Giá ăn uống, du lịch, khách sạn... sẽ giảm

(ĐTTCO)-Từ 1.11 đến hết ngày 31.12.2021, thuế giá trị gia tăng một số lĩnh vực được giảm 30% theo Nghị quyết 406 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19.
Giá ăn uống, du lịch, khách sạn... sẽ giảm

Nhờ đó, giá những sản phẩm, dịch vụ này sẽ giảm xuống, tác động đến lực cầu trong 2 tháng cuối năm.

Giảm thuế, kéo giá xuống

Một số hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế gồm dịch vụ vận tải (vận tải đường sắt, đường thủy, hàng không, đường bộ, vận tải khách), dịch vụ lưu trú, ăn uống, dịch vụ của các đại lý du lịch, kinh doanh tour du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, quảng bá và tổ chức tour du lịch.

Cùng đó là sản phẩm và dịch vụ xuất bản; dịch vụ điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc; tác phẩm nghệ thuật và dịch vụ sáng tác, nghệ thuật, giải trí; dịch vụ của thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác; dịch vụ thể thao, vui chơi và giải trí (không bao gồm phần mềm xuất bản và các hàng hóa, dịch vụ sản xuất, kinh doanh theo hình thức trực tuyến).

Thuế giá trị gia tăng (GTGT) kéo giá hàng hóa giảm theo. Chẳng hạn dịch vụ vận tải có giá bán 20 triệu đồng, thuế GTGT trong lĩnh vực này là 10%. Theo quy định hiện hành, thuế GTGT là 2 triệu đồng. Nay được giảm 30%, tương đương với 600.000 đồng, số thuế phải đóng chỉ còn 1,4 triệu đồng.

Như vậy tổng giá trị thanh toán là 21,4 triệu đồng thay vì 22 triệu đồng như trước đó. Còn đối với những đơn vị tính thuế GTGT theo phương pháp tỷ lệ phần trăm trên doanh thu, phần số thuế giảm sẽ được thể hiện rõ trên hóa đơn.

Ví dụ, giá thuê khách sạn lưu trú 2 ngày là 3 triệu đồng (mỗi ngày 1,5 triệu đồng), thuế GTGT lĩnh vực này là 5%, tương đương 150.000 đồng, được giảm 30% tức 45.000 đồng. Thế nên, giảm thuế VAT thì người tiêu dùng sẽ hưởng lợi trực tiếp.

Để tránh lợi dụng chính sách này, ông Nguyễn Đức Huy, Phó chánh văn phòng Tổng cục Thuế, cho biết mới đây Tổng cục Thuế đã ban hành công văn hướng dẫn việc triển khai Nghị quyết 406, trong đó yêu cầu các cục thuế tỉnh, thành phố tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN), tổ chức, người dân, đồng thời có trách nhiệm kiểm tra, giám sát về giá bán hàng hóa, dịch vụ (giá chưa có thuế GTGT) từ sau ngày 1.11 của các DN, tổ chức trên địa bàn để đạt mục tiêu người tiêu dùng được thụ hưởng lợi ích từ việc giảm thuế.

Trường hợp phát hiện hiện tượng lợi dụng chính sách của nhà nước để tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế, các cơ quan địa phương cần kịp thời tham mưu UBND tỉnh, thành phố có biện pháp xử lý.

Theo như tờ trình dự thảo Nghị quyết 406 trước đó, việc giảm thuế GTGT áp dụng từ ngày 1.9 đến 31.12.2021 có thể làm giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 6.600 tỉ đồng.

Cần kéo dài thời gian giảm thuế

Ngoài giảm thuế GTGT, Nghị quyết 406 còn đề cập giảm 30% thuế thu nhập DN; miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 của các khoản nợ thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với DN… Dự tính trước đó, thu ngân sách sẽ giảm 20.000 tỉ đồng cho giải pháp miễn giảm thuế này.

Thực tế các ngành nghề vận tải, du lịch, khách sạn… bị ảnh hưởng nặng và kéo dài từ đại dịch Covid-19 nên cần có những chính sách để kích cầu.

Cụ thể, vận tải hàng không nhu cầu giảm mạnh 34,5 - 65,9% so với năm 2019, doanh thu năm 2020 sụt giảm trên 61% so với năm 2019. Năm 2020, doanh thu của hoạt động vận tải ô tô giảm khoảng 25 - 50% so với năm 2019.

Hiệp hội Du lịch VN hiện có đến 90% DN không hoạt động, khoảng 10% DN hoạt động cầm chừng. Các DN siêu nhỏ và nhỏ làm dịch vụ đại lý tour, đại lý vé phần lớn cho nghỉ việc 100% lao động, đối với DN lữ hành quốc tế cho nghỉ việc 60 - 90% nhân sự.

Các dịch vụ lưu trú, ăn uống cũng rất khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của du lịch và giãn cách xã hội. Hay nhiều chương trình nghệ thuật quy mô, công phu dàn dựng đã bị hủy hoặc lùi lịch. Các hoạt động nghệ thuật, giải trí đang gặp nhiều khó khăn do không thể thực hiện dẫn đến doanh thu sụt giảm lớn.

Thế nên, chính sách giảm thuế GTGT cho những lĩnh vực này là hết sức cần thiết. Dù vậy, theo nhiều chuyên gia, mức giảm và thời gian giảm thuế GTGT như nói trên là quá ít và quá ngắn.

Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Giám đốc Công ty luật TNHH Việt Tín Nghĩa, nhận định giảm thuế GTGT thì người tiêu dùng mua hàng hóa, dịch vụ trong những ngành nghề mà Nghị quyết 406 quy định sẽ bỏ ra số tiền ít hơn trong thời gian tới.

Từ đó, thúc đẩy DN tăng hoạt động sản xuất kinh doanh. Sau thời gian giãn cách nhiều tháng, nhu cầu đi lại, ăn uống của người dân cũng tăng lên nhưng tâm lý lo ngại dịch vẫn hiện hữu. Vì vậy, cần có chính sách để kích thích tiêu dùng.

Thế nhưng do chính sách áp dụng chỉ trong 2 tháng cuối năm nên cũng mới dừng lại ở mức hỗ trợ DN có đầu ra khi giảm giá thành sản phẩm, dịch vụ. Để chính sách miễn giảm thuế phát huy hiệu quả, thực sự kích tiêu dùng, kích cầu, phục hồi kinh tế trong thời gian tới thì cần kéo dài thời gian áp dụng thêm từ 3 - 6 tháng.

Ông Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, bày tỏ sự tiếc nuối khi chính sách này chỉ kéo dài có 2 tháng chứ không phải 5 tháng như dự kiến ban đầu. Bởi để có thể tăng kích cầu tiêu dùng hiệu quả, đặc biệt vào thời điểm Giáng sinh, Tết dương lịch và Tết Nguyên đán, chính sách giảm thuế GTGT cần được kéo dài sang năm 2022.

Đồng thời, cần mở rộng đối tượng được hưởng chính sách giảm thuế để tăng quy mô gói kích cầu tiêu dùng lên cao.

“Giảm thuế GTGT sẽ giúp giá cả hàng hóa, dịch vụ giảm, người tiêu dùng sẽ hưởng lợi từ điều này và giúp kích cầu tiêu dùng, DN cũng tiêu thụ được hàng hóa, dịch vụ tốt hơn. Khi kích thích tiêu dùng nhiều hơn sẽ bù lại phần thuế đã điều chỉnh giảm”, ông Trần Xoa nhấn mạnh.

Các tin khác