Giám sát nguy cơ “bắt tay nhau” để đảo nợ

(ĐTTCO) - Khi mảng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đóng góp nhiều vào mức tăng trưởng tín dụng 9 tháng năm 2021 ở nhiều NH, phải chăng đây là cách NH và DN bắt tay nhau dùng TPDN để đảo nợ?

Giám sát nguy cơ “bắt tay nhau” để đảo nợ
Theo báo cáo “Thị trường TPDN” của CTCP Chứng khoán SSI, có tới gần 60% lượng TPDN phát hành là do các NHTM và công ty chứng khoán nắm giữ.
Cụ thể, các NH đã mua vào 124.400 tỷ đồng, chiếm 27,3%; các công ty chứng khoán mua 148.400 tỷ đồng, chiếm 32,6%. Nhưng TPDN có thể là cách để các NH vừa lách luật cho vay DN bất động sản, các công ty chứng khoán, vừa tránh được lệnh siết cho vay vào lĩnh vực rủi ro, không phải  trích lập dự phòng rủi ro, làm sạch bảng cân đối tài chính.
Về phía DN, nếu đến kỳ hạn vay không có tiền trả nợ, việc phát hành TP sẽ giúp DN trả nợ đúng hạn, không bị ảnh hưởng đến xếp hạng tín dụng.
Đặc biệt, trong thời gian qua các loại TPDN được phát hành tại Việt Nam hầu hết chưa được xếp hạng tín nhiệm, nhiều loại TP không có  tài sản đảm bảo, không bảo lãnh thanh toán; một số DN công bố huy động vốn TP với lãi suất cao, nhưng không có phương án kinh doanh khả thi nên rất khó có khả năng trả được nợ gốc và lãi sau này.
Thị trường TPDN vẫn đang tiềm ẩn rủi ro đối với một số DN, nhất là DN bất động sản phát hành TP với lãi suất cao, khi DN gặp trục trặc, NH và nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ nắm giữ TPDN đều có thể bị vạ lây.
Tất nhiên, trong ngắn hạn rủi ro vỡ nợ đến từ các DN này chưa nhiều khi thời điểm đáo hạn của các TPDN hầu hết vào năm 2024-2025. 
Để khắc phục tình trạng này, NHNN vừa ban hành Thông tư 16/2021 (có hiệu lực từ ngày 15-1-2022), quy định về việc TCTD, chi nhánh NH nước ngoài mua, bán TPDN. Trong đó, yêu cầu các NH nước ngoài chỉ được mua TPDN khi có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo kỳ phân loại gần nhất, theo quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động.
Đồng thời, các NH nước ngoài chỉ được mua TP của công ty phát hành không có nợ xấu tại các TCTD trong vòng 12 tháng gần nhất; DN phát hành cam kết mua lại TP trước hạn khi thay đổi mục đích sử dụng tiền thu từ phát hành TP trong thời gian TCTD nắm giữ TP…
Thông tư mới cũng quy định 3 trường hợp NH không được mua TPDN, gồm TP phát hành có mục đích cơ cấu lại các khoản nợ của chính đơn vị phát hành; TP có mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại DN khác và TPDN phát hành, trong đó có mục đích tăng quy mô vốn hoạt động. Các NH cũng không được bán TPDN cho công ty con của mình... 
Trước đó, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 57/2021/TT-BTC (có hiệu lực từ ngày 20-7-2021), quy định lộ trình sắp xếp lại thị trường các loại chứng khoán, trong đó có TPDN. Thị trường TPDN thứ cấp sẽ hoạt động trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) trong năm 2022.
Theo đó, chậm nhất đến hết ngày 31-12-2022, HNX thống nhất tổ chức thị trường giao dịch TP theo quy định tại Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn thi hành. 
Bộ Tài chính sẽ tiến hành kiểm tra một số DN có khối lượng phát hành TP lớn, TP không có tài sản đảm bảo và tình hình tài chính yếu kém. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đề nghị NHNN, Bộ Xây dựng, Bộ Công an thực hiện kiểm tra, thanh tra, giám sát việc TCTD, DN bất động sản huy động vốn từ phát hành TP, phối hợp chia sẻ thông tin kết quả kiểm tra, giám sát. 
Từ bài học năm 2008-2009, Chính phủ cần có sự quản lý, giám sát chặt chẽ, tránh sự bắt tay “móc ngoặc” giữa DN với NH, hoặc NH cho DN “sân sau” vay không đúng đối tượng.
Thực tế này cũng đòi hỏi Bộ Tài chính và NHNN phải có cái “phanh” hãm đúng lúc để việc cấp vốn tín dụng không trở thành hiện tượng gây phương hại đến lạm phát, mất giá trị đồng tiền, cũng như các yếu tố cân đối vĩ mô của nền kinh tế. 

Các tin khác