EVFTA - Thành sự tại ta

(ĐTTCO)-EVFTA đã chính thức có hiệu lực từ 1-8-2020, hứa hẹn đưa trao đổi thương mại giữa 2 bên lên một tầm cao mới. Nhìn nhận một cách công bằng, trong FTA này Việt Nam là bên gặt hái được nhiều hơn trong thỏa thuận. Sự ưu ái trong chừng mực nào đó của EU đối với Việt Nam dĩ nhiên cũng vì một phần lợi ích của EU theo kiểu “anh 7 tôi 3”. Do đó kết quả giao thương giữa 2 bên phụ thuộc chính vào nỗ lực và hành động cụ thể của Việt Nam.
Phát lệnh xuất khẩu lô cà phê đầu tiên của Việt Nam sang châu Âu theo EVFTA.
Phát lệnh xuất khẩu lô cà phê đầu tiên của Việt Nam sang châu Âu theo EVFTA.
Những con số đáng quan tâm
EU-27 (EU) là một trong ba nền kinh tế có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn nhất thế giới, bên cạnh Mỹ và Trung Quốc. Theo số liệu của Eurostat, năm 2019 EU chiếm 15% tổng giá trị xuất khẩu toàn cầu với giá trị 2.123 tỷ EUR (Trung Quốc 16% và Mỹ là 11%) và chiếm 14% tổng giá trị nhập khẩu toàn cầu với giá trị 1.935 tỷ EUR (Mỹ là 16% và Trung Quốc là 13%).
Quan hệ thương mại Việt Nam – EU giai đoạn 2009-2019 có bước phát triển rất ấn tượng. Năm 2009 EU xuất khẩu sang Việt Nam 4 tỷ EUR, nhưng đến 2019 là 11 tỷ EUR.
Trong khi đó, năm 2009 Việt Nam xuất khẩu sang EU 7 tỷ EUR và đến 2019 là 34 tỷ EUR. Điều này cho thấy kim ngạch trao đổi giữa 2 bên ngày càng tăng, nhưng cùng với đó là thâm hụt của EU so với Việt Nam cũng tăng theo thời gian: từ 3 tỷ EUR năm 2009 lên 23 tỷ EUR năm 2019.
Về phía EU, Việt Nam đang là một đối tác thương mại khá khiêm tốn khi so với các đối tác khác như Mỹ, Anh, Trung Quốc, Thụy Sĩ và Nga. Việt Nam chiếm khoảng 1% giá trị xuất khẩu của EU, xếp hạng 31 nhưng chiếm 2% giá trị nhập khẩu và xếp hạng thứ 11.
Xét về tương quan xuất-nhập thì rõ ràng Việt Nam đang bán nhiều hơn là mua từ EU.
Trong khi đó từ phía Việt Nam, số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy 8 tháng năm 2020, EU chiếm 14,8% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam nhưng chỉ chiếm 6,1% tổng giá trị nhập khẩu. Qua đây cho thấy, EU là đối tác xuất khẩu xếp thứ 3 (sau Mỹ và Trung Quốc) của Việt Nam.
EVFTA dự kiến xóa bỏ thuế nhập khẩu của 99% các mặt hàng giao thương giữa 2 bên, nhưng lộ trình được ưu tiên hơn cho Việt Nam. Theo đó, EU có 7 năm để dỡ bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu từ Việt Nam, nhưng Việt Nam có đến 10 năm để đưa thuế suất hàng hóa nhập khẩu từ EU về 0%.

Nỗ lực và hành động của Việt Nam
 Mặc dù EVFTA được nhìn nhận là có lợi hơn cho Việt Nam, nhưng đổi lại Việt Nam phải chịu áp lực cải tổ nhiều hơn trong các vấn đề như môi trường, quyền của người lao động, sở hữu trí tuệ, đấu thầu công và bảo vệ nhà đầu tư nước ngoài.
Mặc dù EVFTA được nhìn nhận là có lợi hơn cho Việt Nam, nhưng đổi lại Việt Nam phải chịu áp lực cải tổ nhiều hơn trong các vấn đề như môi trường, quyền của người lao động, sở hữu trí tuệ, đấu thầu công và bảo vệ nhà đầu tư nước ngoài. Những yêu cầu này, mặc dù là thách thức nhưng lại là những yếu tố quan trọng để giúp Việt Nam phát triển phồn vinh và bền vững, nâng cao vị thế của mình.
EU đã ghi nhận những tiến bộ đáng kể của Việt Nam trong việc thông qua, cam kết và thực hiện một số công ước của ILO như Công ước 98 và 105. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã đồng ý pháp lý hóa một số vấn đề nhân quyền trong Hiệp định khung về đối tác toàn diện giữa Việt Nam – EU.
Trong các đối tác thương mại hiện nay, Việt Nam bị mất cân đối khi nhập siêu nhiều từ Trung Quốc và Hàn Quốc, xuất siêu nhiều vào Mỹ và EU. Để EVFTA thúc đẩy mạnh kim ngạch  xuất nhập khẩu giữa 2 bên, Việt Nam cần thu thút thêm nhiều nhà đầu tư từ EU, tăng giá trị nhập khẩu từ EU song song với việc tăng xuất khẩu sang thị trường này.
Muốn vậy, một số giải pháp có thể hướng đến như sau:
Thứ nhất, với những mặt hàng đang xuất khẩu tốt như thiết bị viễn thông, giày dép, cà phê, máy văn phòng, đồ nội thất, quần áo, một số sản phẩm nông nghiệp… cần chú trọng đến giá trị gia tăng, hướng đến những sản phẩm có chất lượng, giá trị cao. Sau một thời gian châu Âu tràn ngập hàng giá rẻ của Trung Quốc, người tiêu dùng châu Âu đã phải cảnh tỉnh với chất lượng và những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, do đó thị hiếu đã chuyển sang hàng hóa có chất lượng ổn định, an toàn.
Thứ hai, EU có thế mạnh về công nghệ, máy móc, phương tiện vận tải và phụ tùng, hóa chất và nông nghiệp. Do đó cần thu hút các nhà đầu tư EU trong các lĩnh vực này, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu với họ ở các nấc giá trị khác nhau. Một khi thu hút được các nhà đầu tư EU, nâng trình độ sản xuất trong nước thì sẽ cân bằng lại nhập siêu với Trung Quốc và Hàn Quốc, tăng nhập khẩu từ EU nhưng cũng tăng xuất khẩu sang thị trường này.
Thứ ba, một đặc điểm quan trọng của người dân châu Âu nói chung, giới chính trị gia và doanh nhân ở đây họ rất quan tâm đến vấn đề môi trường, nhân quyền và sự ổn định.
Nếu Việt Nam cải thiện nhanh các thỏa thuận theo mong muốn của EU trong các hiệp định đã ký, đảm bảo môi trường kinh doanh ổn định, bảo vệ nhà đầu tư, chất lượng lao động và hàng hóa xuất khẩu đảm bảo, thì EVFTA sẽ phát huy rất tốt vai trò của mình.
Tóm lại, EVFTA mang lại nhiều cơ hội hơn cho Việt Nam so với đối tác của mình. Với vị trí địa chính trị thuận lợi ở Đông Nam Á, căng thẳng thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc, làn sóng dịch chuyển của chuỗi sản xuất từ Trung Quốc sang Đông Nam Á và Ấn Độ ngày càng mạnh mẽ, cơ hội để Việt Nam trở thành đối tác quan trọng của EU (từ phía EU) ngày càng nhiều.
Cơ hội này cũng sẽ giúp Việt Nam giảm phụ thuộc nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Tuy vậy, Việt Nam cần chú ý đến những mong muốn của EU, thu hẹp thâm hụt thương mại của EU với Việt Nam nhưng tổng thể giá trị trao đổi hàng hóa giữa 2 bên vẫn tăng. 
-----------
(*) Giảng viên ĐH Kinh tế TPHCM và IPAG Business School Paris, thành viên Tổ chức AVSE Global

Các tin khác