GDP 9 tháng tăng cao nhất trong gần 10 năm qua

(ĐTTCO) - Ngày 28-9, tại cuộc họp báo do Tổng cục Thống kê tổ chức, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng năm 2019 ước tính tăng 6,98% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong 9 năm gần đây.

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,02% (cùng kỳ năm 2018 tăng 3,7%), đóng góp 4,8% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,36%, đóng góp 52,6%; khu vực dịch vụ tăng 6,85%, đóng góp 42,6%.

Động lực chính của tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm nay là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 11,37%) và các ngành dịch vụ thị trường. Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 0,32% so với tháng trước, bình quân 9 tháng tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2018, đây là mức tăng bình quân 9 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,37%

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,37%

Đáng lưu ý, tình hình lao động, việc làm cả nước trong 9 tháng đầu năm cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước quý 3-2019 ước tính là 55,7 triệu người, tăng 211.700 người so với quý trước và tăng 263.800 người so với cùng kỳ năm trước; số người có việc làm tăng, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm giảm dần. Chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, chất lượng lao động ngày một nâng cao, thu nhập của người lao động có xu hướng tăng dần.

Theo dự báo của lãnh đạo Tổng cục Thống kê, GDP năm 2019 dự kiến sẽ tăng 6,8%; còn CPI tăng dưới 3%. 

Về du lịch, theo Tổng cục Thống kê, tính chung 9 tháng đầu năm, khách quốc tế đến nước ta đạt 12,9 triệu lượt người, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước. Tháng 9 cũng là tháng thứ tư kể từ đầu năm và là tháng thứ hai liên tiếp có lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 1,5 triệu lượt người. Khách đến bằng đường bộ tăng cao nhất với 23,5%; đường hàng không tăng 8,3%; đường biển giảm 0,6%. Khách quốc tế đến từ châu Á tăng 12,5%; từ châu Âu tăng 5,3%; khách đến từ châu Mỹ tăng 6,8%; từ châu Phi tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2018... Thông tin từ Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) cũng cho thấy, năng lực cạnh tranh du lịch của Việt Nam đã cải thiện đáng kể, từ hạng 67/136 (năm 2017) lên hạng 63/140. 

Các tin khác