Gỡ vướng xây dựng công trình phụ trợ phục vụ nông nghiệp

(ĐTTCO) - Ngày 26-5, Thường trực HĐND TPHCM do đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM, dẫn đầu đã có chuyến khảo sát tại huyện Củ Chi về kết quả thực hiện việc phát triển danh mục sản phẩm chủ lực, trọng tâm là sản phẩm chủ lực ngành nông nghiệp trên địa bàn TP.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ khảo sát mô hình trồng lan tại Vườn lan Huyền Thoại, huyện Củ Chi, TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ khảo sát mô hình trồng lan tại Vườn lan Huyền Thoại, huyện Củ Chi, TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đoàn đã tới thăm trại cá cảnh của ông Nguyễn Văn Thủy thuộc Hợp tác xã (HTX) Sinh vật cảnh Sài Gòn, vườn lan Huyền Thoại và vườn chuối xuất khẩu thuộc Công ty TNHH Một thành viên Bò sữa TPHCM.

Các chủ trang trại, doanh nghiệp, thành viên HTX cho hay, việc sản xuất kinh doanh thời gian qua gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Hiện nay, các trang trại đang đẩy mạnh xuất khẩu, tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân trên địa bàn.

Vấn đề chung mà các chủ trang trại, thành viên HTX trăn trở là việc xây dựng công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp khác để phục vụ sản xuất nông nghiệp còn gặp nhiều vướng mắc về thủ tục, quy trình; đất đai canh tác, trồng trọt, chăn nuôi còn manh mún, nhỏ lẻ, khó tập trung để làm khu vực chuyên canh; nguồn con giống, cây giống vẫn phải nhập từ nước ngoài…

Báo cáo của UBND huyện Củ Chi về phát triển nhóm sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp cho biết, trên địa bàn có 3.465 hộ chăn nuôi bò sữa với tổng đàn hơn 56.400 con; có 1.666 hộ chăn nuôi heo với tổng đàn hơn 83.000 con; hơn 3.000ha trồng rau an toàn; gần 980ha hoa kiểng, trong đó có 180ha hoa lan. Huyện có 35 HTX sản xuất nông nghiệp.

Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Lê Đình Đức nêu, quá trình sản xuất nông nghiệp cần đầu tư bài bản về nhà sản xuất, trang trại, chuồng trại, nhà màng… nhưng huyện không dám cho phép xây dựng các công trình này vì chưa có quy định cụ thể. Huyện đề xuất, với mỗi khu vực trồng trọt từ 5-10ha, nên cho phép 10% diện tích để được xây dựng các công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp này. 

Sau chuyến khảo sát thực tế, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ bày tỏ phấn khởi trước sự phát triển sản xuất kinh doanh và đánh giá cao sự năng động, sáng tạo của các chủ trang trại, doanh nghiệp, thành viên HTX. Từ nhu cầu thực tiễn, đồng chí Nguyễn Thị Lệ đã đặt ra nhiều vấn đề và yêu cầu các sở ngành, ban quản lý, địa phương cùng nghiên cứu, tháo điểm nghẽn cho nhà nông. 

Cụ thể, Ban quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM cần có chiến lược lâu dài, có đề tài, đề án nghiên cứu về sản xuất con giống, cây giống, dần dần từng bước tiến tới tự chủ về nguồn giống, không để phụ thuộc vào nhập khẩu.

Các sở ngành nắm bắt nguyện vọng, đề đạt của nhà nông, kết hợp rà soát, đối chiếu với quy định pháp luật, đánh giá lại chính sách để tham mưu các giải pháp thiết thực cho lãnh đạo TPHCM trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp đô thị, tạo điều kiện cho nông dân sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Huyện Củ Chi tiếp tục bám sát, có ý kiến với lãnh đạo TP tháo gỡ vướng mắc của các nhà nông về việc xây dựng công trình phụ trợ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ cũng cho biết, qua khảo sát, giám sát, HĐND TPHCM sẽ có kiến nghị, đề xuất với UBND TPHCM về các công việc, giải pháp liên quan tới phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn TPHCM.

Các tin khác