Giá xăng dầu “hạ nhiệt”: Chưa như kỳ vọng

(ĐTTCO) - Chiều 21-3, Liên bộ Công thương - Tài chính đã có quyết định yêu cầu doanh nghiệp giảm giá đối với tất cả các mặt hàng xăng, dầu bán lẻ ở thị trường trong nước. 

Tuy nhiên, theo đánh giá của người tiêu dùng và các doanh nghiệp trực tiếp sử dụng nhiên liệu, mức giảm giá xăng dầu tại kỳ điều hành lần này chỉ ở mức “nhỏ giọt”, không như kỳ vọng so với giá xăng dầu thế giới đã giảm sâu trong tuần qua.

Điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu tại Hà Nội chiều 21-3. Ảnh: VIẾT CHUNG

Điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu tại Hà Nội chiều 21-3. Ảnh: VIẾT CHUNG

Xăng giảm 655 đồng/lít

 Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 chỉ giảm 655 đồng/lít so với kỳ trước, giá xăng RON 95 giảm 632 đồng/lít. Riêng mặt hàng dầu giảm nhiều hơn: dầu diesel 0,05S giảm 1.635 đồng/lít, dầu hỏa giảm 1.673 đồng/lít...

Như vậy, hiện xăng E5 RON 92 có giá bán là 28.330 đồng/lít, xăng RON 95 là 29.192 đồng/lít. Đây vẫn là mức giá còn gây “sốc” cho người tiêu dùng, các doanh nghiệp trong ngành giao thông vận tải, hàng không, du lịch, sản xuất nông nghiệp, khai thác hải sản...

Trước đó, thị trường xăng dầu bán lẻ trong nước đã có 7 lần tăng giá liên tiếp và giá bán đã tăng lên mức cao kỷ lục tại 2 kỳ điều hành gần đây. So với thời điểm đầu năm 2022, giá xăng dầu vừa qua đã tăng 4.625-7.030 đồng/lít, kg tùy loại. Theo các doanh nghiệp, kể từ đầu năm, giá xăng dầu đã tăng tới 25%-40%. Riêng ngày 11-3 vừa qua, giá xăng dầu trong nước đã tăng thêm gần 3.000 đồng/lít. Như vậy, với mức giảm của ngày 21-3, giá xăng dầu vẫn ở mức cao, chưa trở về mức cũ hoặc như kỳ vọng của người dân.

Theo lý giải của Liên bộ Công thương - Tài chính, sở dĩ đưa ra mức điều chỉnh như ngày 21-3 vì thị trường xăng dầu thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp. Giá xăng dầu sau khi giảm trong những ngày giữa tháng 3 đang có xu hướng tăng trở lại do lo ngại nguồn cung cho thị trường sẽ giảm mạnh khi nguồn xăng dầu, khí đốt từ Nga bị cấm vận, trong khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) chưa quyết định gia tăng sản lượng cung cấp.

Tranh thủ trích lập quỹ bình ổn

 Một lãnh đạo Bộ Công thương cho rằng, mức giảm giá xăng dầu như vậy là “chấp nhận được” với xu thế thị trường xăng dầu thế giới và tình hình địa chính trị thế giới hiện nay. Để giảm nhiều hơn, cần phải chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu tại kỳ điều hành lần này, nhưng trong bối cảnh quỹ sắp cạn, cần hạn chế chi và tranh thủ trích lập quỹ để “tính bài toán lâu dài” cho thời gian tới.

Liên bộ Công thương - Tài chính cũng cho rằng, trong kỳ vừa qua, giá bình quân các sản phẩm xăng dầu trên thị trường thế giới giảm so với giá bình quân của kỳ trước (mặc dù lại đang có xu hướng tăng trở lại trong vài ngày gần đây), nhưng mức chi Quỹ Bình ổn giá xăng dầu cho các mặt hàng đang được áp dụng ở mức tương đối cao (từ 300-1.500 đồng/lít), trong khi số dư tại 13 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã bị “quỹ âm”.

Do đó, để có dư địa điều hành giá trong các kỳ tới khi thị trường còn diễn biến phức tạp, liên bộ quyết định kỳ này giảm chi sử dụng quỹ đối với các mặt hàng xăng dầu, bắt đầu trích lập quỹ đối với một số mặt hàng để giá xăng dầu trong nước biến động theo xu hướng của giá thế giới, giảm áp lực cho quỹ và có dư địa để điều hành giá cho các kỳ tiếp theo, bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong quá trình phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo đó, mức trích lập với xăng E5 RON 92 kỳ này ở mức 200 đồng/lít, xăng RON 95 ở mức 50 đồng/lít, dầu diesel ở mức 400 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 300 đồng/lít, dầu mazut không trích lập; ngừng chi sử dụng quỹ đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu.

Thời gian qua, trước tình hình giá xăng dầu thế giới tăng cao, nhà nước khuyến khích doanh nghiệp tăng nhập khẩu, đồng thời các đầu mối cũng tăng “ôm hàng”, nên nếu giá xăng tại kỳ điều hành lần này giảm sâu hơn 1.000 đồng/lít thì cả nhà nước và doanh nghiệp sẽ phải bù lỗ.

Theo dự báo của các chuyên gia, giá xăng dầu trong thời gian tới vẫn có thể tăng trở lại và phụ thuộc tình hình chiến sự cũng như cấm vận, nguồn cung dầu mỏ, khí đốt từ Nga. Để giá xăng dầu trong nước có thể giảm sâu hơn, giảm bớt tác động từ giá xăng dầu thế giới, cần phải chờ đợi đến tháng 4 tới, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết về giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, giá xăng sẽ giảm 2.000 đồng/lít, các mặt hàng dầu giảm 1.000 đồng/lít và dầu hỏa giảm 700 đồng/lít.

Theo Liên bộ Công thương - Tài chính, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá ngày 11-3 và 21-3 là: 121,912 USD/thùng xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 (giảm 10,34 USD/thùng, tương đương giảm 7,82% so với kỳ trước); 125,842 USD/thùng xăng RON 95 (giảm 9,908 USD/thùng, tương đương giảm 7,3% so với kỳ trước); 120,408 USD/thùng dầu hỏa (giảm 14,840 USD/thùng, tương đương giảm 10,97% so với kỳ trước); 122,338 USD/thùng dầu diesel (giảm 22,853 USD/thùng, tương đương giảm 15,74% so với kỳ trước); 625,090 USD/tấn dầu mazut 180CST 3,5S (giảm 22,757 USD/tấn, tương đương giảm 3,51% so với kỳ trước).

Các tin khác