Giải ngân vốn đầu tư công TPHCM: Đến tận công trình tháo gỡ khó khăn

(ĐTTCO)-Tính đến giữa tháng 7, TPHCM đã giải ngân vốn đầu tư công (theo khối lượng hoàn thành đang thực hiện các thủ tục thanh quyết toán) là 1.470 tỷ đồng, đạt gần 49% kế hoạch vốn đã giao, được Thủ tướng Chính phủ khen ngợi. 
Công trình hầm chui An Sương do thành phố đầu tư. Ảnh: CAO THĂNG
Công trình hầm chui An Sương do thành phố đầu tư. Ảnh: CAO THĂNG

Trong tình hình dịch Covid-19, TPHCM sẽ làm gì để đạt được tỷ lệ giải ngân cả năm trên 95% như đã đăng ký? Chúng tôi có cuộc trao đổi với bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM, đơn vị được giao đầu mối các dự án đầu tư công.

Đẩy nhanh tiến độ để tránh thất thoát ngân sách

* Xin bà cho biết tình hình vốn đầu tư công và kết quả giải ngân của TPHCM?

* Bà Lê Thị Huỳnh Mai: Năm 2020, TPHCM đã phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công là 41.691 tỷ đồng (vốn ngân sách thành phố là 33.940 tỷ đồng, vốn ngân sách Trung ương 7.751 tỷ đồng). Tính đến giữa tháng 7, khối lượng giải ngân đạt 18.836 tỷ đồng, hơn 45% kế hoạch vốn đã giao, cao hơn gấp 2,5 lần so với cùng kỳ (hết tháng 7-2019 giải ngân chỉ 7.717 tỷ đồng, đạt 23% kế hoạch vốn giao 33.771 tỷ đồng).

Nếu tính theo khối lượng hoàn thành đang thực hiện các thủ tục thanh quyết toán là 1.470 tỷ đồng, đạt gần 49% kế hoạch vốn đã giao.

* Số tiền trên là vốn nhà nước để đối ứng nhằm thực hiện các dự án hàng trăm ngàn tỷ đồng huy động từ khu vực tư nhân. Nếu chậm tiến độ thì chi phí đầu tư sẽ tăng lên, dự án sẽ đội vốn, gây thất thoát ngân sách…

* Đúng vậy, vốn huy động từ các dự án BT, PPP, ODA là rất lớn. Nếu không đẩy nhanh tiến độ thi công, khiến dự án trì trệ thì không những làm phát sinh thêm chi phí, lãi suất, việc chậm đưa công trình vào sử dụng sẽ là thiệt hại kép.

Bởi, dù là vốn huy động từ khu vực tư nhân nhưng cuối cùng nhà nước vẫn phải trả, chỉ là trả sau thôi.

* Vậy cách nào để thành phố tập trung nguồn vốn và đầu tư có hiệu quả?

* Ngay từ khi ban hành kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020, TPHCM đã xác định theo nguyên tắc bố trí có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên tập trung nguồn lực cho các Chương trình đột phá của thành phố, để tránh đầu tư dàn trải, thực hiện đúng mục tiêu và có hiệu quả. 

* Làm sao để TPHCM có thể giải ngân vốn đầu tư công cao gấp 2,5 lần so với năm trước, thưa bà? 

* Đấy là nhờ sự tập trung chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của Thành ủy, UBND TPHCM. Trước tình hình dịch bệnh, thành phố đã xác định một trong những giải pháp chủ yếu để hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội là đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Tập trung nguồn lực cho các công trình trọng điểm, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải quyết yêu cầu bức thiết về ùn tắc giao thông, giảm ngập nước, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giáo dục - y tế, tạo hiệu ứng lan tỏa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Bám sát, tháo gỡ từng dự án

* Như vậy, thành phố phải có cách làm rất riêng mới tạo được hiệu ứng như thế?

* Thành phố chọn giải pháp trao quyền và giao trách nhiệm cho người đứng đầu, đi kèm với cơ chế bám sát tiến độ từng dự án. Cụ thể: (1) Trực tiếp Thường trực UBND TPHCM tổ chức giao ban định kỳ 2 tuần/lần với các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư về tình hình thực hiện các dự án, giải ngân kế hoạch đầu tư công.

(2) Giao cơ quan chủ quản, chủ đầu tư phân loại dự án, nắm vững tiến trình từng dự án để có giải pháp thích hợp từng giai đoạn. Hàng tháng kiểm tra tiến độ thực địa, nghe báo cáo và tháo gỡ khó khăn ngay tại công trường. Công khai danh sách các cơ quan, đơn vị chậm giải ngân...

(3) Ban hành quy trình quản lý vốn đầu tư công theo kế hoạch trong năm.

(4) Phát động phong trào thi đua gắn với nội dung giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2020. Kết quả giải ngân là một trong những căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của lãnh đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện, chủ đầu tư.

(5) Ban hành danh mục các công trình trọng điểm chào mừng đại hội Đảng bộ các cấp để tập trung hoàn thành đúng tiến độ.

(6) Đẩy mạnh công tác quyết toán các dự án. Tối đa 30 ngày kể từ ngày ký biên bản nghiệm thu giữa chủ đầu tư và nhà thầu, chủ đầu tư phải lập thủ tục thanh toán tại Kho bạc Nhà nước.

(7) Tổ chức hội nghị chuyên đề, hướng dẫn các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư thực hiện các thủ tục liên quan đến thực hiện dự án đầu tư công, thủ tục quyết toán tại Kho bạc Nhà nước.

* Thành phố cũng có một số khó khăn đã kiến nghị Chính phủ tháo gỡ. Về thuận lợi, TPHCM có những điểm gì mới?

* Trước đây, theo quy định tại Luật Đầu tư công năm 2014, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, trên cơ sở triển khai thực hiện Nghị quyết 54 và Luật Đầu tư công năm 2019, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A sử dụng ngân sách thành phố thuộc HĐND thành phố. Quy định nêu trên đã góp phần rút ngắn thời gian, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A.

Ngoài ra, tại khoản 7 Điều 17 Luật Đầu tư công năm 2019 cũng quy định, trong trường hợp cần thiết, HĐND giao cho UBND cùng cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C sử dụng vốn ngân sách thành phố phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển, khả năng tài chính và đặc điểm của địa phương.

*Nếu UBND TP được quyền quyết định đầu tư, thì công tác giám sát sẽ như thế nào, thưa bà?

* Nếu HĐND đồng ý giao cho UBND cùng cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C thì HĐND sẽ thực hiện nhiệm vụ, quyền giám sát các dự án sử dụng vốn đầu tư công giao cho địa phương quản lý, theo quy định tại khoản 4 Điều 83 Luật Đầu tư công 2019.

Các tin khác