Gói hỗ trợ “kinh tế virus” nhìn từ Anh-Việt

(ĐTTCO)-Sự bùng phát trên diện rộng của virus đã kéo theo sự thay đổi về cuộc sống của người dân, phá hỏng mô hình kinh tế và đòi hỏi các Chính phủ và các tổ chức quốc tế phải tìm các cách hỗ trợ. Tháng 3 đã chứng kiến những thay đổi chưa từng có tiền lệ tại Anh cũng như tại Việt Nam, dẫn tới các gói cứu trợ khẩn cấp nhằm vực dậy nền kinh tế. 
Gói hỗ trợ “kinh tế virus” nhìn từ Anh-Việt
Tại Anh đây là cuộc khủng hoảng trầm trọng lần thứ 3 mà hai lần trước là năm 1989 và 2008. Lần này, mọi thứ rất khác: cả hai phía sản xuất và tiêu dùng của nền kinh tế đều bị ảnh hưởng.

Từ những gì xảy ra tại Anh…
Sau khi bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu, cơ quan phụ trách ngân sách đã dự kiến giảm thu ngân sách tại Anh. Hệ thống di dân mới dựa trên tính điểm cũng sẽ dẫn tới việc ít dân nhập cư hơn, và do vậy quy mô dân số nhỏ hơn và thu từ thuế cũng giảm.
Đầu tiên, sụt giảm giá dầu cũng là một đòn giáng mạnh vào ngân sách và kinh tế Anh. Sau khi thất bại trong việc đồng ý cắt giảm sản lượng trong khối OPEC + (bao gồm Nga), Ả rập Xê út đã quyết định tăng sản lượng dầu. Cuộc chiến giá dầu bắt đầu vào ngày 9-3, làm giá dầu giảm về 30USD/thùng. Điều này dẫn tới khó khăn cho các công ty dầu lửa niêm yết của Anh, chẳng hạn Premier Oil.
Tờ Thời báo Tài chính (FT) dẫn rằng hai thỏa thuận Biển Bắc của công ty này trị giá 900 triệu USD và giá trị tái đầu tư liên quan khoảng 2,9 tỷ USD đều dựa trên kỳ vọng giá dầu cao. 2 trong số 5 công ty lớn theo vốn hóa tại FTSE100 ở Anh là các ông lớn dầu mỏ. Do vậy các khoản thu ngân sách cũng giảm theo giá dầu, bởi các mức thuế Chính phủ áp dụng với khai thác dầu thô ở Biển Bắc đều dựa vào giá dầu.
Trên thị trường tài chính, đáng ra phải giữ vai trò dẫn dắt thì dường như ngân hàng Anh đã chậm chân. Ngày thứ Ba đầu tiên của tháng 3, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã cắt giảm lãi suất cho vay qua đêm repo 0,5% xuống vùng mục tiêu 1-1,25%. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2008 việc cắt giảm lãi suất được thực hiện ngoài cuộc họp định kỳ.
Ngày 11-3, ngân hàng Anh cắt giảm lãi suất cơ bản từ 0,75% xuống 0,25%. Và họ đưa ra một chương trình mới cho vay kỳ hạn dài với doanh nghiệp vừa và nhỏ, được tài trợ thông qua hoạt động nghiệp vụ tăng dự trữ cho các ngân hàng thương mại. Đây là chương trình kéo dài 4 năm với lãi suất thấp gần với lãi suất cơ bản. Chương trình này hỗ trợ khoảng 100 tỷ bảng.
Ngày 15-3, Fed cắt giảm lãi suất ngắn hạn thêm một lần nữa xuống vùng mục tiêu 0-0,25%, và thông báo kế hoạch mua khoảng 700 tỷ USD trái phiếu kho bạc và các chứng khoán thế chấp mua nhà. Ngân hàng Anh ngày 19-3 cắt giảm lãi suất xuống 0,1% và tăng giới hạn mua tài sản từ 435 tỷ bảng lên 645 tỷ bảng. 
Ngày 16-3, chứng kiến sự thay đổi lớn trong chiến lược ngăn chặn virus của Anh: chuyển từ khuyến cáo sang phong tỏa tự nguyện. Thủ tướng khuyến cáo tránh những hoạt động giao tiếp không cần thiết.
Nhưng đến ngày 23-3 việc phong tỏa đã không còn là vấn đề tự nguyện nữa. Những cửa hàng bán hàng không thiết yếu, các cửa hiệu bán quần áo và đồ điện tử cũng như thư viện, khu vui chơi, khu tập thể dục và nơi cầu nguyện bị đóng cửa. Việc tăng cường hạn chế giao tiếp trực tiếp cũng đồng nghĩa nhiều lĩnh vực kinh doanh dựa trên phục vụ đối mặt sẽ sụp đổ. Sau khi các nhà hàng, khu thể thao, câu lạc bộ và trường học bị đóng cửa, tác động đối với những người kinh doanh là rất đáng lo ngại.
Do vậy, vào ngày 17-3, Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak đưa ra chương trình bảo lãnh khoản vay trị giá 330 tỷ bảng và một khoản hỗ trợ 20 tỷ bảng thông qua giảm thuế, tài trợ và các hỗ trợ khác cho doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ đóng cửa. 
Mặc dù vậy, số tiền là quá nhỏ theo như tính toán của Viện nghiên cứu ngân sách và JP Morgan. Đáng chú ý, đây là gói hỗ trợ hướng vào lĩnh vực sản xuất. Một khoản vay không thể giải quyết vấn đề sụt giảm nhu cầu hay sự bất ổn trong chuỗi cung ứng hàng hóa. Bởi khi các doanh nghiệp đóng cửa, thất nghiệp gia tăng sẽ càng khiến ít người đi mua sắm, ngay cả mua sắm trực tuyến; rồi cả người lao động cũng cần được bảo vệ. 
Vào ngày 19-3, Bộ trưởng Tài chính thông báo chính phủ sẽ trả tới 80% lương cho khu vực tư nhân, tối đa 2.500 bảng/tháng, nhằm hạn chế việc sa thải nhân viên. Việc miễn thuế mặt bằng 12 tháng cho các doanh nghiệp trong các lĩnh vực bán lẻ, phục vụ nghỉ dưỡng, giải trí và mầm non cũng được áp dụng.
Chương trình trợ cấp cho lĩnh vực bán lẻ và phục vụ nghỉ dưỡng, cho phép các doanh nghiệp trong lĩnh vực này có thể xin hỗ trợ tới 25.000 bảng cho mỗi địa điểm. Các doanh nghiệp cũng được phép giữ lại các khoản thuế giá trị gia tăng phải nộp trị giá 30 tỷ bảng cho đến tháng 6. Đối với những người hưởng trợ cấp, họ được nhận nhiều hơn trước 20 bảng/tuần. 
Một chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ khác là cho vay gián đoạn kinh doanh vì virus… nhưng Chính phủ sẽ chỉ thực hiện cam kết bảo lãnh khoản vay nêu trên nếu họ tin rằng việc tiếp cận vay thông thường là không thể.
Các doanh nghiệp có doanh thu tới 45 triệu bảng/năm có thể xin vay tối đa 5 triệu bảng không lãi suất 12 tháng. Bất kỳ khoản vay nào trên 250.000 bảng sẽ phải được đảm bảo bởi tài sản công ty. Bên đi vay vẫn phải có trách nhiệm 100% với khoản vay. Chính phủ bảo lãnh 80% giá trị khoản vay nhưng chỉ 60% tổng số khoản vay thuộc chương trình theo từng ngân hàng.

Đến những gói hỗ trợ tại Việt Nam
 Gói hỗ trợ thông qua sự cam kết của các ngân hàng không phải là đơn giản. Thiếu một chính sách đồng nhất sẽ dẫn tới thực hiện khác nhau bởi các ngân hàng khác nhau, cạnh tranh không lành mạnh trong chính thị trường tín dụng trợ cấp. Nói cách khác, khi các ngân hàng tự quyết việc hỗ trợ tín dụng phù hợp với điều kiện của họ, nó không còn là chính sách của Chính phủ nữa. 
Chính phủ Việt Nam được đánh giá là đang thành công trong việc kiềm chế sự lây lan của virus với chi phí thấp. Chính phủ Việt Nam cũng đã sớm có chiến lược để hỗ trợ nền kinh tế trước ảnh hưởng của dịch bệnh, đặc biệt là sau khi dịch bệnh bùng phát tại Phương Tây và việc phong tỏa trở nên phổ biến.
Với nền kinh tế ngày càng mở, tỷ trọng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2019 đạt 517 tỷ USD, gần gấp 2,5 lần so với 10 năm trước đó, Việt Nam có lý do để lo ngại về ảnh hưởng của dịch bệnh đối với nền kinh tế nội địa.
Ngày 6-3, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị 11 với 7 giải pháp trọng tâm nhằm giúp doanh nghiệp vượt qua thời kỳ khó khăn do đại dịch. Đáng chú ý, gói tín dụng trị giá 285.000 tỷ đồng (xấp xỉ 10 tỷ bảng) trong đó 250.000 tỷ đồng do Ngân hàng Nhà nước triển khai tập trung vào việc cho vay mới với lãi suất thấp, cơ cấu nợ, giảm lãi suất cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng dịch bệnh, và khoảng 30.000 tỷ đồng do Bộ Tài chính chủ trì hướng tới việc giảm hoặc giãn thuế cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Đáng chú ý là gói tín dụng không phải là từ ngân sách nhà nước mà là do các ngân hàng thương mại tự cân đối phù hợp vào khả năng của họ. 
Ngày 16-3, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định hạ các mức lãi suất điều hành cơ bản gồm lãi suất tái cấp vốn (từ 6% xuống 5%), lãi suất tái chiết khấu (4% xuống 3,5%) và lãi suất cho vay qua đêm (7% xuống 6%). Lãi suất giảm được kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp có thể tiếp cận với nguồn vốn rẻ hơn phục vụ cho hoạt động kinh doanh đang có nguy cơ bị đình trệ.
Nếu thoạt nhìn các giải pháp của Chính phủ Việt Nam so với những gì được thực hiện bởi Chính phủ Anh trong việc hỗ trợ kinh tế, chúng tôi không nhận thấy có sự khác biệt đáng kể nào, bởi đó là những giải pháp kinh điển trong triển khai chính sách tiền tệ và tài khóa.
Cả hai nước đều hướng tới việc giảm mặt bằng lãi suất, cung cấp các khoản hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp với lãi suất thấp, và thực hiện việc giảm hoặc giãn thuế cho doanh nghiệp chịu tác động bởi dịch virus.
Tuy vậy, vẫn có những sự khác biệt nhất định trong cách tiếp cận, phản ánh đặc thù của từng nền kinh tế. Mặc dù chủ trương của Chính phủ Việt Nam là phù hợp và thực tế, nhưng việc triển khai các gói hỗ trợ thông qua sự cam kết của các ngân hàng thương mại không phải là đơn giản. Việc thiếu một chính sách đồng nhất cho tất cả các ngân hàng sẽ dẫn tới thực tế có nhiều gói hỗ trợ nhỏ hơn được thực hiện khác nhau bởi các ngân hàng khác nhau.
Khi các ngân hàng tự quyết việc hỗ trợ tín dụng phù hợp với điều kiện của họ, nó không còn là chính sách của Chính phủ nữa. Nói cách khác, các doanh nghiệp không được hỗ trợ một cách giống nhau sẽ dẫn tới tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong chính thị trường tín dụng trợ cấp, dẫn tới nhiều doanh nghiệp thực sự cần tiếp cận vốn lại bị hạn chế. Hay như việc thiếu một chính sách nhất quán giữa các ngân hàng có thể sẽ dẫn tới sự đầu tư quá mức dẫn tới rủi ro sau này ở nhiều doanh nghiệp.
Sự khó khăn của doanh nghiệp cũng đồng nghĩa với khó khăn của người lao động. Mất việc làm sẽ ảnh hưởng tới các vấn đề an sinh xã hội nói chung. Do vậy, chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng gói hỗ trợ tín dụng nên có một cấu phần cụ thể đối với việc cho vay trả lương cho người lao động nếu doanh nghiệp cam kết không sa thải họ.
Sở dĩ chúng tôi đề xuất như vậy bởi các ngân hàng Việt Nam vốn thường chỉ quen cho vay doanh nghiệp dựa trên các kế hoạch kinh doanh phát triển thay vì các hoạt động duy trì. Đồng thời, Chính phủ có thể hỗ trợ doanh nghiệp cam kết giữ việc làm cho người lao động thông qua việc miễn thuế, giảm thuế. Sự kết hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ khi đó sẽ giúp Chính phủ đạt mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng và đồng thời đảm bảo an sinh xã hội. 

-----------
(*) Các tác giả hiện tại là Phó Giáo sư và đồng sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Kinh tế Việt Nam – Anh Quốc tại Đại học Lincoln, Vương quốc Anh. Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của các tác giả.

Các tin khác