Gói hỗ trợ lần 2: Cần tiêu chí rõ ràng để người dân, doanh nghiệp dễ tiếp cận

(ĐTTCO)-Những tiêu chí, điều kiện hỗ trợ cần linh hoạt; Các thủ tục hành chính, hồ sơ, giấy tờ cần được thực hiện thông thoáng, nhanh gọn và không được “bắt bí” người dân, doanh nghiệp.
Cần nới lỏng tiêu chí và điều kiện cho vay để người dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận được gói hỗ trợ từ Chính phủ. (Ảnh minh họa)
Cần nới lỏng tiêu chí và điều kiện cho vay để người dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận được gói hỗ trợ từ Chính phủ. (Ảnh minh họa)

Đại dịch Covid-19 hoành hành trong nhiều tháng qua đã khiến hơn 30 triệu lao động Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hàng nghìn người lao động bị mất, giảm việc làm và tạm dừng làm việc. Tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.

Điều này cũng đồng nghĩa, thu nhập bình quân tháng của người lao động phi chính thức có mức giảm nhiều hơn so với lao động chính thức. Trong khi đó, những đối tượng này ít được tiếp cận các chính sách an sinh xã hội, không có bảo hiểm xã hội, ít có cơ hội việc làm thay thế…

Để hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do đại dịch, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 42 và Quyết định 15. Gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng là một chính sách kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong bối cảnh này.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc triển khai gói hỗ trợ đã và đang gặp nhiều thách thức, tỷ lệ giải ngân thấp. Bắt đầu triển khai từ tháng 5/2020 nhưng tính đến hết tháng 7 vừa qua mới giải ngân được 11,9 nghìn tỉ đồng, tương đương 12%, hỗ trợ cho gần 12 triệu người và gần 13.000 hộ kinh doanh.

Tính đến ngày 10/8, các địa phương đã phê duyệt danh sách gần 16 triệu người thuộc các nhóm đối tượng được thụ hưởng gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng. Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), việc hỗ trợ cho người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo các địa phương đã gần như hoàn thành nhưng hỗ trợ cho các nhóm đối tượng khác vẫn còn rất hạn chế, mới chỉ giải ngân được 17.500 tỷ đồng, bằng gần 30% của gói 62.000 tỷ đồng. 

Nguyên nhân là trong quá trình triển khai đã gặp nhiều vướng mắc, bất cập về giấy tờ, thủ tục, xác minh đối tượng… Do đó, Bộ đã có kiến nghị với Chính phủ sửa đổi Nghị định 42 và Nghị quyết 15 theo hướng nới lỏng điều kiện thụ hưởng từ gói hỗ trợ này.

Nhiều người lao động và doanh nghiệp cũng cho rằng, cần thiết nới lỏng điều kiện hưởng lợi từ gói 62.000 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Hữu Thành, Giám đốc Công ty cổ phần Kết nối châu Âu (Euro Link) chia sẻ, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, doanh nghiệp đã lâm vào tình cảnh hết sức khó khăn. Doanh nghiệp trông chờ nhiều vào gói hỗ trợ của Chính phủ, tuy nhiên, điều kiện và thủ tục quá ngặt nghèo nên không thể tiếp cận được. Hiện tại, toàn bộ nguyên vật liệu may mặc gần như cạn kiệt, các đơn hàng bên ngoài thì chưa ký kết được, không còn cách nào khác, công ty phải cắt giảm tới một nửa lao động. 

Tương tự, bà Phan Thị Thanh Xuân – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết, mặc dù gói hỗ trợ có từ nhiều tháng nay, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có doanh nghiệp da giày nào tiếp cận được gói hỗ trợ vì quá nhiều thủ tục rườm rà, phức tạp, làm mất thời gian của doanh nghiệp.

Bà Xuân mong muốn, để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp thì điều kiện xét duyệt thụ hưởng và thủ tục hành chính phải được cắt giảm bớt. Trong giai đoạn khó khăn này, rất mong nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ gói hỗ trợ trong đợt 2.

Gói hỗ trợ lần 2 do Bộ LĐ-TB&XH đề xuất đặt mục tiêu hướng tới doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh. Trong đó, ưu tiên doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, hợp tác xã và hộ kinh doanh, người lao động tại khu vực nông thôn. Dự kiến, kinh phí này hỗ trợ cho 10.000 cơ sở sản xuất kinh doanh với mức vay bình quân một tỷ đồng/cơ sở và 100.000 lao động với mức vay bình quân khoảng 50 triệu đồng/lao động.

Tuy nhiên, để gói hỗ trợ lần 2 thật sự có hiệu quả, theo các chuyên gia, cơ quan chức năng cần nghiên cứu và đề xuất các tiêu chí, điều kiện sát với thực tế để người lao động và doanh nghiệp tiếp cận được gói hỗ trợ.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho biết, hiện có 4 gói hỗ trợ đang được thực hiện nhưng vẫn chưa hiệu quả. Đó là gói 300.000 tỷ dành cho các ngân hàng, gói 180.000 tỷ dành cho thuế, gói 62.000 tỷ dành cho người lao động mất việc, gói 18.000 tỷ cho vay để giữ chân người lao động. Trong đó, gói 180.000 tỷ chưa giải ngân được đồng nào. 

Theo ông Hiếu, với những gói hỗ trợ mà chưa giải ngân hoặc giải ngân rất ít thì việc đầu tiên là phải tìm cách giải ngân những gói hiện tại trước khi có những gói mới. Với các gói hỗ trợ mới, cần rút kinh nghiệm từ gói hỗ trợ lần 1, phải thay đổi phương thức giải ngân, cần có “định nghĩa” rất xác đáng và chính xác về đối tượng được thụ hưởng. Đồng thời đưa ra những tiêu chí rõ ràng để các cơ quan chức năng có thể chấp thuận hỗ trợ cho từng đối tượng cụ thể, không nên “bắt bí” họ.

“Tiêu chí, điều kiện hỗ trợ cần linh hoạt, uyển chuyển, các vấn đề về hành chính như hồ sơ, giấy tờ cần được thực hiện thông thoáng hơn, nhanh gọn hơn để doanh nghiệp và người lao động có thể tiếp cận được.  Cùng với đó, những gói hỗ trợ này phải được thực hiện theo đúng mục đích và ý nghĩa nhân văn mà Đảng và Nhà nước đưa ra, đó là giúp đỡ, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, chứ không phải là tình trạng xin-cho hay doanh nghiệp đến để cầu cạnh, để được hưởng những gói hỗ trợ đó”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.

Các tin khác