Giá nhiều mặt hàng thiết yếu tăng mạnh giữa cao điểm chống dịch ​

(ĐTTCO) - Giá rau củ quả, giá gas, giá xăng tăng khiến người lao động phổ thông bị ảnh hưởng nhiều trong mùa dịch. Chuyên gia cho rằng cần thận trọng trong điều hành giá trong nửa cuối năm.
Người lao động nghèo càng khó khăn hơn khi thu nhập giảm, trong khi chi tiêu tăng lên. Ảnh: K. Ngân
Người lao động nghèo càng khó khăn hơn khi thu nhập giảm, trong khi chi tiêu tăng lên. Ảnh: K. Ngân

Ga, xăng dầu, rau củ đồng loạt tăng giá

Chị Thanh Tuyền (26 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh) đang là công nhân một xí nghiệp lớn tại khu công nghiệp Tân Tạo, quận Bình Tân, TPHCM. Quận Bình Tân đang là “điểm nóng” Covid-19, đi làm cả tháng nay, ngày nào chị cũng hồi hộp. Nỗi lo dịch chưa dứt, những ngày qua, một nỗi lo khác vốn là gánh nặng của công nhân ập đến chị. Đó là giá một loạt thực phẩm tăng vọt.

“Giá rau các loại như xà lách, mồng tơi, dưa leo, cà chua đều tăng khoảng 5.000 đồng/kg. Mâm cơm hàng ngày của công nhân thì thịt cá làm gì có nhiều, chủ yếu là rau thôi. Mà giờ mọi thứ đều tăng khiến tôi đi chợ phải e dè hơn”, chị Tuyền nói.

Chợ tạm quanh khu công nghiệp Tân Tạo đã dẹp hết kể từ khi dịch tại quận Bình Tân phức tạp, cầm 50.000 đồng đi chợ gần nhà, chị Tuyền chỉ mua được ít rau, vài trái cà chua, mấy quả trứng để làm bữa tối cho gia đình 3 người.

Trong khi đó, giá rau tại nhiều chợ khu vực trung tâm TPHCM như Bà Chiểu, Đa Kao, Thị Nghè… lại có mức tăng nhỉnh hơn, lên đến 10.000 đồng/kg. Bầu, bí, dưa leo 30.000 - 35.000 đồng/kg, khổ qua 40.000 - 45.000 đồng/kg; bông cải, đậu que 45.000 - 50.000 đồng/kg.

Tháng trước, một loạt mặt hàng thiết yếu như dầu ăn, đường, mắm muối cũng đã tăng giá vài nghìn đồng và giữ cho đến nay. Áp lực giá hàng thiết yếu, giá thực phẩm tăng khiến các bà nội trợ gặp khó trong tính toán chi tiêu hàng ngày.

Từ 1-7, giá gas bất ngờ tăng thêm 30.000 đồng mỗi bình 12 kg, giá gas bán lẻ đến tay người tiêu dùng bị đội lên từ 405.000 - 428.000 đồng mỗi bình tùy thương hiệu. Đây là mức giá cao nhất từ đầu năm đến nay, và ít khi nào giá gas bán lẻ lại vượt 400.000 đồng mỗi bình.

Giá nhiều mặt hàng thiết yếu tăng mạnh giữa cao điểm chống dịch ​ ảnh 1 Bữa cơm của người lao động sẽ phải dè xẻn hơn khi cùng lúc xăng, ga, thực phẩm tăng giá giữa dịch bệnh. Ảnh: K.Ngân.
“Ở nhà nhiều vào mùa dịch, thu nhập bị giảm 30%, trong khi nhu cầu nấu ăn nhiều hơn mà giá gas tăng cao, giá thực phẩm tăng sẽ rất khó cho chúng tôi. Tôi chỉ mong cuộc sống trở lại bình thường, giá cả, thu nhập quay về như cũ”, chị Ngọc Nga (quận 6) bộc bạch.

Trước giá gas, tại kỳ điều chỉnh giá xăng dầu ngày 26-6, xăng A95 tăng 752 đồng/lít, xăng E5 tăng 712 đồng/lít. Giá bán lẻ xăng A95 vọt tăng lên gần 21.000 đồng/lít, còn E5 19.760 đồng/lít. Đây cũng là mức giá xăng cao nhất kể từ đầu năm 2020 đến nay. Giá xăng tăng, nhiều người lo ngại sẽ kéo giá một loạt hàng hóa khác tăng theo, giữa lúc cuộc sống đang gặp khó khăn vì đại dịch. 

Kiểm soát giá thế nào?

Số liệu của Cục Thống kê TPHCM cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6-2021 của thành phố tăng 0,22% so với tháng trước. Nhiều nhóm mặt hàng ảnh hưởng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 đều tăng.

Cụ thể, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,38%; trong đó, lương thực tăng 0,46%, chủ yếu do gạo tăng 0,65%. Chỉ số giá nhóm thực phẩm tăng 0,37%; trong đó, giá thịt gà tăng 0,57%, trứng các loại tăng 1,58%, các loại đậu và hạt tăng 1,19%, dầu thực vật tăng 0,45%; rau tươi, khô và chế biến tăng 6,36% so với tháng trước.

Cùng chiều hướng tăng, nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt, vật liệu xây dựng tăng 0,04%. Chỉ số giá nhóm giao thông cũng tăng 0,76%; trong đó, nhiên liệu tăng 2,97% do hai đợt điều chỉnh giá xăng tăng ngày 11/6 và 26/6.

Tính chung cả nước, CPI tháng 6-2021 tăng 0,19% so với tháng trước do giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào tăng theo giá thế giới; giá điện, nước sinh hoạt tăng theo nhu cầu tiêu dùng. Bình quân 6 tháng đầu năm 2021, CPI tăng 1,47% so với cùng kỳ năm trước.
Giá nhiều mặt hàng thiết yếu tăng mạnh giữa cao điểm chống dịch ​ ảnh 2 Chuyên gia cho rằng giá cả thực phẩm có nhiều thời điểm vô lý khiến người tiêu dùng chịu thiệt. Ảnh minh họa
Dù Tổng cục Thống kê nhận định CPI 6 tháng đầu năm là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016 đến nay, nhưng các chuyên gia nhận định phải thận trọng trong điều hành giá nửa cuối năm.

Chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng vẫn có những thời điểm, một số mặt hàng có như thịt heo có giá vô lý. Có lúc giá thịt heo tại chuồng xuống 60.000-65.000 đồng/kg, nhưng giá thịt trong siêu thị lại rất cao khiến người tiêu dùng chịu thiệt. Ông đồng quan điểm về khả năng kiểm soát lạm phát như mục tiêu dưới 4%, nhưng các cơ quan quản lý phải giải được bài toán về hiệu quả quản lý thị trường.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng dù tình hình lạm phát bình quân nửa đầu năm khá thấp, nhưng không thể chủ quan trong điều hành giá. Theo ông, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro trong công tác kiểm soát lạm phát đến từ tình hình thế giới, ví dụ như xu hướng đầu cơ, tích trữ các mặt hàng chiến lược có thể tạo áp lực lên một số nguyên vật liệu trên thị trường quốc tế, từ đó tác động đến thị trường trong nước qua kênh nhập khẩu.

Ông Long nhấn mạnh Covid-19 vẫn đang diễn biến khó lường, do đó, có thể làm tăng giá cục bộ một số mặt hàng tại các địa phương bị ảnh hưởng.

Đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cũng cho biết từ nay đến cuối năm, các cơ quan quản lý phối hợp ngăn chặn các hoạt động đầu cơ, thao túng giá, các hành động “té nước theo mưa” để trục lợi. Trong đó, tập trung tăng cường kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực nóng, tiềm ẩn nhiều rủi ro như chứng khoán, bất động sản; tạo sự ổn định cho thị trường, không để xảy ra hiện tượng sốt giá, thổi giá.

Các tin khác