Gắn trách nhiệm với cải cách TTHC

(ĐTTCO) -Cùng với Kết luận số 21 của Bộ Chính trị (ban hành ngày 24-10-2017), Nghị quyết 54 của Quốc hội là sự đột phá về thể chế đối với sự phát triển của TPHCM, tạo cơ hội cho TP phát triển nhanh chóng và bền vững.

Những kết quả bước đầu
Qua hơn 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển, TPHCM đã đạt được những kết quả quan trọng bước đầu. Cụ thể, TPHCM đã triển khai các nội dung, đề án thực hiện Nghị quyết 54, như ban hành quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ công chức, viên chức, thực hiện từ quý II-2018.
Theo đó, hệ số điều chỉnh tăng thu nhập năm 2018 là 0,6 lần so với tiền lương theo ngạch bậc chức vụ, năm 2019 là 1,2 lần và năm 2020 là 1,8 lần. Đề án cơ chế, chính sách thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học về công tác ở các sở ban ngành, các khu công nghệ cao.
Ban hành danh mục phí, lệ phí kèm theo Luật Phí và lệ phí; ban hành mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường để đỗ xe ô tô từ ngày 1-8-2018 tại 23 tuyến đường ở quận 1, 5 và 10 đã tạo được sự đồng thuận. 
Từ 1-7-2018, TP điều chỉnh mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp trên địa bàn. Việc tăng mức thu và đối tượng thu đã giúp TP tăng nguồn thu phí đối với nước thải công nghiệp từ 8 tỷ đồng/năm lên 60 tỷ đồng/năm, trong đó dự kiến 25% được trích lại cho cơ quan thu phí.
TP ban hành danh mục 31 dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 ha trở lên phù hợp với quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất trồng lúa; danh mục 3 dự án nhóm A sử dụng ngân sách của TP, gồm dự án xây dựng rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ; dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư để phục vụ đầu tư xây dựng khu liên hợp thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc; dự án xây dựng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch ở Thủ Thiêm.
Ngoài ra, TP thực hiện dự toán, phân bổ ngân sách năm 2019; phê duyệt kế hoạch vay, trả nợ và chủ trương phát hành trái phiếu chính quyền địa phương năm 2019. 
Gắn trách nhiệm với cải cách TTHC ảnh 1 Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình trong buổi làm việc với lãnh đạo TPHCM về cải cách hành chính. Ảnh VIỆT DŨNG.
  Cũng trong 1 năm triển khai Nghị quyết 54 của Quốc hội, TPHCM xây dựng, lấy ý kiến của các cơ quan để hoàn thiện đối với 10 nội dung, như đề án khảo sát, đánh giá hiệu quả hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập trên tất cả lĩnh vực từ TP đến quận, huyện; đề xuất phương án sắp xếp, giao quyền tự chủ, xã hội hóa ở một số lĩnh vực; đề án mô hình cơ quan quản lý, sắp xếp doanh nghiệp nhà nước, đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước và cổ phần, vốn góp của nhà nước tại doanh nghiệp; đề án phối hợp các bộ ngành Trung ương thực hiện rà soát việc sắp xếp lại và xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý trên địa bàn; phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước trực thuộc UBND TP giai đoạn 2018-2020.Năm đột phá cải cách TTHC 
Với những việc đã triển khai được trong 1 năm qua, các đề án theo tinh thần Nghị quyết 54 đã nâng cao tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của TP trong một số công việc, làm cho các quyết định này nhanh hơn, sát thực hơn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả hơn.
Điều này cho thấy, năm 2018 dù trong bối cảnh còn rất nhiều khó khăn, nhưng TPHCM vẫn vượt qua và đạt được nhiều kết quả nổi bật ở các chỉ tiêu quan trọng. Trong đó tăng trưởng đạt 8,3%, thu ngân sách được giao ở mức cao nhưng cơ bản hoàn thành nhiệm vụ. Đặc biệt, TP cũng đã triển khai các giải pháp sáng tạo trong điều hành, phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 54 của Quốc hội là vấn đề mới, chưa có tiền lệ thực hiện. Chính vì vậy, công tác chuẩn bị, xây dựng, triển khai các nội dung đều phải thực hiện thận trọng, đảm bảo quy trình và thẩm quyền; một số nội dung có ý kiến khác nhau giữa các bộ ngành; một số vấn đề mới, phức tạp, có tác động lớn, lâu dài, khi triển khai cụ thể cần nghiên cứu kỹ trước khi xem xét, quyết định.
Do đó, có những nội dung, đề án triển khai chậm so với kế hoạch dự kiến, thời gian áp dụng các giải pháp mới còn ngắn nên chưa tác động mạnh mẽ đến quá trình xây dựng và phát triển TP.
Năm 2019, TP xác định là năm đột phá thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và Nghị quyết 54 của Quốc hội. Theo đó, TP xác định cải cách TTHC gắn với phân công trách nhiệm cụ thể của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị.
Từng phường - xã, quận - huyện, sở - ngành và UBND TP phải có phương pháp phù hợp để ghi nhận khách quan sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của các cơ quan công quyền này, hàng quý phải công bố được kết quả hài lòng của người dân, doanh nghiệp. 
Hiện nay, các ngành, các cấp và TP đang tập trung thực hiện Đề án xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử. TP sẽ tận dụng những kết quả bước đầu để đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Mục tiêu đặt ra trong năm 2019 là tăng tỷ lệ cải cách hành chính qua mạng cấp độ 3, 4, trong đó đạt 30% hồ sơ được xử lý trực tuyến cấp độ 4. TP cũng sẽ ứng dụng tối đa công nghệ thông tin trong thực hiện TTHC, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; tăng số lượng thủ tục thực hiện liên thông nhất là nhóm đầu tư, đất đai, xây dựng.
Lãnh đạo TP sẽ chủ động lắng nghe ý kiến đóng góp của người dân, doanh nghiệp về “độ vênh” giữa TTHC và thực tiễn với tinh thần cầu thị và đổi mới nhằm điều chỉnh, tháo gỡ mọi nút thắt, bất cập trong TTHC để người dân, doanh nghiệp hài lòng hơn.
 Trong năm 2019, TP sẽ đề xuất tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia ngân sách hợp lý, tạo điều kiện cho TP có nguồn lực để phát triển nhanh, bền vững. Đồng thời đề xuất ứng vốn ngân sách TP thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng quan trọng trên địa bàn thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương. Trước mắt, TP sẽ đề xuất phương án triển khai đường Vành đai 3 bằng chuyển đổi vốn và hợp tác công tư; đề xuất bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách TP từ nguồn vượt thu; kế hoạch dài hạn sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa các doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TPHCM

Các tin khác