Đừng để “luồng xanh” thành giấy phép con

(ĐTTCO) - Việc thực hiện chỉ thị của Chính phủ về giãn cách xã hội (GCXH) để phòng chống dịch Covid-19 là cần thiết, song cách làm trong thời gian qua của nhiều địa phương lại cho thấy sự rập khuôn và cứng nhắc, gây cản trở các hoạt động giao thương kinh tế, ảnh hưởng đến đời sống an sinh người dân. Đặt ra “luồng xanh” là giải pháp kiểm soát phòng chống dịch, nhưng không nên biến nó thành “giấy phép con”.
Hàng nghìn xe tải, phương tiện cá nhân ùn ứ khoảng 10km trên Quốc lộ 5, từ huyện Kim Thành, Hải Dương đến huyện An Dương, Hải Phòng.
Hàng nghìn xe tải, phương tiện cá nhân ùn ứ khoảng 10km trên Quốc lộ 5, từ huyện Kim Thành, Hải Dương đến huyện An Dương, Hải Phòng.
“Chéo chân” các văn bản
Sau khi một số tỉnh, TP thực hiện GCXH theo các Chỉ thị 15 và 16 của Chính phủ, giữa tháng 7 Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) Bộ GTVT, đã ban hành công văn hướng dẫn xây dựng “luồng xanh” ưu tiên cho phương tiện vận chuyển hàng hóa, cụ thể là những mặt hàng nhu yếu phẩm phục vụ người dân trong vùng thực hiện GCXH. Thông tin này mang lại niềm vui cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải và đại bộ phận người dân sau thời gian gặp khó khăn khi nguồn cung hàng hóa bị ngưng trệ. 
Theo đó, Tổng cục ĐBVN đề nghị UBND và sở GTVT các tỉnh, TP tạo điều kiện ưu tiên tối đa để các phương tiện vận chuyển hàng hóa được lưu thông thông suốt 24/24h thông qua “thẻ nhận diện”. Thậm chí, có trường hợp không cần “thẻ nhận diện” đối với các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu dễ hư hỏng như nông sản, thủy sản tươi sống, hàng đông lạnh; các loại hàng hóa thiết yếu, phục vụ sản xuất kinh doanh khi lưu thông giữa các địa phương trong khu vực đang GCXH.
Bộ Y tế cũng “hỏa tốc” có công văn gửi UBND các tỉnh, TP nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người vận chuyển hàng hóa. Cụ thể, đề nghị các cơ quan chức năng không kiểm tra giấy chứng nhận xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với tài xế, phụ xế và nhân viên bốc, xếp hàng hóa đi theo xe trong trường hợp chỉ lưu thông trong phạm vi nội bộ tỉnh, thành đang thực hiện Chỉ thị 16.
Thay vào đó, chỉ kiểm tra giấy chứng nhận kết quả âm tính với SARS-CoV-2 (RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên) trong vòng 72 giờ (kể từ khi lấy mẫu) đối với các trường hợp phương tiện vận chuyển hàng hóa lưu thông từ khu vực GCXH, khu vực phong tỏa sang khu vực liền kề áp dụng cấp độ phòng chống dịch thấp hơn.
Tuy nhiên, ngay sau khi 2 văn bản của Bộ GTVT và Bộ Y tế được ban hành, “luồng xanh” vẫn tắc. Cụ thể, ngày 21-7 các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp vẫn yêu cầu lái xe và người đi theo xe phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, như đây là mảng nội dung thuộc trách nhiệm ngành y tế, còn có lý do xuất phát từ cách hiểu câu chữ. 
Giải thích điều này, đại diện một số tỉnh, thành cho biết đang làm đúng theo tinh thần văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế. Cụ thể,  tại Điều 1 Công văn 5753/BYT-MT của Bộ Y tế quy định: “Không kiểm tra giấy chứng nhận xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa (tài xế, người phục vụ trên xe...) chỉ lưu thông trong phạm vi nội tỉnh, TP trực thuộc Trung ương đang thực hiện Chỉ thị 16”. Văn bản sử dụng cụm từ “phạm vi nội tỉnh, TP” nên nhiều địa phương vẫn hiểu và áp dụng việc kiểm tra giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với các phương tiện từ tỉnh, TP khác đang đi lại trong phạm vi tỉnh, TP của mình.
Theo TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, Bộ GTVT và Bộ Y tế cần sớm ngồi lại với nhau để thống nhất chung về văn bản quy định, tránh sự chồng chéo. Không thể để “luồng xanh” mà vẫn tắc, giấy chứng nhận xét nghiệm Covid-19 lại thành “giấy phép con”. 
“Người dân vùng dịch đang cần cung ứng đủ hàng hóa, nhu yếu phẩm để đảm bảo đời sống sinh hoạt hàng ngày. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp kinh doanh vận tải có việc làm, cầm cự tồn tại qua thời điểm khó khăn. Rộng hơn, ở tầm vĩ mô đây là phản ánh của việc thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Không có lý do gì chỉ vì những câu từ chưa thống nhất trong văn bản gây nên sự hiểu lầm và cản trở như vậy” - TS. Lê Đăng Doanh nhận xét.
Thống nhất văn bản, điều chỉnh cách làm
“Luồng xanh” là để ưu tiên lưu thông hàng thiết yếu nhưng do triển khai theo các hiểu của từng địa phương, đã gây ra “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” trong cuộc phòng chống dịch Covid-19. 
Thực tế cho thấy, sau khi áp dụng Chỉ thị 16 của Chính phủ, không chỉ các tỉnh thành phía Nam, ngay cả một số tỉnh phía Bắc cũng xảy ra tình trạng ách tắc giao thông khi đã được ưu tiên “luồng xanh”. Các địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh đều siết chặt điều kiện kiểm soát đối với người và phương tiện ra vào. 
Đơn cử, Quốc lộ 5 những ngày giữa tháng 7 ùn tắc kéo dài hàng chục cây số do hàng ngàn phương tiện phải xếp hàng để xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2 tại các chốt kiểm soát dịch bệnh trước khi vào TP Hải Phòng.
Theo ông Đặng Văn Chung, Phó Vụ trưởng Vụ ATGT (Tổng cục ĐBVN), việc kiểm soát tại các chốt kiểm dịch của các địa phương cần  có sự thay đổi về cách thức thực hiện. Ở các tỉnh phía Bắc lưu lượng phương tiện trên Quốc lộ 5 rất đông, mỗi lái xe test nhanh cũng mất 15-20 phút nên lượng xe đứng chờ kéo dài cả hàng chục km. 
Tương tự, khu vực cửa ngõ miền Tây của các tỉnh phía Nam trên tuyến Quốc lộ 1, lưu lượng xe di chuyển vào TPHCM qua chốt kiểm dịch bị ùn ứ kèo dài. 
“Cần nghiên cứu thay đổi cách thức thực hiện mới giải quyết được trở ngại này, như áp dụng công nghệ vào khâu kiểm soát. Việc xét nghiệm trên đường cũng nghiên cứu lại, đông người vào test, chỉ cần 1 người nhiễm có thể lây nhiễm cho nhiều người. Hiện chúng tôi đã báo cáo vấn đề này lên Chính phủ để xin chỉ đạo. Thứ nhất, phải áp dụng công nghệ. Thứ hai, phải phân biệt rõ ràng các doanh nghiệp lớn, các cảng phải tự kiểm tra và chỉ khi thực sự cần thiết mới xét nghiệm để giảm thời gian, tránh ùn tắc” - ông Chung đề nghị.
Trong thời gian qua, “luồng xanh” ưu tiên lưu thông hàng thiết yếu cho dân (cả người sản xuất lẫn tiêu thụ) vẫn chưa thật thông thoáng như mong đợi. Thậm chí có nơi còn gây ra hiệu ứng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” trong cuộc phòng chống dịch Covid-19 vốn đòi hỏi sức mạnh tổng hợp của sự chung sức, chung lòng. 
Thực tế, thực hiện trong thời gian qua cũng cho thấy đã đến lúc nội dung quy định trong các văn bản liên ngành, bộ cần có sự nhất quán và cách thức thực hiện cũng cần được điều chỉnh cho phù hợp hơn. 

Các tin khác