Gói hỗ trợ kích thích kinh tế: Cân nhắc sức chịu đựng ngân sách

(ĐTTCO) - Trao đổi với ĐTTC, PGS.TS PHẠM THẾ ANH, Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), nhận định việc mở rộng quy mô gói hỗ trợ kích thích kinh tế cần căn cứ vào khả năng chịu đựng của ngân sách, tỷ lệ thâm hụt ngân sách của Việt Nam nhiều năm qua được cho khá cao so với nhiều quốc gia khác.

Gói hỗ trợ kích thích kinh tế: Cân nhắc sức chịu đựng ngân sách
PHÓNG VIÊN: - Ông đánh giá thế nào về đề xuất gói hỗ trợ 800.000 tỷ đồng của Bộ KH-ĐT ra Quốc hội?
PGS.TS PHẠM THẾ ANH:-  Gói hỗ trợ mới này hiện vẫn chưa rõ ràng chỉ là ước tính, mang tính chủ trương, còn thực hiện như thế nào sẽ chia từng giai đoạn, lĩnh vực cụ thể sau khi được thông qua.
Tôi cho rằng quy mô gói hỗ trợ bao nhiêu phải dựa trên sự cân đối ngân sách, dựa vào mức độ thâm hụt ngân sách nền kinh tế có thể chịu đựng được. Thí dụ, xác định mức thâm hụt ngân sách có thể chịu đựng được ở ngưỡng 4-5% GDP (như mức thông thường nhiều năm nay), hay ngưỡng 6% GDP/năm (giả sử tung ra các gói hỗ trợ kinh tế).
Ở đây, cần có sự tính toán để có được định lượng cụ thể, trên cơ sở đó mới xem xét việc sẽ dành gói hỗ trợ kích thích cho nền kinh tế với quy mô bao nhiêu cho tài khóa mỗi năm sẽ phù hợp. 
Như đề xuất của Bộ KH-ĐT, gói mới này có quy mô 800.000 tỷ đồng, hiện chưa rõ phân bổ trong bao nhiêu năm và vào những lĩnh vực nào. Nếu gói này phân bổ trong vòng 5-10 năm là mức bình thường, song nếu diễn ra trong thời gian ngắn đây là mức quá lớn, có thể gây ra những hiệu ứng ngược đối với nền kinh tế.
Chúng tôi đề xuất gói hỗ trợ kinh tế ở mức 80.000-160.000 tỷ đồng, tương đương thêm 1-2% GDP/năm theo cách tính mới. Gói hỗ trợ với quy mô này Việt Nam hoàn toàn có đủ dư địa chính sách để thực hiện.
Ước tính với mức hỗ trợ này, thâm hụt ngân sách vào khoảng 4,4-4,6% GDP và tỷ lệ nợ công khoảng 45,4-46% GDP, nằm trong ngưỡng cho phép.
- Hiện có 2 vấn đề dư luận quan tâm đối với đề xuất gói hỗ trợ là khả năng trả nợ nếu vay thêm từ nước ngoài và năng lực thực thi. Ý kiến của ông?
Với gói hỗ trợ kinh tế lớn, nếu thực hiện không trúng đối tượng và đúng thời điểm, sẽ gây hiệu ứng ngược cho nền kinh tế.
- Trước hết phải khẳng định đây là chương trình hỗ trợ lớn nhất từ trước đến nay, thể hiện quyết tâm, tham vọng của Chính phủ trong phục hồi kinh tế. Còn việc dư luận quan tâm khả năng trả nợ nếu như vay thêm và năng lực thực thi, triển khai gói kích thích kinh tế như thế nào hoàn toàn hợp lý. 
Về vấn đề khả năng vay thêm và trả nợ, nên có sự điều chuyển những nguồn chi khác không cần thiết hoặc chưa cần thiết sang cho các gói hỗ trợ kinh tế, thay vì đi vay thêm nợ mới. Vay nợ mới nên hạn chế bởi mức thâm hụt ngân sách của Việt Nam hiện nay đang ở mức rất cao, lại kéo dài trong nhiều năm, không phải mới xảy ra do dịch bệnh.
Trong điều kiện bình thường như các năm trước, chưa xảy ra dịch bệnh hay thiên tai, mức thâm hụt ngân sách của ta đã 4% GDP/năm, tức tương đương với mức các quốc gia thực hiện các gói hỗ trợ lớn. Vậy nếu vay mới khả năng trả nợ sẽ ra sao cần tính toán kỹ. Quy mô của gói hỗ trợ cần so sánh với khả năng thu ngân sách, không thể dựa vào GDP.
Gói hỗ trợ chỉ nên tương đương 5-10% tổng thu ngân sách, bởi quy mô gói hỗ trợ quá lớn sẽ ảnh hưởng đến khả năng trả nợ.
Về khả năng thực hiện gói hỗ trợ, ở đây Bộ KH-ĐT chưa cho biết cụ thể là gói hỗ trợ sẽ tập trung vào lĩnh vực trọng tâm nào. Theo tôi đối tượng ưu tiên đầu tiên là các gói dành cho an sinh xã hội. Đó là những người người nghèo, người thất nghiệp, người bị giảm sút thu nhập.
Khía cạnh doanh nghiệp nên hỗ trợ một số loại chi phí, đặc biệt chi phí liên quan đến trả lương cho người lao động để họ duy trì sản xuất, giữ lại lao động và rộng hơn là góp tay giải quyết vấn đề việc làm. Sau đấy, nếu tài khóa còn dư địa mới nên tính đến việc giảm tiền thuê đất đai, hỗ trợ lãi suất bằng ngân sách nhà nước.
Còn các loại hỗ trợ khác như thuế thu nhập không phù hợp và cũng không nên thực hiện chính sách hỗ trợ tràn lan đại trà, thiếu hiệu quả.
- Nhưng thưa ông, trong thời điểm bất bình thường nhiều nước vẫn chi cho các gói hỗ trợ lớn để phục hồi nền kinh tế?
- Thứ nhất, cần lượng hóa số tiền thực chi cả tài khóa và tiền tệ cho các gói hỗ trợ. Lượng hóa ở đây là bao nhiêu để từ đó xác định được quy mô gói hỗ trợ khoảng nào. Hiện nay mức thâm hụt ngân sách của Việt Nam khoảng 4% GDP/năm.
Nếu chúng ta so sánh với các nước trong khu vực và thị trường mới nổi, sẽ thấy các gói hỗ trợ kích thích kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19 thường khoảng 7-8% GDP. Như vậy, với mức chi cho các gói hỗ trợ kinh tế của Việt Nam hiện nay còn khiêm tốn, trong khi sự ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 không kém các nước. 
Tuy nhiên, điều tôi lưu ý ở đây là mức độ và bản chất thâm hụt ngân sách của ta và họ là khác nhau. Mức thâm hụt ngân sách của các nước tăng cao nhưng chỉ tung ra hỗ trợ kinh tế do dịch bệnh, còn ở những năm trước đó họ vẫn kiểm soát được ở mức thấp.
Còn Việt Nam hơi khác, bởi mức thâm hụt ngân sách của chúng ta diễn ra trong nhiều năm và luôn tiềm ẩn những nguy cơ mất cân đối tài khóa.
Thứ hai, Chính phủ cần nhất quán trong việc lựa chọn mục tiêu trọng tâm và đối tượng, lĩnh vực cụ thể của gói hỗ trợ kinh tế. Rất không nên hỗ trợ đại trà bởi sẽ không đúng và trúng, không tạo được lực đẩy cho nền kinh tế. Ở đây chính là câu chuyện khả năng hấp thụ gói hỗ trợ của nền kinh tế.
Do đó, sàng lọc và lựa chọn đối tượng hỗ trợ rất quan trọng. Chúng ta có thể rút kinh nghiệm từ bài học về triển khai gói hỗ trợ lãi suất đại trà nhưng đã không đưa lại hiệu quả như mong muốn năm 2009.
- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác