Giảm thuế VAT kích sức mua

(ĐTTCO)-Việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) sẽ kích cầu, người dân tiêu dùng nhiều hơn nhờ giá hàng hóa, dịch vụ giảm tương ứng. Điều này sẽ góp phần hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh, giúp doanh nghiệp và nền kinh tế sớm phục hồi.
Theo tiểu thương chợ Bến Thành (quận 1, TP.HCM), mua bán vẫn rất chậm, hy vọng giảm thuế, sức mua sẽ tăng lại - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Theo tiểu thương chợ Bến Thành (quận 1, TP.HCM), mua bán vẫn rất chậm, hy vọng giảm thuế, sức mua sẽ tăng lại - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Nhiều chuyên gia đã khẳng định như vậy khi trao đổi về đề xuất của Chính phủ liên quan đến việc giảm thuế suất thuế VAT từ 10% xuống 8% đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ.

Người tiêu dùng được lợi

Chị Vân An - nhân viên văn phòng tại Phú Nhuận, TP.HCM - cho biết rất mừng khi nghe tin Chính phủ đề xuất giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% đối với nhiều nhóm hàng hóa, dịch vụ. 

Nhẩm tính chi phí hằng tháng cho gia đình 5 người gồm 3 người lớn và 2 con nhỏ, chị Vân An cho biết ít nhất phải tốn 17 triệu đồng cho tiền ăn, tã sữa, chưa kể học phí và các khoản tiền điện, nước, Internet...

"Nếu thuế VAT giảm còn 8%, tôi chỉ phải trả 1,36 triệu đồng tiền thuế VAT cho số hàng hóa mình mua, thay vì 1,7 triệu đồng như hiện nay, tiết kiệm khoảng 340.000 đồng. 

Dù không phải là lớn nhưng trong bối cảnh khó khăn do COVID-19 như hiện nay, tiết kiệm được đồng nào hay đồng ấy. Tôi sẽ tăng mua hàng hóa dịch vụ ở những nơi có mức thuế suất rõ ràng" - chị Vân An nói.

Tương tự, chị Nguyễn Minh Ngọc (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng cho rằng việc giảm thuế VAT là tin rất vui với người dân. Vì giảm thuế sẽ giúp số tiền phải trả khi mua hàng giảm xuống. Mức giảm 2% dù không nhiều nhưng cũng rất tốt trong bối cảnh thu nhập bị giảm sút do tác động của đại dịch COVID-19. 

Theo chị Ngọc, với mức chi tiêu cho những mặt hàng thiết yếu của gia đình khoảng 15 triệu đồng/tháng, số tiền thuế phải trả mỗi tháng chỉ còn khoảng 800.000 đồng, thay vì 1 triệu đồng như trước, nếu thuế VAT còn 8%.

Trên đây chỉ là những ví dụ cho thấy việc giảm thuế VAT trên hàng hóa dịch vụ sẽ có mức phủ rất rộng, hầu hết người tiêu dùng, chẳng cần thủ tục gì, nhưng số tiền giảm được nhiều hay ít tùy vào mức chi tiêu của từng gia đình nhiều hay ít. 

Có thể với nhiều gia đình, số thuế được giảm chỉ là vài trăm ngàn đồng/tháng, nhưng trên tổng thể quốc gia, số tiền thuế giảm lên đến vài chục ngàn tỉ đồng.

Giảm thuế VAT kích sức mua - Ảnh 2.

Việc giảm thuế giá trị gia tăng sẽ giúp giá hàng hóa giảm, người tiêu dùng cần mua hàng ở nơi có hóa đơn rõ ràng - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Góp phần kích thích tiêu dùng

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Nguyễn Ngọc Tú - giảng viên Trường đại học Kinh doanh và công nghệ Hà Nội - cho rằng thuế VAT đánh trên toàn bộ các mặt hàng từ sản xuất đến tiêu dùng, nên việc giảm thuế VAT sẽ giúp kéo giá thành sản phẩm, dịch vụ từ cuốc xe ôm, đến các hàng hóa tiêu dùng thiết yếu như quần áo, xăng dầu, bánh kẹo... sẽ giảm theo.

"Việc giảm thuế VAT sẽ khuyến khích người dân tiêu dùng, mua sắm, nhất là dịp lễ Tết đang đến gần" - ông Tú nói. Tuy nhiên, theo ông Tú, để nền kinh tế phục hồi và phát triển bền vững và xét về mặt lâu dài, mức giảm thuế VAT cần mạnh mẽ hơn. 

"Mức giảm được đề xuất là 2% đã tốt rồi nhưng chưa đủ liều, cần giảm 50% so với hiện nay, tức là từ 10% còn 5% đối với những sản phẩm, dịch vụ thiết yếu, những ngành, lĩnh vực bị thiệt hại nặng nề bởi dịch..." - ông Tú đề xuất.

Việc giảm thuế suất thuế VAT hiếm khi diễn ra. Từ trước đến nay, Chính phủ hầu như chỉ giảm thuế TNDN chứ ít giảm thuế VAT vì mức độ tác động rất rộng và khó dự trù được số thuế giảm. Chắc chắn tới đây khi giảm thuế sẽ tác động dây chuyền đến giá cả hàng hóa dịch vụ trong xã hội ở những ngành nghề được hưởng lợi.

Chuyên gia thuế Nguyễn Thái Sơn

Ông Nguyễn Văn Được - tổng giám đốc Công ty TNHH kế toán và tư vấn thuế Trọng Tín - cũng cho rằng việc giảm thuế VAT sẽ góp phần kích thích tiêu dùng, cứu nhà sản xuất, đồng thời tạo công ăn việc làm, giúp kinh tế tăng trưởng. "Đây là chính sách cần thiết nhằm vực dậy nền kinh tế đang khó khăn do COVID-19" - ông Được nói.

Trong khi đó, theo luật sư Trần Xoa - giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, hai tháng cuối năm 2021, Chính phủ đã giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 7%, nay đề xuất áp dụng mức 8% tức tăng lên so với cuối năm ngoái. "Sao không giữ ổn định mức 7% để tạo điều kiện cho các ngành nghề kinh doanh hồi phục sau dịch?" - ông Xoa nói.

Bà Nguyễn Thị Cúc - chủ tịch Hội Tư vấn thuế - cũng cho rằng chính sách giảm thuế VAT sẽ góp phần kích thích tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sôi động hơn. Tuy nhiên, phải có giải pháp để đảm bảo người tiêu dùng được hưởng lợi từ chính sách giảm thuế này. "Phải đảm bảo hàng hóa, dịch vụ phải có mức giảm bằng với mức giảm thuế VAT. Khi mua hàng hóa, dịch vụ ở siêu thị hay những đơn vị có xuất hóa đơn, người tiêu dùng sẽ được giảm thuế trực tiếp trên hóa đơn mua hàng" - bà Cúc nói.

Hơn 49.400 tỉ đồng từ giảm VAT

Chính phủ đã trình Quốc hội việc giảm thuế suất thuế VAT từ mức 10% xuống mức 8% đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang có lợi thế phát triển (viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản xuất kim loại và sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn...).

Thời gian miễn giảm thuế VAT theo tờ trình được Chính phủ gửi tới Quốc hội là trong năm 2022, quy mô gói giảm thuế VAT cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và người tiêu dùng cuối cùng được hưởng khoảng 49.400 tỉ đồng. Việc tiếp tục miễn giảm thuế VAT trong năm 2023 sẽ được Quốc hội xem xét trên cơ sở thực tiễn tình hình năm 2022 và dự báo bối cảnh năm 2023.

Cách nào biết có giảm thuế?

np_thue_chicucthuetpthuduc-17 2(read-only)

Người dân làm thủ tục thuế tại Chi cục Thuế TP Thủ Đức - Ảnh: N.PHƯỢNG

Nếu việc giảm thuế VAT được chính thức thực hiện, cũng có trường hợp bên bán giữ nguyên giá bán để hưởng lợi, thiệt cho người tiêu dùng, rơi vào các trường hợp bán hàng không có hóa đơn. Khi người bán hàng giữ nguyên giá bán, trong đó đã có thuế VAT, điều đó có nghĩa họ đã tăng giá bán. Theo anh Quốc Đạt (quận 10, TP.HCM), khi Chính phủ giảm thuế suất thuế VAT với một số dịch vụ từ 10% xuống 7% vào tháng 11 và tháng 12-2021, nhiều nhà cung cấp dịch vụ đã giảm giá cho khách. Chẳng hạn, khi uống cà phê ở một hệ thống quán cà phê, anh Đạt thấy trước quầy có trưng thông báo với nội dung: "Từ ngày 1-11-2021 đến 31-12-2021 đơn vị sẽ giảm thuế trên mỗi sản phẩm từ 10% xuống 7% theo gói hỗ trợ của Chính phủ".

Do vậy, khi uống ly cà phê tại quán này, anh được giảm giá vài ngàn đồng nhờ thuế VAT giảm. Trường hợp này đã thông báo khá rõ. Cũng có nhiều nhà cung cấp dịch vụ vẫn giữ giá bán như cũ. Với những nhà cung cấp dịch vụ này, người tiêu dùng không được hưởng lợi khi thuế VAT giảm.

"Thuế VAT giảm mà giá sản phẩm không giảm có nghĩa là nhà cung cấp dịch vụ đã tăng giá bán sản phẩm, người tiêu dùng không được hưởng ưu đãi thuế nhưng không phải ai cũng hiểu điều này. Do vậy, cơ quan quản lý cũng cần có giám sát để làm sao ưu đãi này đến tay người tiêu dùng. Người tiêu dùng cũng thẳng thắn đòi hỏi quyền lợi của mình thay vì thôi có bao nhiêu mà bỏ qua", anh Quốc Đạt nói.

Theo ông Nguyễn Thái Sơn - chuyên gia thuế, thuế VAT là thuế gián thu, đánh vào người tiêu dùng cuối cùng, doanh nghiệp chỉ thu hộ số thuế này cho Nhà nước. Do vậy, khi giảm thuế VAT, giá cả hàng hóa sẽ giảm. Việc giảm giá được thấy rõ nhất ở những nơi bán hàng hóa có hóa đơn chứng từ rõ ràng như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi... Trong khi đó, ở những nơi như chợ truyền thống, tạp hóa... có lẽ phải cần thời gian để mặt bằng giá giảm dần. Vì vậy, có chuyên gia đề xuất Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế nên có truyền thông thật tốt về chính sách giảm thuế VAT để người dân nắm và yêu cầu bên bán hàng hóa, dịch vụ phải áp dụng đúng thuế suất theo như Chính phủ đã giảm cho người tiêu dùng.

Cần giảm thuế cho cả người kinh doanh

Để gỡ khó cho hoạt động sản xuất kinh doanh, theo luật sư Trần Xoa, 2 năm qua Quốc hội ra quyết nghị giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của năm 2020 và 2021 đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu trong năm không quá 200 tỉ đồng. Ngoài ra, còn miễn thuế 6 tháng cuối năm cho hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tuy nhiên, trong báo cáo gửi Quốc hội mới nhất lại không có chính sách dành cho 2 đối tượng này. "Nếu dạo quanh các chợ sẽ thấy tình hình kinh doanh còn rất ế ẩm. Trên thực tế doanh nghiệp, hộ kinh doanh vẫn còn chưa hết khó khăn, rất cần chính sách hỗ trợ" - ông Xoa đề nghị.

Theo TS Nguyễn Ngọc Tú, trong năm 2022 cần tiếp tục giảm 30% số thuế TNDN cho tất cả doanh nghiệp. Có thể trừ một số ngành, lĩnh vực có lợi thế, không bị ảnh hưởng nhiều do dịch bệnh như công nghệ thông tin, kinh doanh thiết bị y tế... Mục đích giảm thuế là để doanh nghiệp tái đầu tư, hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh để phục hồi và phát triển kinh tế.

Mấu chốt của chính sách là phải làm thế nào giữ hoặc tăng thu nhập cho người tiêu dùng, kích thích mua sắm hàng hóa, sử dụng dịch vụ nhiều hơn. "Do đó, cùng với việc giảm thuế VAT, cũng cần giảm thuế thu nhập cá nhân cho người làm công ăn lương. 2 năm nay chính sách đã bỏ quên đối tượng này và gói kích thích lần này cũng chưa thấy đề xuất giảm thuế thu nhập cá nhân" - ông Tú nói.

Các tin khác