FTA thế hệ mới: Đòn bẩy thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam

(ĐTTCO)-Việt Nam đạt được kết quả xuất nhập khẩu cao trong quý 1/2021, trong đó các hiệp định thương mại tự do là một "đòn bẩy" tích cực hỗ trợ hoạt động này.
Xuất khẩu của Việt Nam trong quý 1 là điểm sáng của nền kinh tế khi đạt mức tăng trưởng 2 con số. (Ảnh: TTXVN)
Xuất khẩu của Việt Nam trong quý 1 là điểm sáng của nền kinh tế khi đạt mức tăng trưởng 2 con số. (Ảnh: TTXVN)

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa quý 1/2021 tăng hơn 24% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 22% và nhập khẩu hàng hóa tăng 26,3%. Cán cân thương mại xuất siêu ước đạt hơn 2 tỷ USD.

Đó là những tín hiệu hết sức tích cực mà Việt Nam đạt được ngay trong quý đầu năm, điều này cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của hoạt động sản xuất và thương mại hàng hóa của Việt Nam, dù dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Có được kết quả này có đóng góp không nhỏ từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được thực thi trong thời gian vừa qua.

Đơn cử, hiệp định EVFTA có hiệu lực vào tháng 8/2020, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sang EU đã dần được cải thiện và tăng 18% trong 3 tháng đầu năm 2021.

Tương tự, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các đối tác trong Hiệp định CPTPP cũng đạt mức tăng trưởng cao trong 3 tháng đầu năm 2021 như: Canada tăng 13,7%, Australia tăng 17%, Chile tăng 25,6%, Mexico tăng 12,7%, New Zealand tăng 35,1%... Kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Anh cũng tăng 22,1% trong 3 tháng đầu năm nay.

Theo phó giáo sư, tiến sỹ Phạm Tất Thắng - nguyên cán bộ của Viện Nghiên cứu Chiến lược-Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) - việc tận dụng khá tốt những lợi thế từ các FTA tiếp tục là “đòn bẩy” quan trọng thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới.

Điểm sáng của nền kinh tế

- Thưa ông, ông nhìn nhận như thế nào về kết quả xuất nhập khẩu của Việt Nam trong những tháng đầu năm?

Chuyên gia Phạm Tất Thắng: Kết quả xuất nhập khẩu trong quý đầu năm được coi là rất tích cực của Việt Nam, thực tế từ nhiều năm qua, hoạt động xuất nhập khẩu luôn là điểm sáng của nền kinh tế.

Đặc biệt, trong điều kiện của năm 2020 và quý 1/2021, Việt Nam đạt được các kết quả đó phải khẳng định đây là một kỳ tích, bởi chúng ta đã thực hiện tốt chủ trương “mục tiêu kép” của Chính phủ, đó là vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.

- Đặt trong bối cảnh dịch bệnh như ông vừa nói thì những kết quả đạt được trong những tháng đầu năm cho thấy những tín hiệu khả quan của nền kinh tế có độ mở lớn như hiện nay?

Chuyên gia Phạm Tất Thắng: Trong những năm gần đây trên thế giới đã xuất hiện xu thế bảo hộ, song với Việt Nam vẫn kiên định thực hiện chủ trương mở cửa nền kinh tế và đặc biệt trong 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết. Việt Nam đã ký được với 2 đối tác rất lớn, đó là hiệp định Việt Nam-EU (gọi tắt là EVTFA) và Hiệp định Đối tác tiến bộ toàn diện Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Điều đáng lưu ý là Việt Nam đã tận dụng ngay lập tức các điều kiện và lợi thế do các hiệp định tự do thế hệ mới này đem lại.

Cụ thể, với EVFTA có hiệu lực từ tháng 8/2020 thì ngay sau đó một loạt các loại hàng hóa trong đó có gạo, tôm, thủy hải sản, rau quả… đã đưa ngay sang thị trường này với tư thế là thương hiệu của Việt Nam và chúng ta đã đưa được vào các hệ thống phân phối của EU, đây là điều hết sức đáng mừng.

- Với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, theo ông để tận dụng tốt hơn các FTA thế hệ mới, cần phải có những chính sách cụ thể gì?

Chuyên gia Phạm Tất Thắng: Có thể thấy, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có hiệu lực sẽ được tận dụng ngay tức thời, song trên thực tế, việc tận dụng tốt các FTA vẫn tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp biết tập trung xây dựng thương hiệu quốc tế cho mình từ trước.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chưa tận dụng tốt các FTA, do vậy đòi hỏi phải có sự liên kết mạnh mẽ giữa cộng động doanh nghiệp, cùng nhau chia sẻ thông tin và thế mạnh để tận dụng tốt các lợi thế từ các FTA đã ký kết.

Cụ thể hơn, các doanh nghiệp lớn có thể chia sẻ các hợp đồng, các hoạt động đầu vào, đầu ra để tăng sự liên kết lẫn nhau. Cùng đó là sự chủ động của các hiệp hội, ngành hàng trong việc kết nối thông tin thị trường, tư vấn của các chuyên gia về luật, logistics, ngân hàng…

- Cùng với tăng trưởng xuất khẩu thì nhập khẩu cũng tăng trưởng mạnh, vậy đây có phải là tín hiệu vui trong thời gian tới khi nhiều doanh nghiệp như dệt may, da giàu tập trung đẩy mạnh sản xuất?

Chuyên gia Phạm Tất Thắng: Chúng ta phải thấy trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn ra trên toàn cầu thì các hệ thống cung cấp đã bị đứt gãy. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới các ngành, lĩnh vực phải nhập khẩu nhiều nguyên liệu, thiết bị từ bên ngoài, như dệt may, giày dép… Song, qua thực tế các doanh nghiệp trong các ngành này đã vượt lên và khôi phục được các mạch cung ứng, giúp xuất khẩu không bị đứt gãy, đóng góp tích cực cho nền kinh tế.

- Vậy theo ông, trong bức tranh xuất khẩu của Việt Nam những tháng đầu năm còn có những điểm sáng nào nữa?

Chuyên gia Phạm Tất Thắng: Bên cạnh kim ngạch xuất nhập khẩu, giá cả nhiều mặt hàng tốt lên thì có thể thấy rất rõ là tỷ trọng nhiều mặt hàng có giá trị cao, hàm lượng giá trị gia tăng trong xuất khẩu của Việt Nam được tăng lên.

Tiếp đến, những mặt hàng phục vụ cho nền kinh tế số, đây là một xu thế được phát triển và thế giới đang đi theo hướng này thì hàng hóa của Việt Nam trong thời gian qua đã tiếp nhận được xu thế, do vậy khả năng những tháng cuối năm chúng ta sẽ phát triển tốt hơn.

Ngoài ra, những mặt hàng như thiết bị y tế… chúng ta cũng tiếp cận được xu thế đó trong bối cảnh COVID-19 vừa qua và rất có triển vọng trong thời gian tới.

Cần "lót ổ cho phượng hoàng đẻ trứng"

 - Xét về tổng thể, như ông đã nói tỷ trọng đóng góp của khối FDI rất lớn, vậy theo ông chúng ta cần có giải pháp nào để tạo sức lan tỏa tới tất cả các thành phần kinh tế khác?

Ông Phạm Tất Thắng: Chúng ta phải khẳng định một điều nữa là Chính phủ đang tiếp tục có chính sách thu hút FDI, đặc biệt là các doanh nghiệp có thương hiệu lớn, các tập đoàn lớn đang chuyển dịch cơ sở sản xuất của họ từ vùng này sang vùng khác và Việt Nam đang là một trong những điểm đến hấp dẫn.

Có một câu rất hay đó là “chúng ta cần lót ổ cho phượng hoàng đẻ trứng,” thì xu hướng khuyến khích các doanh nghiệp FDI tiếp tục phát triển và phát huy vai trò của họ trong hoạt động xuất nhập khẩu vẫn được chú ý trong thời gian tới.

Nhưng bên cạnh đó, chúng ta cũng nhận thấy rằng cần tạo ra sự liên kết giữa doanh nghiệp nội-ngoại để cung cấp trong hệ thống phân phối của họ và cần phải nhập khẩu được các công nghệ tiên tiến thông qua các FTA, đặc biệt là thông qua EVFTA, CPTPP phục vụ cho nền kinh tế số, công nghiệp, nông nghiệp…

Vì vậy, việc chúng ta cùng làm được một lúc các nội dung trên, điều đó sẽ giúp chúng ta vừa ủng hộ, khuyến khích, tiếp nhận FDI chất lượng cao hơn vừa khuyến khích các doanh nghiệp 100% vốn trong nước vươn lên và dần chiếm một tỷ trọng xứng đáng trong bức tranh xuất nhập khẩu.

- Đại dịch COVID-19 cũng cho thấy nhiều vấn đề nổi lên như chi phí logistics tăng lên… vậy điều này theo ông đặt ra những nội dung gì cho hoạt động xuất nhập khẩu thời gian tới?

Chuyên gia Phạm Tất Thắng: Có thể nói nền kinh tế thế giới càng mở, mối quan hệ giữa các quốc gia, các thị trường càng khăng khít và càng được mở rộng về diện lẫn nội dung nên độ nhạy cảm của nền kinh tế thế giới càng lớn và dễ bị tổn thương…

Khi Việt Nam hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu, chắc chắn chúng ta phải chấp nhận trước các thay đổi của nền kinh tế thế giới cũng như có giải pháp trước những yếu tố bất thường và chủ động ứng phó, không bị cuốn hút hay ảnh hưởng quá lớn bởi các rủi ro đó.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác