Gìn giữ tài nguyên nước

(ĐTTCO) -Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với 13 tỉnh, thành phố có tổng diện tích 3,94 triệu ha, dân số 17,5 triệu người, chiếm 12% diện tích tự nhiên và 20% dân số cả nước, đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế cả nước. 
Gìn giữ tài nguyên nước

Là một trong những vùng đồng bằng màu mỡ và có sản lượng nông sản lớn nhất khu vực Đông Nam Á và đứng đầu Việt Nam, ĐBSCL cũng là 1 trong 4 đồng bằng bị tác động mạnh nhất do biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng. Những tác động này tạo ra các thách thức vô cùng to lớn, đe dọa quá trình phát triển, sinh kế và đời sống người dân trong vùng nói riêng và cả nước nói chung, đặc biệt là an ninh lương thực.

Lâu nay chúng ta nghe nói nhiều đến BĐKH và nước biển dâng. Hầu như mọi người dân ở ĐBSCL đều biết rằng trong tương lai nước biển dâng sẽ làm ngập đất đai, nhà cửa của họ. 

Nhưng thực tế nước biển dâng chỉ khoảng 3mm/năm, không đáng sợ bằng sụt lún, bởi một số nơi đã lún gấp 10 lần nước biển dâng. Sụt lún cùng với nước biển dâng đang là thách thức nghiêm trọng, nếu không áp dụng các biện pháp ngăn chặn, vùng này sẽ bị nhấn chìm trong tương lai không xa.
Xin nêu vài con số: Hiện nay ĐBSCL đang bị lún từ 1,1cm/năm. Riêng các đô thị và khu công nghiệp bị lún nhiều hơn, trung bình 2,5cm/năm. Cụ thể, giai đoạn 1991-2016 toàn vùng ĐBSCL đã bị lún 18cm, có nơi lún tới 53cm. Vùng ĐBSCL có 7 tầng nước ngầm và cả 7 tầng này đang bị khai thác đến mức báo động. Từ 1991-2000 vùng ĐBSCL chỉ lún 0,4cm/năm; từ năm 2000-2005 tăng lên 0,6cm/năm; năm 2006-2010 là 0,9cm/năm và từ 2011-2016 lún trung bình 1,1cm/năm. Các số liệu này trùng với thời kỳ gia tăng canh tác lúa thâm canh và gia tăng sử dụng nước ngầm ở ĐBSCL. Và với tốc độ sụt lún này, ĐBSCL đang đối mặt với nhiều nguy cơ như mất đất, bờ biển sẽ bị sạt lở mạnh; mặn xâm nhập sâu các sông và tấn công trở lại tầng nước ngầm.
Thực tế khoảng 20 năm trước, với sự hỗ trợ của UNICEF, các địa phương ở ĐBSCL khoan rất nhiều giếng tầng nông và bơm bằng tay lấy nước ngọt sử dụng. Nhưng gần đây nước ngầm tầng nông đều bị nhiễm phèn, mặn không sử dụng được, người ta phải khoan sâu 400-500m để tìm nước ngọt. Điều này đang khiến ĐBSCL vốn được mệnh danh là vùng sông nước, văn minh miệt vườn, cây lành trái ngọt, nhưng hiện nay hầu như sông rạch không còn tắm được, nói gì để dùng trong nấu ăn và uống. Nguồn nước sông rạch đã bị ô nhiễm rất nghiêm trọng bởi nước thải công nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật, chăn nuôi nên phải dùng nước ngầm. Vùng ven biển sử dụng nước ngầm không chỉ cho sinh hoạt mà còn cho tưới hoa màu, nuôi thủy sản rất lãng phí.
Với kịch bản lún sụt có vận tốc trung bình 3-4cm/năm, kết hợp với diễn biến xấu từ BĐKH, cùng với việc các nước thượng nguồn tiếp tục xây dựng các đập nước trên dòng chính sông Mekong, vùng ĐBSCL đã và đang đối mặt với thảm họa. Tại Hội nghị “Chuyển đổi sản xuất bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với BĐKH” diễn ra ở Cần Thơ, nhiều ý kiến tâm huyết đã chỉ ra rằng BĐKH đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, rõ ràng hơn bao giờ hết. Trong bối cảnh ấy, cần xác định cây gì, con gì và thị trường sản phẩm đó ở đâu đang hoặc sắp cần. Phải chọn ra một số cây, con có chiến lược, có giá trị cao, không cần nhiều nước ngọt, có thể sử dụng nước mặn để sản xuất. 
Đặc biệt, để cứu ĐBSCL khỏi bị chìm nhanh phải giảm hoặc dừng ngay việc khai thác nước ngầm; đồng thời tận dụng triệt để nguồn nước mặt hiện có. Muốn vậy, phải có chế tài nghiêm khắc để ngăn chặn hành vi xả thải gây ô nhiễm nguồn nước. Bởi tài nguyên nước đã làm nên ĐBSCL và sẽ tiếp tục quyết định sự sống của vùng này nếu ta biết gìn giữ nó.

Các tin khác