Tăng tốc với EVFTA:

Gỡ khó để doanh nghiệp đưa hàng vào EU thuận lợi

(ĐTTCO) - Trong 6 tháng qua, ảnh hưởng từ dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu của nhiều mặt hàng chủ lực suy giảm, doanh nghiệp (DN) khó khăn chồng chất. 

Các bộ ngành, địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp tìm đầu ra cho sản phẩm, đặc biệt, đưa ứng dụng giao dịch điện tử vào hoạt động để giảm nguy cơ gián đoạn giao dịch thương mại cho DN. 

May xuất khẩu tại TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

May xuất khẩu tại TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Vẫn vướng đầu ra

Theo Bộ Công thương, xuất khẩu hàng hóa trong 6 tháng đầu năm nay đã có mức sụt giảm nhẹ 1,1% so với cùng kỳ, khi chỉ đạt mức 121,21 tỷ USD. Nguyên nhân xuất phát từ dịch khiến các đối tác nhập khẩu hoãn, hủy đơn hàng của nhiều ngành hàng chủ lực, như dệt may, da giày, thủy sản… 

Ghi nhận từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho thấy, 6 tháng đầu năm, xuất khẩu dệt may đã giảm hơn 19%. Trong đó, nếu xét riêng từng ngành thì xuất khẩu xơ, sợi dệt các loại giảm 21,2% (cùng kỳ tăng 1,9%). Mặt hàng vải mành, vải kỹ thuật có mức giảm mạnh nhất - 39,6% (cùng kỳ tăng 17,1%). Riêng hàng dệt và may mặc - vốn là mặt hàng chủ lực - cũng đã giảm 15,5% (cùng kỳ tăng 10,4%). 

Theo VITAS, lượng đơn hàng bị hủy, hoãn chủ yếu tập trung từ tháng 4 đến tháng 6-2020. Trong đó, chỉ tính riêng Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã mất tới 50% đơn đặt hàng trong tháng 5, còn các DN lớn như May Sông Hồng, Việt Tiến, Nhà Bè, Thành Công… cũng không ngoại lệ. Tính tới hết tháng 6-2020, kết quả doanh thu mà DN có được chủ yếu tới từ việc kịp thời chuyển đổi sản xuất khẩu trang vải và đồ bảo hộ y tế. 

Cũng giống như ngành dệt may, ngành sản xuất, xuất khẩu giày dép là ngành chịu tác động tiêu cực do dịch Covid-19. Kim ngạch xuất khẩu giày dép các loại 6 tháng đầu năm đã giảm 6,7% so với cùng kỳ năm trước. Hiệp hội Da giày - Túi xách cho biết, các DN sản xuất gặp khó khăn kép: thiếu hụt nguồn nguyên liệu nhập khẩu và xuất khẩu bị gián đoạn tại các thị trường xuất khẩu chính, nhất là thị trường Mỹ, châu Âu, dẫn đến kim ngạch xuất khẩu giảm. Câu chuyện của ngành thủy sản cũng không mấy khả quan hơn. Hồi đầu năm nay ngành này gặp khó ở thị trường Trung Quốc khiến nhiều DN lao đao, nay thị trường này dần hồi phục thì DN lại tiếp tục trở ngại tại Nhật Bản, EU… bởi các nước này bùng phát dịch. 

Ở thời điểm hiện tại, nhiều DN cho biết dù thị trường đã có chuyển biến hơn song chưa thể phục hồi như trước dịch và DN đang xoay xở mở thêm thị trường mới để duy trì hoạt động, hoặc chuyển đổi sang sản xuất các mặt hàng phục vụ nội địa.

Điện tử hóa giao dịch thương mại

Đánh giá cao những cơ hội kinh tế mà EVFTA mang lại, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành bằng mọi giá phải gỡ khó cho DN. Các bộ ngành đã bắt tay đưa vào vận hành hệ thống chứng nhận C/O điện tử. Hệ thống này sẽ giúp DN giảm hàng ngàn ngày làm việc khi không phải gửi hồ sơ đến các tổ chức cấp C/O và chờ đợi để được gửi trả lại mẫu C/O đã cấp.

Bộ Công thương cũng đang làm việc với Liên minh châu Âu để xúc tiến thành lập Sàn giao dịch Thương mại điện tử. Sàn giao dịch này sẽ tích hợp và cung cấp đầy đủ các thông tin, công cụ điều hành của chính phủ điện tử, công cụ tiếp cận khai thác thị trường và xuất nhập khẩu điện tử. Ngoài ra, những quy định về thương mại, đầu tư, công nghệ, rào cản kỹ thuật nói chung cũng sẽ được tích hợp và minh bạch trên sàn, giúp DN chủ động điều chỉnh sản xuất phù hợp với thị trường châu Âu. Theo Bộ Công thương, việc nhiều nước phong tỏa biên giới, thực hiện giãn cách xã hội và ngưng các chuyến bay thương mại đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động giao thương giữa DN các nước, gây gián đoạn đơn hàng xuất khẩu. Tình hình này dự kiến sẽ còn kéo dài. Do vậy, việc thiết lập Sàn giao dịch Thương mại điện tử sẽ giúp giao thương của các DN với đối tác nước ngoài dễ dàng và thông suốt hơn.

Riêng ở cấp độ địa phương, nhiều tỉnh, thành phố đều có sự hỗ trợ mạnh mẽ cho DN đón cơ hội từ EVFTA. Điển hình là TPHCM, theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, để triển khai hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, trong đó có EVFTA, trong thời gian tới thành phố sẽ tiếp tục hỗ trợ DN ổn định sản xuất, phát triển sản phẩm; trang bị đầy đủ kiến thức về hiệp định cho DN để DN vừa tận dụng và vừa bảo vệ mình; hoàn thiện khung pháp lý và chính sách. Về giải pháp dài hơi, thành phố sẽ hỗ trợ DN đổi mới máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất, kết hợp thúc đẩy liên kết vùng để thành tạo thành chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị. Từ đó cộng hưởng, tạo thành sức mạnh giúp DN nâng cao năng lực cạnh tranh để thâm nhập thành công thị trường châu Âu. 

Ở góc độ khác, ông Lý Hoàng Hải, Tổng giám đốc Công ty Eurofins Sắc Ký Hải Đăng, cho rằng để hàng hóa Việt Nam tiến sâu vào thị trường EU, các cơ quan chức năng cần xây dựng cơ sở dữ liệu nhằm hỗ trợ DN xuất khẩu cập nhật nhanh những thay đổi tiêu chuẩn kỹ thuật. Cơ quan quản lý nhà nước ban hành kịp thời những quy định, chính sách phù hợp với yêu cầu của EU, phản biện những quy định không hợp lý. Đồng thời, tạo các đầu cầu kết nối trong chuỗi cung ứng, từ nông dân đến nhà sản xuất, nhà nhập khẩu và các đơn vị trung gian kỹ thuật.

Có thể thấy, việc thực thi EVFTA đang được các bộ ngành chú trọng. Nếu tận dụng tốt cơ hội này, chúng ta có thể gia tăng xuất khẩu, mở rộng thị trường, kéo sản xuất tăng trưởng trở lại sau dịch bệnh.

Bộ Công thương tập trung tái cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu, yêu cầu các tham tán thương mại rà soát, tính toán, xây dựng kịch bản khai thác, phát triển thị trường theo những nhóm ngành hàng mà ta có lợi thế, đặc biệt là sang thị trường EU và các thị trường mà Việt Nam đã có hiệp định thương mại tự do.

Các tin khác