Giảm thuế giá trị gia tăng: Nơi làm, nơi chưa rõ

(ĐTTCO)-Nhiều hệ thống bán lẻ đã điều chỉnh giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống còn 8% kể từ đầu tháng 2, nhưng vẫn có một số nơi chưa thực hiện.
Các siêu thị đã giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% cho nhiều loại hàng hóa theo quy định
Các siêu thị đã giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% cho nhiều loại hàng hóa theo quy định

Siêu thị, cửa hàng lớn giảm thuế

Hôm qua 11.2, chị Kim Yến (ngụ Q.7, TP.HCM) đến siêu thị Lotte Mart Nam Sài Gòn để mua hàng thì thấy ngay tại cửa ra vào có thông báo siêu thị áp dụng mức thuế giá trị gia tăng (GTGT) từ 10% xuống 8% kể từ ngày 1.2 đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội. Việc giảm giá sẽ được thực hiện khi thanh toán.

Sau khi mua hàng xong, chị nhận được hóa đơn tổng cộng hơn 1 triệu đồng thì thấy thể hiện có 3 mức thuế GTGT, gồm GTGT 8% gần 48.000 đồng, mức thuế GTGT 5% gần 25.000 đồng và số thuế ở bậc 10% gần 6.000 đồng.

Tuy nhiên, siêu thị không ghi rõ sản phẩm nào đã được giảm thuế còn 8% nên chị cũng không nhớ được loại hàng nào đã được giảm. Điều này cũng diễn ra tương tự tại các siêu thị thuộc hệ thống GO!, Tops Market, Co.opmart, Co.opXtra… từ khi bắt đầu mở cửa hoạt động lại sau những ngày nghỉ Tết Nhâm Dần.

Hàng loạt sản phẩm từ thực phẩm khô, sữa, bánh kẹo, thời trang, hàng gia dụng… được áp dụng giá bán mới với mức thuế GTGT 8%. Những sản phẩm có thuế GTGT là 5% vẫn giữ nguyên.

Tương tự, gia đình chị N.Mai (ngụ Q.3) vừa đi ăn tại nhà hàng Yen với hóa đơn tổng cộng hơn 2,4 triệu đồng thì thuế GTGT 8% là hơn 164.000 đồng. Ước tính với mức thuế mới, gia đình chị N.Mai đã giảm được khoảng 40.000 đồng so với việc phải nộp theo thuế suất 10% như trước đây.

Theo thông báo của Uniqlo, khách mua hàng tại các cửa hàng trên toàn quốc, bao gồm cả online, sẽ nhận được khoản giảm giá tương đương 2% theo quy định của Chính phủ về thực hiện giảm thuế GTGT. Do giá được niêm yết trên bảng thông tin sản phẩm trong cửa hàng, tờ rơi và nhãn mác sản phẩm vẫn là giá đã bao gồm 10% thuế GTGT, khách hàng sẽ được giảm trực tiếp tại quầy thu ngân.

Theo ví dụ của Uniqlo, với chính sách giảm giá này, các sản phẩm có giá 149.000 đồng sẽ xuống còn 146.000 đồng; sản phẩm có giá 499.000 đồng xuống còn 489.000 đồng; từ giá 999.000 đồng xuống còn 980.000 đồng…

Ứng dụng gọi xe, giao hàng công nghệ Grab cũng thông báo thời gian áp dụng giảm thuế suất thuế GTGT theo quy định đối với các dịch vụ GrabCar, GrabCar Protect, GrabCar Plus, GrabCar Economy, GrabCar Rent, GrabBike từ ngày 1.2.

Tuy nhiên, do thời gian áp dụng diễn ra trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022, hệ thống sẽ bắt đầu cập nhật thay đổi mức thuế suất thuế GTGT từ ngày 15.2. Vì vậy, trong khoảng thời gian từ ngày 1 - 14.2, Grab vẫn tạm thu thuế GTGT theo mức thuế suất 10% và sẽ tính toán lại mức thuế chênh lệch để hoàn trả cho đối tác thông qua ví tài xế; chuyển thành điểm GrabRewards để người dùng có thể đổi các ưu đãi từ ứng dụng này hoặc hoàn trả tiền thuế chênh lệch qua tài khoản của người dùng…

Chỗ không nêu rõ, nơi thờ ơ

Nghị định 15/2022 của Chính phủ về giảm thuế GTGT theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội (áp dụng từ 1.2.2022) nhằm mục tiêu hỗ trợ, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19. Thế nhưng bên cạnh các hệ thống cửa hàng, siêu thị lớn đã thực hiện công khai, rõ ràng thì nhiều nơi vẫn chưa áp dụng hoặc không nêu rõ.

Chẳng hạn tối 9.2, chị Thanh Hà (ngụ Q.3) ghé siêu thị Winmart (đường 3 Tháng 2, Q.10) mua các loại trái cây tổng cộng hết 810.000 đồng. Trên hóa đơn bán hàng mà siêu thị xuất cho chị Thanh Hà thể hiện “giá đã bao gồm thuế GTGT” nên chị cũng không biết được số tiền thuế bao nhiêu.

Sáng hôm qua, chị Thanh Hà mua ly cà phê sữa nóng size M tại tiệm cà phê Highlands Lý Tự Trọng (Q.1) với giá 39.000 đồng, bằng với trước tết. Nghe mọi người nói đã giảm thuế GTGT nên chị để ý hóa đơn tính tiền, trên có ghi dòng chữ “Giá đã bao gồm 8% thuế GTGT” nhưng số tiền giảm lại không thể hiện. “Số tiền quá ít để tôi có thể biết được giảm là bao nhiêu”, chị cho hay.

Giảm thuế giá trị gia tăng: Nơi làm, nơi chưa rõ - ảnh 2

Tại chợ bán lẻ, cả người bán và người mua đều không quan tâm đến thuế GTGT

Là đơn vị cung cấp thực phẩm chế biến như heo quay, gà nổ muối hột nồi đất, cá lóc quay me…, nhân viên Flyfood cho biết giá bán sản phẩm công bố trên website chưa bao gồm thuế. Trường hợp khách hàng lấy hóa đơn, sẽ có thêm thuế GTGT là 8%.

Khảo sát của Thanh Niên tại một số cửa hàng Thế Giới Di Động, FPT Shop tại TP.HCM hôm qua cũng cho thấy giá các sản phẩm trưng bày tại cửa hàng đều ghi đã bao gồm thuế GTGT nhưng không rõ mức thuế là bao nhiêu.

Tại một cửa hàng FPT Shop (Q.3), nhân viên cho hay có một số laptop đang được giảm giá khoảng 10% theo chương trình lì xì đầu năm mới và kéo dài đến ngày 14.2. Nhưng khi hỏi đến việc có được giảm thuế GTGT hay không thì nhân viên này khá ngơ ngác và bảo để hỏi lại kế toán.

Tại các chợ truyền thống, cả người bán lẫn người mua đều không biết và cũng không quan tâm đến thuế GTGT. Người mua chỉ quan tâm giá món hàng đó có tăng, giảm so với trước hay không.

Chị Hà, tiểu thương bán quần áo tại chợ Thái Bình (Q.1), cho hay lâu nay chỉ báo cho người mua giá cái áo là 150.000 đồng hay cái quần 120.000 đồng chứ không bao gồm tiền gì nữa. Vì vậy, chị cũng không quan tâm thuế GTGT được giảm bao nhiêu.

“Mở cửa sau tết đến nay ế lắm. Cả ngày hôm qua tôi may mắn bán được mấy món, chứ mùng 9 (9.2) cả ngày không có người khách. Đôi khi nhiều sản phẩm đã nhập hàng lâu ngày phải bán hòa vốn, thậm chí chịu lỗ chút xíu cũng được. Mình chỉ biết lấy cái quần, cái áo giá vốn bao nhiêu thì bán ra cộng tiền lời lên nữa là được. Ở đây không ai biết thuế GTGT là gì đâu”, chị Hà nói.

Ông Nguyễn Đức Huy, Phó chánh văn phòng Tổng cục Thuế, cho biết cơ quan thuế đã nắm bắt những thông tin phản ánh về hiện tượng hóa đơn GTGT một số nơi vẫn chưa thay đổi từ thuế suất 10% xuống còn 8%.

Hoặc trước đây khi thuế GTGT còn ở mức thuế suất 10%, giá hàng hóa là 110.000 đồng thì nay khi giảm thuế xuống 8% mà giá vẫn không giảm xuống là 108.000 đồng. Trong trường hợp đơn vị bán hàng chỉ ghi chung chung giá hàng hóa đã bao gồm GTGT, có thể đơn vị kê khai thuế trực tiếp, còn nếu kê khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ sẽ phải ghi rõ ràng mức giá, thuế suất.

Ông Huy cho biết thêm, chính sách hỗ trợ giảm thuế suất GTGT từ 10% xuống 8% vừa được áp dụng từ ngày 1.2, thời gian thực hiện trong vòng 10 ngày nên cơ quan thuế sẽ rà soát, phối hợp các cơ quan chức năng khác như quản lý thị trường để kiểm tra, giám sát...

Mới đây, Tổng cục Thuế đã có công điện gửi các đơn vị trong ngành yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến cho người dân, phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát để chính sách hỗ trợ người tiêu dùng đi vào cuộc sống.

Trước đó, Tổng cục Thuế đã nhận được phản ánh của doanh nghiệp và đã nâng cấp ứng dụng để bổ sung mức thuế suất 8% (tương tự mức thuế suất 5%, 10%) và hiển thị nội dung đối với hóa đơn áp dụng thuế suất 8%.

Trong công văn đề nghị các đơn vị đẩy mạnh công tác quản lý, điều hành giá sau Tết Nguyên đán mới đây, Bộ Tài chính cũng yêu cầu các đơn vị căn cứ quy định, kịp thời có các giải pháp quản lý, điều hành giá phù hợp đối với các hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục nhà nước định giá, kê khai giá, tổ chức triển khai rà soát để chủ động điều chỉnh giá hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh giá theo đúng quy định tại Luật giá và các quy định nêu trên.

Còn đối với các hàng hóa, dịch vụ khác, tổ chức nắm bắt tình hình thực hiện của các đơn vị sản xuất, kinh doanh để có biện pháp điều hành, bình ổn giá phù hợp; không để xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu hàng hóa, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng chính sách, lợi dụng các thời điểm lễ, tết để tăng giá bất hợp lý.

Các tin khác