải là chuyện hỗ trợ về vốn. Do đó, đây là vấn đề Chính phủ nên nhanh chóng tháo gỡ cho DN.
Bên cạnh đó, việc ban hành như miễn giảm thuế, giãn thuế, gia hạn nộp thuế, giảm lãi suất, giảm các chi phí của hoạt động kinh doanh, cần phải chú ý đến những giải pháp có tính chất hạn dài hơn.
Chính phủ cần có chính sách khuyến khích tăng cường đầu tư công, hoàn thiện các công trình hạ tầng, thực hiện các gói kích cầu cần thiết cho TPHCM trong giai đoạn hiện nay.
- Xin cảm ơn bà.

Các tin khác