FDI cần tầm nhìn trung và dài hạn

(ĐTTCO)-Thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là một mảng sáng của kinh tế Việt Nam năm 2019, khi tăng cả quy mô vốn và dự án mới được cấp phép. Tuy nhiên, trong trung và dài hạn, việc thu hút FDI cần phải lấy chất lượng làm trọng tâm.
FDI cần tầm nhìn trung và dài hạn
Số lượng tăng 
Tính đến ngày 20-12-2019, vốn FDI thực hiện đạt 20,38 tỷ USD, tăng 6,7% so với năm 2018. Tổng vốn đăng ký mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) đạt 38,02 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ 2018.
Các NĐTNN đã đầu tư vào 19 ngành kinh tế, trong đó có chế biến, chế tạo với 24,56 tỷ USD, chiếm 64,6%; kinh doanh bất động sản 3,88 tỷ USD (chiếm 10,2% vốn đăng ký); tiếp theo là bán buôn bán lẻ, khoa học và công nghệ. 
Phân bố vốn FDI vào các ngành, lĩnh vực kinh tế tiếp tục giữ tỷ trọng như những năm trước, trong đó có một số chuyển dịch tích cực đối với kinh doanh bất động sản, do thị trường mở rộng, doanh nghiệp (DN) trong nước có tiềm lực mạnh hơn, nên một số NĐTNN liên doanh, liên kết chuyển giao công nghệ và phương thức kinh doanh mới cho DN trong nước.
Hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) sôi nổi trong những năm gần đây, chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng vốn đăng ký: năm 2017 chiếm 17,02%, năm 2018 chiếm 27,78% và năm 2019 chiếm 56,4%.
Đó là tín hiệu đáng mừng do 2 nguyên nhân chính: quy mô DN trong nước đã lớn mạnh tạo ra nguồn cung dồi dào cho M&A, và chính sách mở cửa với thị trường chứng khoán theo chủ trương nới room cho NĐTNN. M&A có lợi thế so với đầu tư mới, vì NĐT tìm đến các DN có thể mang lại lợi nhuận cho họ trên cơ sở theo dõi và nghiên cứu báo cáo tài chính của DN bán cổ phần; thời gian thực hiện dự án nhanh hơn vì thủ tục đơn giản hơn.
FDI cần tầm nhìn trung và dài hạn ảnh 1
Chất lượng chưa đạt
Tuy vậy, chất lượng và hiệu quả của vốn FDI năm 2019 chưa đáp ứng được đòi hỏi của đất nước trong quá trình chuyển sang định hướng đổi mới, sáng tạo, khoa học, công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng nền kinh tế số, tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Quy mô trung bình mỗi dự án FDI quá nhỏ, 3.833 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư có tổng vốn đăng ký 16,75 tỷ USD, trung bình mỗi dự án chỉ khoảng 4,3 triệu USD. Một số địa phương còn thu hút cả những dự án 1-2 triệu USD, thậm chí dưới 1 triệu USD. 
Tất nhiên, tùy thuộc vào ngành, lĩnh vực để bàn về quy mô dự án. Một số lĩnh vực dịch vụ không đòi hỏi quy mô lớn, nhưng với sản xuất, chế biến  cần quan tâm đến quy mô dự án, khi các DNNVV đủ năng lực, cần được các cấp chính quyền tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện các dự án đó.
Bên cạnh đó, cũng xuất hiện tình trạng thiếu dự án quy mô lớn. Năm 2018 có một số dự án như Thành phố thông minh tại Đông Anh (Hà Nội) liên doanh với Nhật Bản 4,14 tỷ USD, Nhà máy sản xuất Polypropylene và kho ngầm chứa dầu mỏ hóa lỏng  của Hàn Quốc đầu tư 1,2 tỷ USD tại Bà Rịa - Vũng Tàu.
Nhưng năm 2019, dự án quy mô lớn nhất là 420 triệu USD. Trong ngành chế tạo, chế biến, chưa thu hút được dự án công nghệ tương lai như AI, blockchain, fintech, trung tâm R&D, nhất là ở 2 trung tâm kinh tế lớn Hà Nội và TPHCM có tiềm lực khoa học và công nghệ lớn, dồi dào về lao động chất lượng cao…
FDI cần tầm nhìn trung và dài hạn ảnh 2
Thay đổi tư duy và hành động
Khi Chính phủ Mỹ áp đặt mức thuế nhập khẩu 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, đã buộc DN nước này phải tìm kiếm thị trường khác để tiêu thụ số hàng hóa không thể xuất khẩu sang Mỹ, đồng thời gia tăng đầu tư ra nước ngoài để đối phó với các biện pháp của Mỹ. Việt Nam là nước láng giềng có tiềm năng lớn, nên sẽ được DN Trung Quốc tìm kiếm cơ hội để mở rộng quy mô thương mại 2 chiều, tăng nhanh các dự án đầu tư trực tiếp.
Do vậy Việt Nam cần nghiên cứu để nhận biết thách thức và cơ hội mới, có đối sách thích hợp với các DN Trung Quốc theo hướng lựa chọn, sàng lọc, bảo đảm lợi ích quốc gia trong việc hợp tác về thương mại và đầu tư giữa 2 nước.
Việc cộng đồng NĐTNN, các tổ chức quốc tế đánh giá cao môi trường kinh doanh và đầu tư của Việt Nam, với một số hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới bắt đầu có hiệu lực, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 50 về định hướng, chính sách mới về FDI, dự báo tốc độ tăng vốn FDI thực hiện năm 2020 là 7-8%, đạt 23-24 tỷ USD, chiếm 22-23% tổng vốn đầu tư xã hội; vốn đăng ký giai đoạn 2021-2025 khoảng 150-200 tỷ USD (30-40 tỷ USD/năm), giai đoạn 2026-2030 khoảng 200-300 tỷ USD (40-50 tỷ USD/năm); vốn thực hiện giai đoạn 2021-2025 khoảng 100-150 tỷ USD (20-30 tỷ USD/năm), giai đoạn 2026-2030 khoảng 150-200 tỷ USD (30-40 tỷ USD/năm).
Cùng với đó, tỷ lệ DN sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, hướng đến công nghệ cao dự báo tăng 50% vào năm 2025 và 100% năm 2030 so với năm 2018; tỷ lệ nội địa hóa tăng từ 20-25% hiện nay lên mức 30% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030; tỷ trọng lao động qua đào tạo trong cơ cấu sử dụng lao động từ 56% năm 2017 lên 70% vào năm 2025 và 80% vào năm 2030. 
Trên thực tế, cho đến cuối năm 2019, vốn FDI đăng ký trên 360 tỷ USD, vốn FDI thực hiện 210 tỷ USD, còn 150 tỷ USD chưa thực hiện. Trong đó, chỉ 50-60 tỷ USD có thể giải ngân, hơn 100 tỷ USD không hy vọng được thực hiện, trở thành “vốn ảo”, cần loại ra khỏi thống kê về FDI để không tạo ra ảo tưởng còn quá nhiều vốn FDI chưa thực hiện.
Vì thế, định hướng mới về FDI trung hạn và dài hạn phải lấy chất lượng làm trọng, không khoan nhượng với dự án của bất kỳ ngành nghề, đối tác, địa phương nào, phải đặt trong bối cảnh nước ta đang theo đuổi chiến lược tăng trưởng với tốc độ cao để hướng đến nền kinh tế xanh, bền vững. 
Để thực hiện, ngay trong năm 2020, ngoài những việc đang triển khai như hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, phải tạo lập môi trường đầu tư hấp dẫn, chủ động trong việc lựa chọn dự án và NĐT.
Báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019 của Diễn đàn Kinh tế thế giới đánh giá Việt Nam là quốc gia có điểm số năng lực cạnh tranh tăng mạnh nhất thế giới trong năm 2019. Tuy vậy, tại Đông Nam Á, ta vẫn xếp sau Singapore (số 1), Malaysia (27), Thái Lan (40), Brunei (56) và Philippines (64). 
Do đó, cần có cách tiếp cận mới trong việc cải cách nền hành chính quốc gia theo hướng xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số để đạt được mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị: “Tạo lập môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc nhóm ASEAN 4 trước năm 2021, thuộc nhóm ASEAN 3 trước năm 2030”.

Phải bắt đầu từ ngành, địa phương
 Mục tiêu chất lượng vốn FDI đòi hỏi phải thay đổi tư duy và hành động trong việc lựa chọn đối tác và dự án FDI liên quan đến chuyển giao công nghệ, quản trị DN, đào tạo nhân lực chất lượng cao, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. 
Hoạt động đầu tư bắt đầu từ ý tưởng của các ngành, địa phương đối với các dự án trong từng giai đoạn, từng năm, trong đó có đầu tư nước ngoài. Theo đó, phải lập phương án về mục tiêu, vốn, phương thức đầu tư, các điều kiện bảo đảm đã và sẽ có về giao thông, viễn thông, năng lượng, cấp thoát nước, nhân lực tại chỗ và có thể đào tạo, các ưu đãi về thuế, tiền thuê đất, xuất khẩu và tiêu thụ trên thị trường nội địa; các tổ chức dịch vụ tư vấn về pháp lý, lập dự án, xử lý quan hệ với cơ quan nhà nước, các địa chỉ cần liên hệ để có thêm thông tin về dự án. 
Có như vậy, FDI mới trở thành bộ phận cấu thành nền kinh tế quốc dân, khắc phục hiện tượng phổ biến là lãnh đạo các địa phương thụ động và dễ dàng chấp thuận những dự án đầu tư cả trăm triệu, cả tỷ USD mà không quan tâm đến chất lượng và hiệu quả. 
Thực tế, đã có dự án FDI trên 4 tỷ USD vừa cấp phép khoảng 1 năm bị rút giấy phép, vì NĐT lợi dụng sự cả tin của lãnh đạo địa phương để được cấp phép hoạt động, rồi tìm cách bán lại dự án kiếm lời; khi không thể thực hiện được đành bỏ cuộc. Với nền kinh tế số, mạng internet toàn cầu không khó để có được những thông tin về ý đồ và năng lực của NĐT.
Muốn vậy, các cơ quan chức năng của địa phương, ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất phải thu thập, xử lý các thông tin có liên quan đến NĐT, kể cả việc đề nghị họ cung cấp bản quyết toán năm đã được kiểm toán độc lập. 
Vốn FDI tiếp tục đổ vào Việt Nam ngày một nhiều hơn và chúng ta cũng cần có nguồn vốn đó để bảo đảm đủ cho nhu cầu phát triển kinh tế. Tuy nhiên, các bài học thành công và thất bại trong kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, trong đó có thu hút FDI là tài sản quý giá để Việt Nam khôn ngoan hơn trong việc tiếp nhận vốn đầu tư quốc tế có hiệu quả để phát triển bền vững hơn. 

Các tin khác