Giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế

Giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế
Ông VŨ TIẾN LỘC, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội:

Chính sách tài khóa, tiền tệ như tay phải và tay trái

Tôi mong muốn có một Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ về những chính sách đặc thù cho 2 năm trước mắt. Ở giai đoạn này, mọi quyết định nào “đẻ” thêm chi phí, thủ tục cho DN thì đều nên dừng lại.
Chẳng hạn dự thảo nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Bảo vệ môi trường, lại phát sinh nhiều chi phí cho DN, theo tôi nên tạm thời dừng lại, ít ra là để sau khi phục hồi.
Ngay cả chính sách được coi là đặc thù cho các địa phương cũng có một số loại phí, lệ phí, khoản thu tăng lên cũng chưa phải lúc, nên hoãn lại để khoan sức dân, nuôi dưỡng nguồn thu. 
Về tái cấu trúc kinh tế, tôi cho rằng tái khởi động, phục hồi nền kinh tế không có nghĩa là trở lại ngày hôm qua, trạng thái bình thường cũ một cách máy móc, mà phải trong một diện mạo mới, trong sự dẫn dắt của chiến lược tái cơ cấu nền kinh tế trong 5 năm, 10 năm tới.
Phải có chiến lược, chương trình tổng thể cho 2 năm hồi phục. Cần có cách tiếp cận khác thích hợp hơn để xây dựng cơ cấu kinh tế cũng như mô hình quản trị DN có khả năng chống chịu, khả năng  quản trị rủi ro tốt hơn.
Cụ thể là đẩy mạnh chuyển đổi số, kinh tế xanh và phát triển bền vững. Đó là linh hồn, yêu cầu xuyên suốt của tái cơ cấu kinh tế trong những năm tới. 
Về gói hỗ trợ rất cần thiết, rất quan trọng, nên phải đủ lớn, đủ rộng, hướng vào 2 mục tiêu: đó là không chỉ hỗ trợ cho DN trụ lại được, phục hồi được, mà còn phải kích hoạt được những DN có năng lực cạnh tranh.
Nhưng làm sao để xác định DN có năng lực cạnh tranh? Đó là qua kênh ngân hàng, vì ngân hàng biết rõ nhất. DN tiếp cận ngân hàng sẽ phải trình phương án kinh doanh, ngân hàng nắm rất chắc tình hình sức khỏe của DN. Nhà nước có thể miễn giảm thuế, giãn hoãn tiền thuê đất…
Nhưng cái cần nhất, theo tôi thứ nhất là DN tiếp cận được tín dụng. Quy mô nguồn vốn phải tăng lên, tập trung cho những lĩnh vực, dự án có khả năng cạnh tranh.
Thứ hai là lãi suất phải hạ xuống. Tích hợp, cộng hưởng chính sách tài khóa tiền tệ sẽ như tay phải và tay trái, phối hợp nhịp nhàng “chăm sóc” DN, đảm bảo tín dụng được sử dụng hiệu quả, tạo ra năng lực cạnh tranh.
PGS.TS TÔ NGỌC HƯNG, nguyên Giám đốc Học viện Ngân hàng:

DN bắt buộc phải thay đổi

Quá trình phục hồi kinh tế khó khăn do tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong bối cảnh đó, các DN phải có giải pháp từ góc độ của mình trong bối cảnh bình thường mới. Đại dịch Covid-19 sẽ tiếp tục tạo ra những thách thức mới đối với quản trị DN.
Các nhà quản trị DN cần phải phân tích, đánh giá chiến lược phát triển của DN đặt trong bối cảnh môi trường kinh doanh bị ảnh hưởng từ diễn biến của dịch. 
DN cần có biện pháp bảo vệ người lao động, tài sản quý giá nhất để có thể phục hồi trở lại. DN phải duy trì được động lực làm việc, đi kèm với năng suất lao động và thu nhập tương xứng.
Ngoài các giải pháp về y tế để phòng ngừa dịch, thay đổi địa điểm và lịch làm việc, DN cần điều chỉnh cơ cấu tổ chức sản xuất theo chiều ngang nhiều hơn, đẩy mạnh phân quyền ra quyết định đi kèm với việc công bố các hướng dẫn thực hiện, minh bạch thông tin và cơ chế tiếp nhận, giải quyết, phản hồi thông tin. 
DN cũng cần tổ chức lại cơ cấu và quy trình hướng vào đáp ứng sự thay đổi trong tình hình thực tiễn và trải nghiệm của khách hàng. Dịch Covid-19 làm thay đổi sở thích và thói quen người tiêu dùng, như mua sắm trực tuyến và giao hàng không tiếp xúc, những thay đổi này ít có khả năng bị đảo ngược lại như thời kỳ trước dịch Covid-19.
Điều này buộc các DN phải đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, điều hành, quản lý và làm việc thông qua các nền tảng trực tuyến. Thị phần thương mại điện tử, mua sắm trực tuyến, dịch vụ giao hàng nhanh được kỳ vọng tăng trưởng mạnh mẽ cả về số lượng người mua lẫn doanh thu. 
Vì thế, DN cần rà soát và điều chỉnh lại chuỗi cung ứng theo hướng tăng tính tự chủ và đa dạng hơn, nhằm bảo đảm cung ứng được hàng hóa và dịch vụ theo yêu cầu của khách hàng. Để làm được việc này, DN cần rà soát lại 3 vấn đề: quản lý đối tác cung ứng, quản lý hàng tồn kho, và quản lý dịch vụ hậu cần.
TS. HOÀNG QUANG PHÒNG, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI):

Mở rộng quy mô các gói hỗ trợ 

Việc mở rộng quy mô các gói hỗ trợ DN ứng phó Covid-19 là cần thiết. Với GDP ước tính năm 2020 gần 6,3 triệu tỷ đồng, các gói hỗ trợ có thể mở rộng đến 4% GDP, tương đương 250.000 tỷ đồng, hoặc hơn nữa để giải quyết các khó khăn trong hiện tại và hỗ trợ phục hồi kinh tế trong tương lai. Chính phủ có thể cân nhắc ban hành một số chính sách tài khóa, tiền tệ có tính chất đột phá. Chẳng hạn, có thể tính đến gói hỗ trợ cấp bù lãi suất cho DN với mức độ 3-5%/năm so với lãi suất thị trường, tập trung vào các ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Chính phủ cũng có thể xem xét mức giảm thuế thu nhập DN, thuế VAT, tiền thuê đất ở mức cao hơn so với mức hỗ trợ giảm 30% hiện nay lên 50%; giảm mức nộp vào các quỹ bảo hiểm xã hội 50% trong các năm 2021, 2022. Nghiên cứu, xem xét giảm mức thuế VAT từ 10% xuống 5% trong năm 2021, 2022…

PGS.TS TRẦN ĐÌNH THIÊN, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về kinh tế khóa IX Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam:

Sớm thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng

Chúng ta phải đứng thẳng dậy và xốc tới, không phải “lom khom hồi phục”, các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ và ngân hàng cần mạnh hơn nữa. Đây là lúc ngân sách nhà nước mạnh dạn chi hỗ trợ DN để cứu nền kinh tế. 
Bởi lẽ liên quan đến tiền tệ, khả năng tiếp cận vốn mới của DN, đây là thời điểm gay gắt nhất cho quá trình phục hồi nền kinh tế. Lúc này dòng tiền ở nhiều DN đã cạn kiệt, điều kiện vay vốn của họ rất kém, khó đáp ứng các tiêu chuẩn vay của ngân hàng, trong khi nhu cầu vốn mới để phục hồi sản xuất kinh doanh rất bức bách, thậm chí là “sinh tử”.
Trong tình thế kinh tế khó khăn, các ngân hàng rất khó chấp nhận rủi ro để cho các DN này vay vốn. Nguy cơ DN không gượng dậy được vì thiếu vốn, đồng nghĩa với sự phục hồi chậm và nhiều rủi ro của nền kinh tế.
Do đó, bây giờ là lúc cần có cách tiếp cận mạnh dạn và can đảm để giải quyết vấn đề này. Cần thành lập sớm Quỹ bảo lãnh tín dụng từ phía Nhà nước bảo lãnh cho DN vay ngân hàng khi họ thiếu điều kiện được vay. Đây là biện pháp cứu nền kinh tế, phải chấp nhận rủi ro.
Rủi ro đến mức nào phải tính toán, có tiêu chuẩn rõ ràng, căn cứ vào chính khả năng phục hồi của DN nhờ khoản vay đó, với sự bảo đảm của các quy định luật pháp phù hợp. Tình thế bất thường phải có giải pháp khác thường, phải biết “lấy độc trị độc” nền kinh tế mới “giải độc” được.

GS.TSKH NGUYỄN QUANG THÁI,  Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam:

Thực hiện tăng bội chi ngân sách

Để đáp ứng nhu cầu an sinh xã hội hiện nay và các nhu cầu phục hồi kinh tế, có thể thi hành giải pháp từ 2 hướng. Một là tiết kiệm chi tiêu ngân sách, cả về đầu tư hiệu quả và giảm chi tiêu thường xuyên cho bộ máy. Hai là tăng thêm mức bội chi ngân sách, đáp ứng nhu cầu an sinh xã hội và khôi phục kinh tế, đổi mới ngành y tế… 
Việc thực hiện tăng bội chi ngân sách một số năm, nhất là 2022-2024 cần đặt trong chương trình tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế, ứng phó thích ứng linh hoạt với các diễn biến phức tạp của dịch bệnh, thiên tai và môi trường quốc tế phức tạp.
Trong điều kiện bình thường mới cần chấp nhận việc làm khác bình thường, tuân thủ có điều chỉnh ít nhiều các Luật Ngân sách, Luật Quản lý nợ, Luật Quy hoạch...
Do đó, Chính phủ cần lên phương án cụ thể và báo cáo Quốc hội để có quyết sách nhanh nhất trong kỳ họp này. Việc tăng bội chi ngân sách là thành tố của chương trình tổng thể khôi phục và phát triển kinh tế 3 năm 2022-2024, thực hiện kích cầu ngắn hạn, tăng cường năng lực phía cung (trung hạn), tạo đà cho phát triển dài hạn.
Thưởng phạt nghiêm minh, lựa chọn phương án tốt, người tài giỏi để chỉ huy kế hoạch phục hồi và chấn hưng nền kinh tế. Ai làm kém, làm sai phải bị loại bỏ khỏi guồng máy.

Các tin khác