Giá dầu leo thang cùng xung đột?

(ĐTTCO) - Lần đầu tiên kể từ năm 2014, giá dầu thô Brent ngày 24-2 đã đâm thủng ngưỡng 100USD/thùng, trong bối cảnh Nga đã tấn công vào Ukraine. Liệu mức giá này đã là cuối cùng hay sẽ leo thang cùng xung đột?
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Từ 0 đồng đến 100USD
Tháng 7-2020, vài tháng sau khi đại dịch Covid-19 vượt khỏi tầm kiểm soát, Giám đốc điều hành Shell, Ben van Beurden tuyên bố nhu cầu dầu thế giới có thể đã qua mức đỉnh cao. Ông nói điều này sau khi công ty năng lượng Anh-Hà Lan báo cáo lợi nhuận quý II-2020 giảm mạnh. Cái nhìn u ám của van Beurden giống những gì đang xảy ra trên thị trường nhiên liệu là chưa từng có.
Bởi do đại dịch, nhu cầu đi lại giảm mạnh, trong khi ngành công nghiệp dầu mỏ không thể cắt giảm sản lượng đủ nhanh theo nhu cầu sụt giảm. Tệ hơn, nhu cầu sụt giảm diễn ra khi Nga và Saudi Arabia - 2 thành viên quyền lực nhất của nhóm OPEC +, bị khóa trong cuộc chiến cung ứng tràn ngập thị trường. Có quá nhiều dầu được khai thác và vào giữa tháng 4-2020, giá 1 thùng dầu thô Tây Texas đã xuống dưới 0USD do người bán phải trả để loại bỏ. 
Nhưng chưa đầy 2 năm sau, những dự đoán của Van Beurden về sự sụp đổ của dầu mỏ có vẻ quá sớm. Dầu thô Brent tăng lên 103,78USD/thùng, cao nhất kể từ ngày 14-8-2014. Trong khi đó, giá dầu thô kỳ hạn giao ngay Tây Texas (WTI) của Mỹ tăng 5,48USD, tương đương 6%, lên 97,58 USD/thùng, mức cao nhất kể từ ngày 11-8-2014. Tính từ đầu năm nay, giá dầu đã tăng hơn 20USD/thùng do lo ngại Mỹ và châu Âu sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với lĩnh vực năng lượng của Nga, làm gián đoạn nguồn cung. Giá dầu Brent tương lai giao tháng 2 đã tăng 75 cent lên mức cao nhất kể từ năm 2011.
Khả năng xung đột làm gián đoạn nguồn cung gia tốc cho một đợt tăng được thúc đẩy bởi sự phục hồi nhu cầu nhanh hơn sản xuất. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), tiêu thụ dầu trên toàn thế giới năm ngoái đã vượt quá nguồn cung khoảng 2,1 triệu thùng/ngày, và sẽ vượt qua mức của năm 2019 trong năm nay. Các nhà cung cấp dầu đã phải xuất hàng tồn kho để đáp ứng nhu cầu, các quốc gia tiêu dùng đang cầu xin các công ty như Shell khai thác thêm. 

Kẹt giữa giá cả và năng lượng “xanh”
Giá dầu chạm đáy vào đầu năm 2020 đã kích hoạt các động thái chính trị. Vào thời điểm đó, Mỹ lo ngại về khả năng sụp đổ của các máy khoan dầu trong nước, đã ra tối hậu thư yêu cầu Saudi Arabia cắt giảm sản lượng. Trong khi đó, áp lực của các nhà đầu tư và chính phủ đối với các nhà sản xuất dầu để cắt giảm lượng khí thải cũng gia tăng. Vào giữa tháng 5-2021, IEA cho biết không nên cấp vốn mới cho các dự án dầu khí lớn, nếu các chính phủ trên thế giới hy vọng có thể ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của hiện tượng ấm lên toàn cầu. Đó là một sự thay đổi lớn của tổ chức lâu nay được coi luôn cổ vũ cho nhiên liệu hóa thạch.
Tuy nhiên, tính chính trị luôn thay đổi đã khiến các công ty dầu mỏ châu Âu miễn cưỡng đầu tư tăng sản lượng, dù phản ứng này chậm hơn so với những gì có thể xảy ra. Trong khi đó, một số thành viên OPEC + lại không thể tăng sản lượng do nền kinh tế của họ sụp đổ bởi đại dịch. Chỉ những nước có năng lực dự phòng như Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất miễn cưỡng trong việc sản xuất nhiều hơn các thỏa thuận chia sẻ nguồn cung của OPEC +.
Ngay cả ngành công nghiệp đá phiến của Mỹ, nhà sản xuất quan trọng nhất thế giới từ năm 2009-2014, cũng chậm chạp trong việc khôi phục sản lượng. Những điều này đã gieo mầm cho sự bùng nổ hiện nay. 
Chính quyền Biden muốn chống lại biến đổi khí hậu nhưng cũng bảo vệ người tiêu dùng khỏi giá dầu cao, đang khuyến khích các thợ khoan tăng cường hoạt động và kêu gọi OPEC + sản xuất nhiều dầu hơn. IEA cũng vậy. Nhưng một số thành viên của OPEC cho biết nhóm này và các đồng minh không cần tăng sản lượng hơn nữa, vì thỏa thuận tiềm năng giữa Iran và các cường quốc trên thế giới về chương trình hạt nhân của Tehran sẽ làm tăng nguồn cung. Mỹ và Iran đã tham gia các cuộc đàm phán hạt nhân gián tiếp ở Vienna có thể dẫn đến việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với hoạt động bán dầu của Iran. 
Tuy nhiên, Iran hôm 23-2 đã kêu gọi các cường quốc phương Tây "thực tế" về các cuộc đàm phán hạt nhân và cho biết nhà đàm phán hàng đầu của họ đang quay trở lại Tehran để tham vấn, cho thấy bước đột phá trong các cuộc thảo luận vẫn chưa đến gần. Ngoài ra, theo một số nhà phân tích, thỏa thuận hạt nhân với Iran cũng không làm tăng cung dầu như kỳ vọng, vì trên thực tế Iran vẫn có thể bán dầu ra thị trường thế giới trong suốt thời gian qua, thông qua các kênh “không chính thức”.
Nhật Bản và Australia hôm 24-2 cho biết, họ đã sẵn sàng khai thác nguồn dự trữ dầu của mình cùng với các nước thành viên khác của IEA, nếu nguồn cung toàn cầu giảm do chiến sự ở Ukraine. Trong khi đó, các nhà phân tích từ Eurasia Group cho biết: “Các chính phủ phương Tây có thể sẽ miễn các giao dịch năng lượng khỏi các lệnh trừng phạt, nhưng cơn bão của các hạn chế mới sẽ buộc nhiều thương nhân phải thận trọng trong việc xử lý các thùng dầu của Nga. Giá dầu thô Brent có thể sẽ tăng trên 100USD/thùng cho đến khi có các nguồn cung cấp thay thế đáng kể, chẳng hạn như thỏa thuận hạt nhân Iran hoặc nhiều dầu đá phiến của Mỹ".
Bùng nổ và… vỡ
Một chu kỳ như vậy đã lặp lại thường xuyên trong suốt lịch sử của dầu. Phil Flynn, nhà phân tích cấp cao của Price Futures Group ở Chicago, nói: “Nếu bạn quay trở lại thời kỳ của dầu cá voi, dầu là câu chuyện của sự bùng nổ và phá sản. Đó là một chu kỳ từ đỉnh đến thung lũng và thường khi bạn chạm đến thung lũng, hãy chuẩn bị sẵn sàng vì đỉnh không ở phía trước quá xa". Mike Tran của RBC Capital cho biết, giá cao chứ không phải nguồn cung mới, cuối cùng sẽ cân bằng thị trường. 
Rốt cuộc, một sự bùng nổ luôn theo sau một vụ phá sản. Bob Phillips, Giám đốc điều hành của Crestwood Equity, một nhà điều hành nguồn cung có trụ sở tại Houston, cho biết: “Chúng tôi nghĩ rằng dầu thô 100USD sẽ mang lại những điều sai lầm. Để tận dụng mức giá cao, các nước sẽ tăng sản xuất, dẫn đến nguồn cung quá nhiều, quá nhanh. Chúng tôi không nghĩ rằng nó bền vững".
 Giá dầu Brent theo đường cong kỳ hạn cho thấy sẽ duy trì trên 80USD/thùng cho đến cuối năm 2023.

Các tin khác