Đường dài mới hay sức ngựa

(ĐTTCO)-Sau hơn 1 tháng Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực, những tín hiệu tích cực đầu tiên đã đến với nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như thủy sản, gạo, trái cây… Tuy nhiên, để tận dụng tốt hiệp định này vẫn cần thêm nhiều nỗ lực, vì hàng rào phi thuế quan của EU không đơn giản. 
Với mặt hàng trái cây thị trường EU rất dễ dãi, chỉ cần đạt tiêu chuẩn là cho nhập, nhưng tiêu chuẩn đòi hỏi bằng giấy chứng nhận không chỉ chất lượng mà còn là môi trường, xã hội... lại rất khó với doanh nghiệp Việt.
Với mặt hàng trái cây thị trường EU rất dễ dãi, chỉ cần đạt tiêu chuẩn là cho nhập, nhưng tiêu chuẩn đòi hỏi bằng giấy chứng nhận không chỉ chất lượng mà còn là môi trường, xã hội... lại rất khó với doanh nghiệp Việt.
Chỉ mới khởi động
Giữa tháng 9, tại trụ sở Công ty Vina T&T (Bến Tre), Bộ NN-PTNT tổ chức lễ công bố xuất khẩu lô hàng hoa quả gồm bưởi, dừa, thanh long của Vina T&T sang thị trường EU theo Hiệp định EVFTA.
Trước đó Công ty Đồng Dao (Gia Lai) cũng xuất khẩu những lô hàng trái cây đầu tiên theo hiệp định này. Trong số những mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, rau quả là một trong những mặt hàng được hưởng lợi ngay khi EVFTA có hiệu lực.
Theo thống kê, giá trị xuất khẩu của sản phẩm rau quả của Việt Nam sang EU trong tháng 8 ước đạt 14,7 triệu USD, tăng 25,2% so với tháng trước và tăng 6% so với cùng kỳ 2019. Nhiều DN cũng đã có những tính toán để có thể tăng tốc đưa hàng vào thị trường EU. 
Chia sẻ với ĐTTC, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Vina T&T, cho biết sẽ đẩy mạnh đưa hàng qua EU và dự báo mức tăng trưởng khoảng 3-4 lần so với trước. Ngoài thuế giảm, lợi thế nữa là EU chấp nhận tất cả mặt hàng đạt tiêu chuẩn, không cần đàm phán từng loại như một số thị trường khó tính khác. 
Một mặt hàng nữa cũng đang bước vào đường cao tốc EVFTA là tôm xuất khẩu. Các DN xuất khẩu tôm cho biết trong tháng 8 đơn hàng xuất khẩu tôm đã tăng 10-15% so với tháng trước.
Đây là tín hiệu rất tích cực, nhất là trong bối cảnh dịch như hiện nay, khi nhu cầu sụt giảm khiến thị trường EU vốn dẫn đầu về kim ngạch nhập khẩu thủy sản Việt Nam tụt xuống vị trí thứ 4 (tính hết 6 tháng đầu năm). Nhưng với lợi thế về thuế sẽ giúp tôm Việt Nam tăng khả năng cạnh tranh với các đối thủ như Ấn Độ hay Thái Lan.
Hơn nữa, lâu nay EU vẫn là một trong 4 thị trường xuất khẩu chính của tôm Việt Nam, nên các DN cũng không gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng các hàng rào phi thuế quan của thị trường này. Dự báo từ giờ đến cuối năm tôm sẽ tiếp tục duy trì vai trò chủ lực trong các nhóm ngành thủy sản xuất khẩu, giúp ngành này có thể về đích với kim ngạch hơn 8 tỷ USD. 
Vào tuần cuối của tháng 9, Bộ NN-PTNT phối hợp cùng UBND tỉnh An Giang tổ chức lễ công bố xuất khẩu lô hàng gạo thơm đầu tiên sang EU theo Hiệp định EVFTA. Theo đó, lô hàng gạo thơm đầu tiên xuất sang EU của Tập đoàn Lộc Trời với số lượng gần 126 tấn, loại giống Jasmine 85, được đóng gói theo quy cách 18kg.
Lãnh đạo Tập đoàn Lộc Trời cho rằng, với mức thuế suất ưu đãi của EVFTA, sẽ là lợi thế cạnh tranh lớn về xuất khẩu nông sản nói chung và mặt hàng gạo nói riêng vào EU. Đây là lợi thế của Lộc Trời, bởi trong nhiều năm qua tập đoàn đầu tư xây dựng vùng sản xuất lúa gạo tiêu chuẩn, kiểm soát chất lượng luôn được đặt lên hàng đầu trên khắp các vùng nguyên liệu và các cơ sở sản xuất, chế biến.
Được biết, EU đã dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn/năm với thuế suất 0%. Trước đó do thuế nhập khẩu gạo từ Việt Nam vào các nước châu Âu có thuế rất cao nên gần như không có sức cạnh tranh và rất khó vào được thị trường này. Đã có DN xuất khẩu gạo Việt Nam đưa hàng vào thị trường này như CTCP Nông nghiệp CNC Trung An, CTCP Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam. 

Chưa thể “thở phào”
 Hơn 1 tháng chưa phải là nhiều, song những gì DN Việt Nam đang làm được xem là bước khởi động tích cực. Hành trình tận dụng EVFTA vẫn còn rất dài và vẫn còn nhiều rào cản các DN cần phải vượt qua.
Tuy có lợi thế về thuế, nhưng để có thể đẩy mạnh xuất khẩu hơn nữa vào thị trường EU còn rất nhiều vấn đề các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam cần giải quyết. Thí dụ, với trái cây tươi, thuế giảm và EU cũng không yêu cầu đàm phán từng mặt hàng, chỉ cần đạt tiêu chuẩn là cho nhập.
Nhưng tiêu chuẩn của EU lại không thấp, đòi hỏi nhiều chứng nhận như Global GAP, chứng nhận môi trường, xã hội. Điều này không phải DN Việt Nam nào cũng có thể đáp ứng được. Bởi lẽ chúng ta chưa có nhiều vùng trồng đạt tiêu chuẩn, liên kết giữa DN và nông dân vẫn còn lỏng lẻo.
Thêm nữa, để đạt chứng nhận như Global GAP chi phí cũng không hề nhỏ, ước tính cho mỗi loại vùng trồng, mỗi loại trái cây 200 triệu đồng/năm. Đó là lý do khi EVFTA có hiệu lực không phải đòn bẩy để trái cây có thể vào thị trường này ồ ạt, chỉ có thể là bước đệm quan trọng để các mặt hàng trái cây, rau củ từng bước hoàn thiện mình. 
Hay mặt hàng gạo cần vượt qua những rào cản. Thứ nhất, hạn ngạch gạo là EU phân bổ cho các DN nhập khẩu của họ, nên DN Việt phải chủ động tìm nhà nhập khẩu chào hàng.
Thứ hai, ngoài những yêu cầu về an toàn thực phẩm, dư lượng hóa chất, nhà nhập khẩu và người tiêu dùng EU quan tâm chính là môi trường, phát triển bền vững - điều lâu nay chúng ta chưa thực sự quan tâm. Đặc biệt, để được hưởng thuế suất 0% phải có giấy chứng nhận đúng chủng loại được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam…  
Có thể thấy trong giai đoạn đầu tiên khi EVFTA có hiệu lực, chủ yếu vẫn là cuộc khởi động của các nhóm ngành nông, thủy sản. Vậy những nhóm ngành chủ lực khác thì sao? Những cái tên như dệt may, da giày trước nay vẫn được xếp vào nhóm sẽ hưởng lợi khi EVFTA có hiệu lực đang ở trong hoàn cảnh nào?
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM, cho biết tính đến thời điểm này rất ít DN dệt may tận dụng được lợi thế từ EVFTA. Nguyên nhân do ngành may đang thiếu đơn hàng trầm trọng vì dịch, đã khiến nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản sụt giảm nghiêm trọng và chưa biết đến khi nào mới phục hồi. 
“Có DN hiện nhận đơn hàng theo tuần, thậm chí đơn hàng nhận rồi nhưng bị hủy nên có được đơn hàng cực kỳ quý. Từ nay đến cuối năm chưa dám nói trước tình hình. Kế hoạch kim ngạch 40 tỷ USD chắc cố lắm cũng chỉ đạt 30-32 tỷ USD. Cũng vì quá khó khăn với đơn hàng lại thêm để tận dụng được EVFTA phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn khắt khe của quy tắc xuất xứ, nên dù trước đó mong mỏi nhưng DN cũng chưa thể quá quan tâm đến EVFTA trong thời điểm này. Chỉ mong sao có thể sống sót qua dịch, hồi phục sức khỏe, DN sau đó mới tính đến chuyện làm sao tận dụng EVFTA” - ông Hồng chia sẻ. 
Vấn đề làm sao tận dụng tốt nhất các lợi thế từ các FTA, không phải đến khi EVFTA có hiệu lực mới được nói tới. Cũng đã có những FTA thời gian đầu chúng ta tận dụng tốt nhưng sau đó khả năng tận dụng lại giảm dần theo thời gian. Chính vì thế những tín hiệu ban đầu của EVFTA chưa thể nói lên bức tranh chung trong việc tăng tốc trên đường cao tốc này của DN Việt Nam. 

Các tin khác