Giao thương Việt Nam - Ấn Độ: Khai phá thị trường mới

(ĐTTCO) - Ngày 17-3, UBND TPHCM phối hợp cùng Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại TPHCM tổ chức “Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Độ - Việt Nam lần thứ 2”. 

Diễn đàn thu hút sự tham gia của hơn 300 doanh nghiệp (DN) hai nước, là cơ hội để các DN trong nước tìm kiếm cơ hội bắt sóng đầu tư cũng như mở rộng thị phần xuất khẩu ở thị trường hơn 1,3 tỷ dân.

May xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

May xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Thị trường khổng lồ

Phân tích về những cơ hội để DN Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng đầu tư phát triển thị phần tại thị trường Ấn Độ, đồng chí Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, cho rằng, Ấn Độ có quy mô thị trường hơn 1,3 tỷ dân. Đây sẽ là thị trường tiêu thụ rất lớn, nhất là trong bối cảnh Việt Nam là nước có ngành nông thủy hải sản, dệt may, da giày… phát triển mạnh. 

Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, việc phát triển thị phần cũng như đầu tư tại thị trường Ấn Độ vẫn còn rất hạn chế. Hiện tại, Việt Nam có 9 dự án đầu tư tại Ấn Độ với tổng vốn hơn 6 triệu USD, chủ yếu là bán buôn bán lẻ, đứng thứ 42/78 quốc gia mà Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài. Còn về kim ngạch thương mại song phương, giữa Ấn Độ và Việt Nam đạt mức 13 tỷ USD vào năm 2021, tăng 36,5% so với cùng kỳ 2020 và dự kiến sẽ đạt mục tiêu 15 tỷ USD trong năm 2022.

Trong đó, riêng với TPHCM, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 1,45 tỷ USD, tăng 30% so với năm 2020. “Hiện Ấn Độ đã vươn lên nước xuất khẩu nông sản hàng đầu. Do vậy, về phía DN Ấn Độ cần gia tăng nhập khẩu hàng nông sản, nhất là sản phẩm gạo, rau củ quả… Tuy nhiên, cũng phải nói thêm, cùng với việc gia tăng nhập khẩu nông sản trong đó có nông sản từ Việt Nam, những rào cản kỹ thuật cũng được thắt chặt, bởi đây là yêu cầu nhằm đảm bảo duy trì thị phần xuất khẩu của DN Ấn Độ”, ông Harsh Vardhan, chuyên gia trong lĩnh vực nông sản và thực phẩm, cung cấp thông tin.  

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Sao Khuê SG chia sẻ, rào cản kỹ thuật về tiêu chuẩn chất lượng tại thị trường Ấn Độ vốn không phải là mối lo của các DN. Bởi các DN trong nước đã khá quen với việc bị áp đặt nhiều rào cản kỹ thuật khắt khe tại các thị trường xuất khẩu. Đơn cử, công ty có kinh nghiệm chuyên xuất khẩu hàng nông sản đi thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Tại những thị trường này, tiêu chuẩn an toàn chất lượng luôn được thắt chặt. Từ đầu năm đến nay, Nhật Bản đã đưa ra 25 thông báo mới về điều chỉnh tiêu chuẩn an toàn chất lượng liên quan đến sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật trên nông sản nhưng không làm khó được DN. Hiện trung bình mỗi tuần, công ty xuất đi khoảng 3-7 container loại 20 feet hoặc 40 feet. Công ty cũng đã chuẩn hóa chất lượng đầu vào sản phẩm nhờ sự kết nối chặt chẽ với các hợp tác xã vùng nguyên liệu. Vấn đề quan ngại của công ty với thị trường Ấn Độ là tìm kiếm đối tác tin cậy để tránh rủi ro khi xuất khẩu. 

Tuy nhiên, một số DN chuyên xuất khẩu hàng hóa đi thị trường Ấn Độ chia sẻ, là thị trường lớn nhưng cũng có rủi ro. Các DN xuất khẩu thường phải yêu cầu DN Ấn Độ thanh toán 100% đơn hàng trước khi chuyển hàng đi để tránh nguy cơ mất hàng và không được thanh toán. Thế nhưng yêu cầu này thường khó được chấp nhận. Các DN trong nước chỉ mới kết nối với một số ít DN có quy mô lớn hoặc có hệ thống phân phối lớn của Ấn Độ. Điều này gây ra những hạn chế nhất định khi DN trong nước muốn mở rộng thị phần xuất khẩu. 

Thúc đẩy hợp tác hai chiều

Ở chiều ngược lại, Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của các DN Ấn Độ. Ông Pranay Verma, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam, cho rằng, DN Ấn Độ đánh giá cao tiềm năng đầu tại Việt Nam, tập trung 6 nhóm ngành là kỹ thuật, công nghiệp hỗ trợ, kỹ thuật số, thương mại điện tử, bán lẻ và nông sản. Cũng theo ông Pranay Verma, ngoài năng lực đầu tư thì mối quan hệ song phương bền chặt trong suốt chiều dài lịch sử 50 năm của hai nước và đặc biệt là sự kiện nâng tầm hợp tác chiến lược, toàn diện của 2 nước từ năm 2016 đã tạo đà cho DN Ấn Độ thúc đẩy đầu tư phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. 

Giao thương Việt Nam - Ấn Độ: Khai phá thị trường mới ảnh 1Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan (trái) và ngài Pranay Verma, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam tại diễn đàn. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Tính đến tháng 2-2022, Ấn Độ đứng thứ 25/140 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với 315 dự án còn hiệu lực, có tổng vốn hơn 918 triệu USD. Những lĩnh vực thu hút đầu tư mạnh mẽ từ DN nước này là công nghiệp chế biến, chế tạo sản xuất, phân phối điện và khai khoáng. Riêng đối với TPHCM, Ấn Độ đứng thứ 25/116 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư tại TPHCM với 179 dự án còn hiệu lực, tổng vốn gần 82 triệu USD.

Chia sẻ về những băn khoăn của DN hai nước, ông Pranay Verma cho biết, trong thời gian tới, Ấn Độ sẽ thường xuyên trao đổi, tổ chức hoạt động B2B (DN kết nối trực tiếp với DN thông qua các cơ quan chức năng của hai bên) để tăng cường tin cậy và mở rộng giao thương DN hai nước, tránh những rủi ro thương mại. Song song đó, đẩy mạnh hơn nữa sự kết nối DN Việt Nam đến địa phương, dựa trên những thế mạnh cũng như tiềm năng hợp tác giữa các địa phương của Ấn Độ. Các sự kiện về thương mại chủ yếu sẽ tập trung vào các mảng ngành như IT, nông nghiệp, dược phẩm, thương mại điện tử, đặc biệt ngành du lịch. Ở chiều ngược lại, về phía Ấn Độ cũng đề nghị cơ quan chức năng Việt Nam tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính, tạo cơ hội để DN nước này tiếp cận dự án đầu tư tại Việt Nam. 

Có thể nói, vào thời điểm này, cả hai quốc gia Ấn Độ và Việt Nam đều đang tập trung vào các giải pháp phục hồi kinh tế và dần vượt qua những ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19. Diễn đàn đã trở thành một không gian để kết nối và chia sẻ giữa các DN, cũng như lãnh đạo các cấp từ hai quốc gia nhằm tìm hiểu thêm những cơ hội chung trong nỗ lực khôi phục kinh tế, góp phần tạo nên những giá trị mới trong giao lưu thương mại giữa hai quốc gia.

Kết hợp thế mạnh mỗi nước để đón sóng đầu tư

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết, trong 2 năm vừa qua, thế giới đã trải qua ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, với những nỗ lực phòng chống dịch bệnh, Việt Nam và Ấn Độ đã dần kiểm soát, mở cửa trở lại và đang từng bước khôi phục kinh tế. Hiện TPHCM đã xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2025. Trong đó, giai đoạn phục hồi bắt đầu từ nay đến hết năm 2022, giai đoạn phát triển là từ năm 2023 đến năm 2025. Vì vậy, năm 2022 được xem là năm hết sức quan trọng, đặt tiền đề cho giai đoạn phát triển tiếp theo. Để đạt được mục tiêu hồi phục kinh tế, chính quyền thành phố cần sự chung tay tiếp sức từ cộng đồng DN trong và ngoài nước bao gồm cả cộng đồng DN Ấn Độ.

Với những lợi thế cạnh tranh của riêng mình, Việt Nam và Ấn Độ đang nằm trong trung tâm của sự dịch chuyển các chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này thể hiện ở thực tế cả hai nước đang nhận được nguồn đầu tư nước ngoài lớn, mở ra cơ hội cho hai nước đón đầu giai đoạn phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19, tạo ưu thế cho cả hai quốc gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Với sự hợp tác chặt chẽ giữa hai nước, các DN sẽ nắm bắt cơ hội để tăng tốc phát triển, tận dụng lợi thế đón đầu đầu tư cũng như gia nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu đang hướng đến 2 nước.

TPHCM kêu gọi đầu tư dự án “Thành phố thông minh”

Theo ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở TT-TT TPHCM, TPHCM xây dựng chủ đề năm 2022 là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp. Với chủ đề này, thành phố đã xác định một trong các nhiệm vụ quan trọng để phục hồi và phát triển kinh tế là thực hiện chuyển đổi số một cách toàn diện, phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền số, thiết kế đồng bộ, xây dựng và dựa vào vận hành hệ thống tích hợp, kết nối liên thông các cơ sở dữ hiệu lớn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (Al) vào triển khai đô thị thông minh, đô thị sáng tạo. Do đó, thành phố đang kêu gọi các DN, các nhà đầu tư Ấn Độ - vốn có thể mạnh về công nghệ số đẩy mạnh nghiên cứu, thúc đẩy đầu tư vào các vấn đề trên.

Các tin khác