Gắn kết toàn cầu để giải thảm họa từ covid

(ĐTTCO) - Đại dịch Covid-19 đã hoành hành khắp thế giới từ năm 2020. Khi đối diện với một mối đe dọa chung mang tính bất định và dai dẳng như vậy, nhiều người đã tin rằng những mâu thuẫn giữa các quốc gia sẽ phải mờ nhạt dần để các bên cùng ngồi lại giải bài toán khó cho cả nhân loại. Thế nhưng câu chuyện đã hoàn toàn khác, mọi thứ diễn ra đã dập tắt hy vọng về “cơ trong nguy”.

Gắn kết toàn cầu để giải thảm họa từ covid
Một “bộ phim thảm họa” phiên bản lỗi
Khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố chính thức Covid-19 là đại dịch toàn cầu, nhiều người đã liên tưởng sự kiện này giống như những bộ phim thảm họa. Phần kết của những bộ phim thể loại này là một sự đoàn kết chặt chẽ của tất cả các quốc gia trên thế giới. Không phân biệt quan điểm, tôn giáo hay thể chế. Tất cả đều vì một mục tiêu chung là đưa nhân loại thoát ra khỏi vũng bùn của sự sụp đổ hoàn toàn. Thế nhưng cho đến thời điểm này, niềm tin đó dường như đang dần nguội lạnh. 
Trước khi đại dịch xảy ra, chiến tranh thương mại và căng thẳng chính trị leo thang giữa Trung Quốc và Mỹ khiến nhiều nước phải chịu vạ lây, trong đó có Việt Nam. Trong giai đoạn dịch bệnh, vai trò của các thiết chế đa phương cũng như luật pháp quốc tế lại dần suy yếu. Liên Hợp quốc (LHQ) đã không thể hiện mạnh mẽ chức năng trọng tài hòa giải mâu thuẫn giữa các quốc gia, mà trở thành “sân khấu” để các cường quốc so kè sức ảnh hưởng với nhau.
Còn Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thì trở nên mờ nhạt trong việc ngăn chặn sự trỗi dậy của chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ. WHO – cơ quan “đầu não” trong việc tư vấn và thúc đẩy các nỗ lực hợp tác giữa các nước nhằm đối phó với các thảm họa sức khỏe, thì đã không thể hiện được đúng chuyên môn toàn cầu của nó. 
Bài học về sự thất bại khi chậm trễ phát đi báo động đối với các quốc gia Tây Phi hồi năm 2014 trước dịch Ebola, đánh đổi bằng sinh mạng của hơn 11.000 người, đã khiến WHO chịu nhiều sự chỉ trích. Tuy nhiên, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, WHO hình như vẫn chưa rút ra được kinh nghiệm đáng giá nào cho mình.
Sự bất bình đẳng trong phân phối và tiếp cận tiêm chủng vaccine giữa các quốc gia, cũng như giữa các tầng lớp trong một quốc gia cũng làm trầm trọng hơn những hệ lụy của đại dịch. Điều này đã diễn ra ngay trong lòng xã hội Ấn Độ, góp phần gia tăng sự khốc liệt của đợt dịch chết chóc bắt đầu từ tháng 4 tại nước này. Tình hình này gợi ra một số điều đáng suy ngẫm mà Việt Nam cần lưu ý cho các chính sách của mình trong tương lai.

“Sống chung” không phải “buông xuôi”
Các nước châu Âu hiện nay là nơi tập trung nhiều loại vaccine và cũng là nơi có tỷ lệ tiêm chủng cao, đã quyết định dỡ bỏ hạn chế đi lại để thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh.Trước tình hình đó, nhiều ý kiến khuyến nghị việc “sống chung với dịch” nhiều lần được nhấn mạnh. Giải bóng đá EURO 2020 được tổ chức tại châu Âu vừa qua với sự tham dự của hàng chục ngàn người có lẽ là một biểu hiện rõ nét của việc này.
Rõ ràng, tác dụng của vaccine là không thể bàn cãi. Chiến lược tiêm chủng quy mô lớn là giải pháp then chốt để hướng đến sự hồi phục. Thế nhưng vấn đề “sống chung với dịch” cần được hiểu một cách chính xác. Trạng thái “sống chung với dịch” được giải thích là chỉ thực hiện được khi đã đạt miễn dịch cộng đồng, tức là khi đó dịch bệnh đã “trở nên ít đe dọa hơn”. Tuy nhiên, đối với cách hiểu đơn thuần của đa số người nghe thì dễ dẫn tới kết luận rằng “sống chung” tức là chấp nhận “buông xuôi” để sống bên cạnh sự tồn tại của dịch, mặc cho tính nghiêm trọng của nó.
Cách nói này khiến cho người nghe tin rằng có thể coi nhẹ các biện pháp giãn cách, phòng chống dịch đang được thực hiện để “mở cửa” và “chào đón” Covid. Trong khi biến chủng Delta vẫn còn là mối đe dọa lớn đối với sức chống chịu của hệ thống y tế thì hành động này là rất nguy hiểm. Do đó, nên tìm cách diễn giải nào đó sát nghĩa hơn. Bởi nếu từ ngữ không chính xác có thể vô tình cổ xúy, gây ra sự ngộ nhận, hiểu lầm đối với người dân, tiềm ẩn những nguy cơ lơ là cảnh giác dù nước ta chỉ mới đạt tỷ lệ tiêm chủng khiêm tốn.
Ngoài ra, gần đây Nhật Bản tiếp tục ban bố tình trạng khẩn cấp lần thứ 4, Hàn Quốc và Thái Lan lần lượt phong tỏa thủ đô do số lượng ca mắc tăng nhanh. Cả ba quốc gia này đều là những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao hơn Việt Nam, nguồn lực và hạ tầng y tế kiên cố hơn. Hơn nữa còn được chuyển giao công nghệ để tự chủ sản xuất vaccine AstraZeneca. Điều đó đòi hỏi chúng ta cần cân nhắc, xem xét nghiêm túc và thận trọng đối với việc hướng đến sống chung với dịch, kể cả khi đã đạt được miễn dịch cộng đồng trong tương lai.

Cần sự gắn kết, đoàn kết quốc tế
Chiến lược vaccine của mỗi nước dĩ nhiên đóng vai trò là giải pháp then chốt, để từng quốc gia có thể thoát ra khỏi đại dịch và trở về với trạng thái bình thường. Tuy nhiên, một yếu tố khác không thể thiếu, có ý nghĩa quyết định trạng thái bình thường đó có bền vững hay không chính là sự đoàn kết quốc tế.
Như nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, thế giới giai đoạn hậu dịch sẽ xuất hiện sự chênh lệch trong phục hồi kinh tế. Một phần đến từ việc chần chừ ngay từ đầu trong công tác phòng chống dịch bệnh của một số quốc gia, chưa dám đánh đổi lợi ích kinh tế ngắn hạn vì sức khỏe cộng đồng.
Một phần khác là vì nguồn lực tiếp cận vaccine và hạ tầng tổ chức tiêm chủng giữa các quốc gia là khác nhau. Do đó dẫn đến sự không đồng đều trong nỗ lực đạt miễn dịch cộng đồng. Các chính sách tài khóa và tiền tệ được thực hiện gấp rút ở những quốc gia có trữ lượng vốn dồi dào, trong khi ở những quốc gia nghèo hơn thì tình hình càng trở nên phức tạp.
Nếu cứ tiếp tục thiếu sự gắn kết như vậy, thì một viễn cảnh có thể xảy ra là khi các nước trong nhóm giàu đạt được miễn dịch cộng đồng sớm hơn và mở cửa kinh tế hoàn toàn, thì tại các quốc gia kém phát triển hơn có thể sẽ xuất hiện nền kinh tế đi thụt lùi.
Theo một số nghiên cứu, đại dịch Covid-19 không chỉ là mối nguy hại đối với sức khỏe cộng đồng, mà còn tác động sâu sắc đến sinh kế của nhóm người dễ bị tổn thương như nông dân, người có thu nhập thấp và thất nghiệp - lực lượng chiếm tỷ phần lớn tại các quốc gia này.
Theo thống kê của các tổ chức quốc tế, với tác động của Covid-19, số người lâm vào cảnh đói ăn trên toàn cầu sẽ tăng từ 690 triệu lên 822 triệu người, chiếm 10,6% dân số thế giới. Việc đảm bảo an ninh lương thực và đẩy lùi nạn đói vì vậy được xem là những vấn đề cần phải xử lý cấp bách. Và để giải quyết được ổn thỏa thì sự đoàn kết quốc tế là giải pháp duy nhất.
Là quốc gia nhận được nhiều sự tín nhiệm cao của bạn bè quốc tế, Việt Nam hoàn toàn có thể đóng góp tiếng nói và đề xuất hướng giải quyết cùng với các quốc gia phát triển khác, đặc biệt là trong khuôn khổ Hội đồng Bảo an LHQ – nơi Việt Nam là Ủy viên không thường trực. Bởi Việt Nam cũng là một quốc gia thuộc nhóm các nước đang phát triển, đóng góp tiếng nói như vậy còn mang một ý nghĩa sâu sắc đại diện cho nhiều quốc gia khác đang cần được giúp đỡ. 

Các tin khác