Gói kích thích mới phải đủ liều, đúng trọng tâm

(ĐTTCO) -  Việt Nam đang đối mặt với làn sóng Covid-19 thứ 4 có cường độ mạnh, phạm vi lan rộng, tốc độ lây lan nhanh thời gian kéo dài và tác động tới nền kinh tế mạnh khôn lường. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp (DN) và người lao động (NLĐ) rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước để vượt qua khó khăn, thông qua các chương trình hay gói hỗ trợ từ ngân sách nhà nước (NSNN) hoặc có nguồn gốc từ NSNN. 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Gói 2020: Hỗ trợ hạn chế, rườm rà thủ tục
Trước khi đề xuất gói hỗ trợ mới phù hợp với diễn biến và tác động của Covid-19 năm 2021, chúng ta cần đánh giá lại các gói hỗ trợ đã thực hiện năm 2020. Ngày 4-3-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.
Ngày 8-4-2020, Chính phủ ban hành Nghị định 41/2020/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất. Tiếp theo, ngày 9-4-2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 qua gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng. 
Có thể thấy, Chính phủ đã ban hành các gói hỗ trợ DN và NLĐ gặp khó khăn do Covid-19 rất kịp thời ngay từ đầu quý II-2020. Đối tượng của các chính sách hỗ trợ này bao gồm cả DN và người dân, với phương thức gia hạn thời hạn nộp thuế đến cuối năm 2020, trong đó chú trọng những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, như DN sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển, sản phẩm cơ khí trọng điểm; DN nhỏ và siêu nhỏ…
Gói kích thích mới phải đủ liều, đúng trọng tâm ảnh 1
Bên cạnh đó, DN còn có gói cho vay tái cấp vốn qua Ngân hàng Chính sách xã hội để trả lương cho NLĐ mất việc làm khoảng 16.200 tỷ đồng. Người dân được nhận trợ cấp trực tiếp nếu bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, gặp khó khăn, không đảm bảo mức sống tối thiểu, và hỗ trợ thêm một số nhóm đối tượng đang hưởng chính sách ưu đãi, bảo trợ xã hội trong thời gian có dịch. 
Tuy nhiên, với những chính sách ban hành năm 2020, mức độ và thời gian hỗ trợ còn hạn chế. DN chỉ được gia hạn thuế và tiền thuê đất vài tháng đến cuối năm 2020, trong khi người dân chỉ được hỗ trợ tối đa 1,8 triệu đồng/người/tháng và không quá 3 tháng.
Đặc biệt, điều kiện, quy trình, thủ tục để được hưởng hỗ trợ của những chính sách này rườm rà, phức tạp, đôi khi không phù hợp thực tế, đã hạn chế khả năng tiếp cận của DN và người dân, đặc biệt với gói 16.200 tỷ đồng. 
Báo cáo kết quả triển khai chính sách hỗ trợ NLĐ mất việc làm và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh cho thấy, sau hơn 1 năm triển khai, gói an sinh hỗ trợ NLĐ, DN, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch mới giải ngân trên 13.100 tỷ đồng so với dự kiến tổng nguồn lực gói hỗ trợ NLĐ trên 61.580 tỷ đồng.
Tính đến cuối tháng 5-2021, gần 13,2 triệu người nhận được hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt trích từ NSNN, còn gói vay không lãi suất hơn 16.000 tỷ đồng hỗ trợ DN trả lương chỉ giải ngân 0,26% (245 đơn vị với số tiền 42 tỷ đồng). 
Gói 2021: Vẫn không đột phá
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định hướng dẫn thực hiện gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng cho NLĐ và chủ sử dụng lao động gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19. Theo đó, Chính phủ quy định hướng dẫn thủ tục đối với NLĐ có hợp đồng, theo hướng tiếp cận dễ dàng, thuận lợi hơn.
Đối với NLĐ tự do, Chính phủ giao các địa phương căn cứ vào điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách để xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ. Với DN, gói hỗ trợ theo Nghị định 52/2021/NĐ-CP đang được tiếp tục, với việc quy định gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất đến hết năm 2021; mở rộng thêm một số đối tượng ngành nghề sản xuất kinh doanh và đơn giản hóa một số điều kiện tiếp cận.
Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ này không có sự đột phá đáng kể. Còn NHNN vẫn tiếp tục cho phép gia hạn nợ vay và không thay đổi phân loại nợ đối với DN gặp khó khăn do Covid-19 với tổng dư nợ lên đến hàng trăm ngàn tỷ đồng. Trong khi đó, đến thời điểm này, dịch Covid-19 đã lan rộng toàn cầu và diễn biến rất phức tạp, để lại hậu quả nặng nề trên mọi mặt kinh tế, tài chính và xã hội.
Vì vậy, trọng tâm chính sách và chỉ đạo điều hành của Chính phủ năm 2021 nên tập trung toàn lực ngăn chặn dịch bệnh lây lan, đồng thời hạn chế tới mức thấp nhất ảnh hưởng của dịch bệnh, cả ảnh hưởng vật chất, tài chính lẫn tinh thần. Theo đó, nửa cuối năm 2021 việc hỗ trợ cần được xem xét theo tình hình thực tế.
Thứ nhất, Covid-19 không chỉ tác động trực tiếp đến các ngành dịch vụ còn cả các trung tâm công nghiệp và xuất khẩu. Do đó, cả khu vực dịch vụ (chiếm trên 42% GDP) lẫn công nghiệp (chiếm trên 40% GDP) đều cần hỗ trợ để vượt qua khó khăn và phục hồi tăng trưởng.
Thứ hai, Covid-19 không tác động trực tiếp và nặng nề tới khu vực công nghiệp và nông nghiệp như đối với khu vực dịch vụ, song ảnh hưởng tiêu cực là không thể phủ nhận. Gói hỗ trợ cần thiết kế dựa trên việc phân tích đánh giá chính xác toàn bộ tác động đến các yếu tố đầu vào, đầu ra của nền kinh tế và của từng DN, nhóm DN.
Thứ ba, bên cạnh gia hạn thuế, tiền thuê đất cần bổ sung ngay biện pháp miễn giảm thuế, phí và tiền thuê đất, đồng thời tăng thời gian gia hạn lên ít nhất 12-15 tháng. Cân đối lại NSNN năm 2021 và 2022 bao gồm cả nguồn lực và chi phí để phòng chống dịch, hụt thu do gia hạn, miễn giảm thuế, phí, chi hỗ trợ người dân, DN và khả năng tăng nợ công. 
Thứ tư, đơn giản hóa, thuận lợi hóa, thực tế hóa quy trình và thủ tục nhằm tăng khả năng tiếp cận của DN và người dân với các gói hỗ trợ, chấm dứt tình trạng giải ngân chậm, có tiền mà không tiêu được trong khi nhiều DN và người dân đang rất khó khăn.
Thứ năm, tiếp tục chính sách gia hạn nợ vay, đồng thời xem xét bổ sung biện pháp xóa nợ những trường hợp đủ điều kiện kết hợp với đề án xử lý nợ xấu. Đặc biệt, trọng tâm của kích thích kinh tế năm 2021-2022 là khu vực ngoài nhà nước, vì đó mới thật sự là cứu cánh vững chắc và hiệu quả nhất cho phục hồi và vượt qua đáy tăng trưởng kinh tế.
 Cần sớm ban hành gói kích thích kinh tế mới đủ liều lượng và đúng trọng tâm, trọng điểm để vực dậy nền kinh tế, tránh rơi vào mô hình tăng trưởng nhiều đáy. 

Các tin khác