Giảm áp lực vốn bằng trái phiếu doanh nghiệp

(ĐTTCO) - Phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đang là giải pháp để giảm áp lực cung cấp tín dụng của các TCTD, từ đó có nhiều dư địa hỗ trợ DNNVV. Tuy nhiên, thị trường TPDN còn nhiều điểm cần được khắc phục để sân chơi này không chỉ là nơi dành cho các nhà đầu tư lớn, mà nhà đầu tư cá nhân cũng có thể tham gia, góp phần thực hiện tốt mục tiêu huy động vốn trong dân.
Dấu hiệu sôi động
Trên thị trường TPDN, NH được xem là nhóm tích cực huy động nhất, thu về hàng ngàn tỷ đồng TP nhiều kỳ hạn. Tháng 10-2018, BIDV phát hành thành công 2 đợt TP có tổng giá trị 3.450 tỷ đồng kỳ hạn 2 năm, lãi suất 5,8%/năm và 6%/năm.
Trước đó, BIDV cũng đã thực hiện nhiều đợt phát hành TP kỳ hạn trung và dài hạn. Vietcombank cũng có 7 lần phát hành TP, Vietinbank có 2 đợt phát hành 4.000 tỷ đồng TP trong năm nay.
 Ở nước ngoài, khi DN phát hành trên thị trường chứng khoán, TPDN đó được chấm điểm và được bán như cổ phiếu. Việc chấm điểm này phải được một công ty đánh giá tín nhiệm thực hiện. Qua đó, nhà đầu tư cá nhân sẽ nhìn thấy mức độ rủi ro của DN là lãi suất TPDN có tương ứng với mức độ rủi ro hay không để đưa ra quyết định. 
TS. Bùi Quang Tín, 
Trường Đại học NH TPHCM
MB phát hành 1.400 tỷ đồng kỳ hạn 5 năm và 1 ngày, VIB huy động được 2.800 tỷ đồng và để ngỏ khả năng phát hành thêm trong thời gian tới. HDBank dự kiến phát hành 500 tỷ đồng TP đợt 3 năm 2018. ACB cũng dự kiến phát hành 2.000 tỷ đồng… Agribank đang phát hành 4 triệu TP ra công chúng với tổng giá trị lên tới 4.000 tỷ đồng, lãi suất cam kết luôn cao hơn 1,1%/năm so với mức trung bình lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân kỳ hạn 12 tháng của nhóm Big 4. 
Tuy nhiên, trong các tháng gần đây, thị trường TPDN đón nhận một xu hướng đáng chú ý. Đó là, thay vì vay vốn NH, các DN lớn liên tục phát hành TP với khối lượng lớn để bổ sung vốn hoạt động.
Ngày 2-10 vừa qua, 5.500 tỷ đồng TPDN (tương đương 55 triệu đơn vị) kỳ hạn 3 năm của Vinhomes được niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) với mã chứng khoán VHM11726 và chính thức giao dịch từ ngày 11-10. Lãi suất trong 12 tháng đầu tiên 9,2%/năm, mỗi 6 tháng tiếp theo là tổng của 3,25% và lãi suất tham chiếu. Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ phát hành thành công TPDN lần đầu tiên trị giá 2.330 tỷ đồng.
Tập đoàn PAN phát hành thành công 1.135 tỷ đồng với lãi suất cố định 6,8%/năm, kỳ hạn 5 năm và được bảo lãnh thanh toán bởi Credit Guarantee and Investment and Facility (CGIF), một quỹ tín thác của NH Phát triển châu Á (ADB).
Tương tự, CTCP Đầu tư Văn Phú phát hành thành công 200 tỷ đồng. CTCP Nhựa và Môi trường Xanh An Phát thông qua phương án phát hành TP kèm chứng quyền với tổng giá trị 400 tỷ đồng.
CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội dự kiến phát hành 650 TP có mệnh giá 1 tỷ đồng/TP nhằm huy động nguồn tiền bổ sung vốn phục vụ hoạt động cho vay ký quỹ chứng khoán và kinh doanh TPCP. Trong tháng 8, Tập đoàn Đất Xanh cũng thông qua kế hoạch phát hành 720 tỷ đồng, Chứng khoán Bản Việt có kế hoạch phát hành riêng lẻ 800 tỷ đồng, CTCP Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest) có kế hoạch phát hành riêng lẻ 500 tỷ đồng…
Nghiên cứu huy động vốn từ dân cư
So với việc vay tiền từ NH để hoạt động, huy động vốn từ TPDN có ưu điểm không cần tài sản thế chấp, DN chủ động dùng tiền huy động được không chịu sự giám sát của bên cho vay, nguồn vốn được giải ngân ngay thay vì theo đợt, và DN chỉ trả lãi định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm đến cuối kỳ mới hoàn trả gốc. Do không chịu sự khống chế trần lãi suất DN có thể quyết định mức lãi suất hấp dẫn.
Tuy nhiên, không phải DN nào cũng có thể phát hành TP để huy động vốn. Theo thống kê của Bộ Tài chính, tính từ khi Nghị định 90/2011 về phát hành TPDN có hiệu lực cho đến cuối năm 2016, chỉ có 367 đợt đăng ký phát hành theo hình thức riêng lẻ với khối lượng đăng ký 183.550 tỷ đồng, trong đó có 359 đợt phát hành với 129.636 tỷ đồng.
Dư nợ TPDN phát hành đến cuối năm 2016 là 237.421 tỷ đồng, tương đương 5,27% GDP. Trong khi đó, quy mô của kênh tín dụng NH tương đương 116% GDP. So về tổng thể, quy mô của thị trường TPDN vẫn còn nhỏ so với tiềm năng của nền kinh tế cũng như nhu cầu huy động vốn của DN.
Hiện Bộ Tài chính đang sửa Nghị định 90 để khắc phục những hạn chế, tạo điều kiện cho DN huy động TP thị trường chứng khoán. 
Bên cạnh đó còn nhiều vấn đề cần quan tâm để có được thị trường TPDN đúng nghĩa. Hiện nay các NHTM vẫn nắm giữ hơn 75% dư nợ TPDN, trong khi TPDN là kênh huy động vốn không phụ thuộc tín dụng nhằm giảm sức ép vốn trung và dài hạn đối với các TCTD.
Theo đó, NHNN cũng đã ban hành Thông tư 15/2018 để siết lại việc NH mua TPDN nhằm giảm rủi ro cho NH. Nếu NH giảm mua TPDN, khách hàng tiềm năng còn lại là các tổ chức hoặc nhà đầu tư nước ngoài. Song theo các chuyên gia, các DN lớn kể cả NH vay nước ngoài bằng TP với lãi suất thấp để dùng vốn đó cho vay lại trong nước, sẽ có lợi cho hoạt động của họ.
Nhưng trên phương diện vĩ mô, vay mượn từ nước ngoài càng nhiều càng tạo rủi ro cho nền kinh tế và cho chính DN vay. Vì thế, nếu thị trường TPDN tạo điều kiện để người dân tham gia sẽ giảm được áp lực trên, đồng thời giải được bài toán huy động nguồn vốn trong dân.
TS. Bùi Quang Tín, Trường Đại học NH TPHCM, nhận định với TPDN nhà đầu tư cá nhân khó tham gia. Nguyên nhân do phát hành TP không có thế chấp tài sản, trong khi nhà đầu tư cá nhân khó thẩm định được hồ sơ DN phát hành nên rủi ro rất lớn. Xu hướng này chỉ có thể đổi chiều khi TPDN được phát hành rộng rãi trên thị trường chứng khoán và DN phát hành có một công ty đánh giá tín nhiệm uy tín định giá.
Thí dụ, ngoài NH Standard Character Việt Nam đứng ra thu xếp phát hành, Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ còn được bảo lãnh thanh toán bởi Quỹ đầu tư và bảo lãnh tín dụng (CGIF), một quỹ đầu tư tín thác của NH Phát triển châu Á (ADB) được S&P đánh giá tín nhiệm hạng AA trên toàn cầu.
Theo đó, với lãi suất phát hành TP của Hoàn Mỹ thấp hơn nhiều DN khác trên thị trường (lãi suất cố định ở mức 6,64%/năm cho kỳ hạn 5 năm và 6,74%/năm cho kỳ hạn 7 năm) nhưng tổng lệnh đặt mua trong đợt phát hành cao gấp 2,5 lần so với số lượng phát hành.

Các tin khác