Gỗ Việt rộng đường vào EU

(ĐTTCO)-Sau 2 năm chuẩn bị, Chính phủ vừa ban hành quy định về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam, trên cơ sở Hiệp định đối tác tự nguyện giữa Việt Nam và EU về thực thi Luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT, đã có hiệu lực từ năm 2019). Như vậy cùng với EVFTA, đây được xem là 2 yếu tố quan trọng giúp gỗ Việt rộng cửa vào thị trường EU.
Xuất khẩu gỗ sang thị trường EU của Việt Nam khoảng 1-1,2 tỷ USD/năm.
Xuất khẩu gỗ sang thị trường EU của Việt Nam khoảng 1-1,2 tỷ USD/năm.
Kết thúc 10 năm “mặc cả”
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 102/2020/NĐ-CP, quy định về hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam (chính thức có hiệu lực từ 30-10-2020), được xem là “nội luật hóa”, hoàn thiện khung khổ pháp lý sau khi đã ký kết Hiệp định VPA/FLEGT với EU về xuất khẩu gỗ sang thị trường này.
Nghị định 102 được xem như “chìa khóa pháp lý” để các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ trong nước tiếp cận thị trường EU an toàn hơn, hạn chế rủi ro truy xuất nguồn gốc, gian lận hay chống bán phá giá.
Có thể nói, với việc ký kết VPA/FLEGT và ban hành Nghị định 102, đã chính thức khép lại giai đoạn 10 năm “mặc cả” giữa Việt Nam và EU khi gỗ Việt đặt chân vào thị trường này (2011-2020).
Trước đó, tháng 10-2010, EU thông qua quy chế gỗ của EU nhằm ngăn chặn việc buôn bán gỗ khai thác bất hợp pháp và các sản phẩm được sản xuất từ loại gỗ này. Quy chế gỗ của EU cũng quy định nhà nhập khẩu và thương nhân nhập khẩu gỗ hoặc sản phẩm gỗ vào cửa khẩu đầu tiên của EU, phải thực hiện trách nhiệm giải trình nhằm giảm thiểu nguy cơ mua bán gỗ bất hợp pháp.
Theo đó, quy chế gỗ của EU chỉ công nhận tính hợp pháp của gỗ và sản phẩm gỗ có giấy phép FLEGT, đã được xác minh thông qua các hệ thống kiểm soát của một số quốc gia đối tác được thống nhất theo hiệp định…
Năm 2011, Việt Nam bắt đầu chính thức đàm phán với EU về hiệp định VPA/FLEGT. Sau gần 6 năm với 10 phiên đàm phán cấp cao, 18 phiên kỹ thuật, Việt Nam và EU đã cơ bản kết thúc các nội dung của hiệp định với 9 phụ lục kỹ thuật…
Về phía mình, Việt Nam đề nghị không áp dụng trực tiếp hiệp định mà thông qua việc ban hành bổ sung Nghị định quy định “Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam (VNTLAS)”, tập trung vào các nội dung, như kiểm soát gỗ nhập khẩu, hệ thống phân loại tổ chức/doanh nghiệp, xác minh xuất khẩu, đánh giá tính sẵn sàng của hệ thống VNTLAS, cấp phép FLEGT cho thị trường EU.
Cuối cùng, sau nhiều phiên đàm phán, VPA/FLEGT cũng chính thức được ký kết và có hiệu lực vào năm 2019.
10 năm đàm phán để ký kết VPA/FLEGT cũng đồng nghĩa với việc 10 năm gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam lận đận khi xuất khẩu sang EU (thị trường tiềm năng với dòng sản phẩm gỗ cao cấp, đứng thứ hai sau Mỹ).
Đánh giá về việc hoàn tất khung khổ pháp lý cho xuất khẩu gỗ sang EU, ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT), nhận xét Nghị định 102/2020/NĐ-CP là một trong những bước nội luật hóa quan trọng các cam kết của VPA/FLEGT, kết hợp với EVFTA sẽ là lực đẩy giúp xuất khẩu gỗ sang EU tăng tốc hơn.
Thị trường EU rất coi trọng nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, tính minh bạch và thân thiện môi trường của sản phẩm. Thực thi VPA/FLEGT đòi hỏi Việt Nam phải chứng minh được nguồn gốc gỗ hợp pháp, cộng với cơ hội từ EVFTA mang lại do ưu đãi thuế quan, ngành gỗ sẽ có triển vọng hơn ở thị trường EU. 

Giữ được thị trường EU xem như thành công
Thực thi VPA/FLEGT đòi hỏi Việt Nam phải chứng minh được nguồn gốc gỗ hợp pháp, cộng với cơ hội từ EVFTA mang lại do ưu đãi thuế quan, ngành gỗ chắc chắn có triển vọng hơn ở thị trường EU.
Ông Phạm Văn Điển,
Phó Tổng cục trưởng  Tổng cục Lâm nghiệp
Tính riêng trong 8 tháng năm 2020, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 7,3 tỷ USD (tăng 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái), trong đó trị giá kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 5,46 tỷ USD (tăng 14,3% so với cùng kỳ).
Tuy nhiên, nếu nhìn vào tỷ trọng xuất khẩu của gỗ Việt Nam, thị trường EU vẫn còn khá khiêm tốn so với một số thị trường khác (Mỹ vẫn chiếm hơn 50%). Hiện nay, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang thị trường EU sản phẩm đồ gỗ tinh chế nội thất, ngoại thất có giá trị gia tăng cao.
Do đó, dù với VPA/FLEGT đã có hiệu lực, xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam sang EU không thể kỳ vọng ngay vào sự gia tăng đột biến.  Nhưng với VPA/FLEGT, cùng với khung khổ pháp lý trong nước hoàn thiện, các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ hoàn toàn có thể kỳ vọng giá trị xuất khẩu sẽ tăng lên trong trung hạn, cùng với đó là sự đảm bảo an toàn và bền vững của thị trường.
Những năm gần đây, xuất khẩu gỗ sang thị trường EU của Việt Nam chỉ đạt khoảng 1-1,2 tỷ USD/năm. Song đây là một thị trường khá đặc thù, bởi bao gồm liên minh các nước khó tính. Điều này cũng có nghĩa, khi doanh nghiệp xuất khẩu gỗ Việt Nam giữ được thị trường EU cũng xem như thành công.
Nhận xét về vấn đề này, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES), cho rằng thị trường EU có vai trò rất quan trọng, vì đây có thể xem là cánh cửa để mở ra các thị trường khác cho các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ Việt Nam.
“Ngoài tác động đến xuất khẩu sản phẩm gỗ vào thị trường EU, việc ký kết và thực thi VPA/FLEGT và nội hóa pháp lý, sẽ giúp ngành gỗ Việt Nam nâng cao uy tín, chiếm được lòng tin tại các thị trường khác như Mỹ, Nhận Bản, đây mới là lợi ích lớn hơn” - ông Hoài chia sẻ.
Sau khi Nghị định 102 có hiệu lực, vấn đề quản lý gỗ nhập khẩu phải áp dụng theo quy định trong nghị định, trong khi đó 6 tháng sau mới có thể tiến hành phân loại doanh nghiệp. Bởi vậy, phải đến đầu năm 2021 Việt Nam mới có thể vận hành được hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp, đến cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022-mới có giấy phép FLEGT đầu tiên được cấp cho các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ. 
Do đó, thời gian từ nay đến khi giấy phép FLEGT được cấp, các cơ quan quản lý vẫn phải phối hợp với các hiệp hội gỗ trong nước để triển khai các biện pháp cơ chế phòng vệ thương mại, giảm thiểu tình trạng gian lận thương mại đối với một số mặt hàng xuất nhập khẩu có tính rủi ro cao.

Các tin khác