Góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp hơn

(ĐTTCO)-Tiến tới Kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2017), giới làm báo cả nước vui mừng, bày tỏ niềm tự hào về sự lớn mạnh không ngừng của nền báo chí nước ta trên tất cả mọi phương diện, lĩnh vực truyền thông.
 
Góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp hơn
Đến nay cả nước có trên 850 cơ quan báo chí; trong đó có 199 cơ quan báo in và số lượng khá đông đảo các tạp chí, 105 cơ quan báo điện tử và 207 trang thông tin điện tử tổng hợp, 66 đài phát thanh - truyền hình... phản ánh mọi mặt đời sống xã hội. Thông tin trên báo được cập nhật hàng ngày, hàng phút với số lượng đội ngũ tác nghiệp đông đảo, 18.900 nhà báo được cấp thẻ hành nghề trên mọi miền đất nước, ở nước ngoài.
Đồng hành cùng công cuộc đổi mới, báo chí nước ta đã có nhiều đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; vươn lên mạnh mẽ thực hiện tốt chức năng vừa là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, vừa là diễn đàn của nhân dân; kịp thời thông tin, cổ vũ các phong trào, các điển hình tiên tiến trong công cuộc xây dựng đất nước, vừa phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân.
Đội ngũ những người làm báo đã thể hiện phẩm chất đạo đức trong sáng, xông pha hoạt động nghề nghiệp, khẳng định thành quả của công cuộc đổi mới; đồng thời tham gia tích cực cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí quan liêu và các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch; góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp hơn và thắt chặt tình hữu nghị, hợp tác nhiều mặt với bạn bè quốc tế.
Hoạt động báo chí được tiếp thêm sức mạnh do có sự chỉ đạo, tạo điều kiện, chia sẻ, đồng cảm của các ngành, các cấp. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đặc biệt quan tâm vấn đề chống tham nhũng, cho rằng báo chí phải tham gia tích cực hơn nữa về vấn đề này. Phát biểu tại hội thảo “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ thái độ “chia lửa” với báo chí, cho rằng cần phối hợp tốt hơn để công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiệu quả hơn.
“Cảm ơn các nhà báo đã tiếp lửa cho mặt trận trong công tác đấu tranh phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí và nhất định công tác này sẽ được tổ chức với chất lượng, hiệu quả cao hơn để gìn giữ tương lai tươi đẹp của đất nước. Giải báo chí về chủ đề này do MTTQ Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp phát động, đã thể hiện được vai trò giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, của nhân dân, của báo chí và công luận trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái trong cán bộ, đảng viên; cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh...”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.
Gửi gắm tình cảm, đồng thời gợi ý công tác báo chí - tuyên truyền, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ: “Cuộc đấu tranh chống tham nhũng vô cùng cam go bức xúc. Nếu chúng ta không quyết liệt làm sẽ làm giảm sút niềm tin của nhân dân. Nhưng vai trò của báo chí không chỉ là phát hiện vụ việc mà còn chỉ ra nguyên nhân tham nhũng, qua đó kiến nghị các giải pháp hoàn thiện thể chế, chính sách”.
Sau khi được phân công thêm nhiệm vụ mới, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đã đến thăm, làm việc với Báo SGGP, chỉ đạo: Đặc điểm TPHCM dân số đông, kinh tế phát triển, đóng góp ngân sách lớn, vì vậy sự ổn định về chính trị - xã hội, tạo niềm tin cho người dân, cộng đồng doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng.
Báo SGGP phải chuyển tải được các chủ trương, chính sách mới, các điển hình tích cực, đồng thời cũng chỉ ra những khó khăn, vướng mắc, yếu kém. Nhưng vấn đề là phải nêu được các giải pháp khắc phục chứ không phải là cái nhìn bế tắc và đen tối. Trên mặt báo phải tập hợp được các ý kiến, kiến nghị của đội ngũ chuyên gia, trí thức, người dân... để cơ quan quản lý, lãnh đạo các cấp thấy được những trăn trở của nhân dân để tìm hướng giải quyết.
Trước nhiệm vụ nặng nề và sự tin cậy của xã hội, đội ngũ những người làm báo cũng trăn trở trước nhiều bất cập, yếu kém của mình và cả các thách thức đang đặt ra.
Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2017 mới đây, Hội Nhà báo Việt Nam đã nhìn nhận những đóng góp to lớn, những tấm gương đáng tự hào trong hoạt động nghề nghiệp, nhưng cũng chỉ ra các biểu hiện tiêu cực ngày càng phức tạp và rất đáng lo ngại: Tình trạng báo chí bị thương mại hóa không những chưa bị ngăn chặn, đẩy lùi mà có xu hướng nghiêm trọng hơn, như thông tin sai sự thật, thổi phồng hoặc bóp méo sự thật vì mục đích không trong sáng; đăng tải nhiều hình ảnh, bài viết giật gân câu khách, thiếu văn hóa, nhân văn và phản giáo dục.
Một số cơ quan báo chí và nhà báo lạm quyền, lợi dụng công việc để vụ lợi và làm trái pháp luật... Điều này đã tác động xấu đến vai trò, uy tín của báo chí trong đời sống xã hội, làm suy giảm lòng tin của công chúng đối với báo chí, làm tổn hại lợi ích của đất nước và cộng đồng...
Vì vậy, nhiệm vụ trọng tâm trong năm nay của Hội Nhà báo Việt Nam là tiếp tục củng cố, xây dựng tổ chức, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của nhà báo.
Trước phiên chất vấn tại kỳ họp Quốc hội này, Bộ trưởng Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã có báo cáo gửi đến các vị đại biểu giải trình một số việc liên quan đến lĩnh vực của mình: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong xã hội và trong cán bộ, đảng viên có chiều hướng gia tăng. Lối sống ích kỷ, thực dụng, hưởng lạc, vô cảm có chiều hướng lan rộng. Xuất hiện nhiều hiện tượng tiêu cực, thương mại hóa trong hoạt động văn hóa. Bệnh sùng ngoại, coi thường giá trị văn hóa, chạy theo lối sống thực dụng, cá nhân đang gây tác hại đến thuần phong mỹ tục của dân tộc...”.
Báo cáo này không đề cập đến trách nhiệm của lực lượng báo chí, nhưng nhân ngày vui kỷ niệm ngày truyền thống nghề nghiệp 21-6, những người làm báo cũng cảm thấy băn khoăn, tự vấn và nhìn lại chính mình. Với chức năng, vai trò quan trọng của báo chí cách mạng, là người “tuyên truyền tập thể, cổ động tập thể và tổ chức tập thể”, cơ quan báo và mỗi người làm báo đã góp phần thế nào để đẩy lùi cái xấu, cái ác; cùng hướng tới việc xây dựng xã hội tốt đẹp hơn?

Các tin khác