Hạ tầng thông minh tương thích công dân thông minh

(ĐTTCO) - Để có được một thành phố thông minh (TPTM) cần có hạ tầng kỹ thuật hiện đại, được xây dựng trên nền tảng của công nghệ thông tin hiện đại và truyền thông đa phương tiện. Điều này được gọi chung là ICT, kết hợp với mức độ tự động hóa cực kỳ cao.

Hạ tầng thông minh tương thích công dân thông minh
Đòi hỏi chuyên môn cao, đạo đức
Chúng ta có thể hình dung không gian của TPTM được phủ kín bởi sóng và từ, trước hết là của mạng lưới điện toán đám mây bao phủ trên bầu trời TP tựa như một cái ô khổng lồ, sau đó là sóng và từ của hàng triệu cảm ứng, tia ảnh của hàng triệu camera được đặt khắp mọi nơi.
Đó chính là nguyên lý của “vạn vật kết nối”, tức toàn bộ TP được kết nối trong một hệ thống, vạn vật được nằm trong tầm điều khiển và kiểm soát, dù đó là cái cây, bóng đèn, van nước hay con người. Tuy nhiên, để cho hạ tầng kỹ thuật ICT đó hoạt động được người ta cần đến một hạ tầng xã hội tương thích, bao gồm thể chế chính trị, bộ máy vận hành và công dân.
Hạ tầng xã hội còn có một yêu cầu khác nữa cực kỳ quan trọng, nếu không muốn nói là quan trọng nhất. Đó là việc xây dựng đội ngũ chuyên gia thông thạo chuyên môn, có đạo đức công vụ cao, trung thành với lợi ích của nhân dân.
Phải có chiến lược phát triển con người, xây dựng hạ tầng xã hội để đảm bảo cho tất cả công dân là chủ nhân của TPTM. Các yếu tố về văn hóa, giáo dục, luật pháp… là nền tảng cơ bản để tạo nên những con người thông minh. Nếu không có hạ tầng xã hội thông minh, kế hoạch TPTM trở thành không tưởng.
Ông YUJI KOYAMA
chuyên gia hàng đầu của Nhật Bản
Ngày 24-11-2014, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã long trọng tuyên bố trước toàn thế giới bắt đầu tiến hành xây dựng nước này trở thành Quốc gia thông minh. Để xây dựng quốc gia thông minh, lãnh đạo Singapore đã chuẩn bị từ trước đó ít nhất 5 năm.
Việc chuẩn bị tích cực này không chỉ cho cơ sở hạ tầng công nghệ, quan trọng hơn là cho xây dựng hạ tầng xã hội. Họ hiểu rằng một quốc gia, một TP trở nên thông minh, trước hết phải có công dân thông minh, tức là người dân phải có được 3 điều tương thích căn bản: tích cực hợp tác, dân trí khả dĩ và tiềm lực kinh tế đủ đáp ứng yêu cầu. 
Hãy hình dung một chuyện đơn giản, một người già tham gia hệ thống y tế thông minh, trước nhất phải có tài chính để sắm các thiết bị kỹ thuật như camera có độ phân giải cao, con chip gắn vào cơ thể, các cảm ứng nhiệt, màn hình, đường truyền. Như thế vẫn chưa đủ, họ phải biết công nghệ thông tin, thành thạo sử dụng các thiết bị kỹ thuật dưới sự hướng dẫn từ xa của các bác sĩ.
Chính vì thế, Chính phủ Singapore đã cấp cho người cao tuổi của đảo quốc này mỗi người 600 đô la Sing để học cách sử dụng công nghệ thông tin. Chính phủ còn đảm bảo rằng tất cả công dân từ 12 tuổi trở lên đều có thể tham gia “Quốc gia thông minh”. 
Một hệ thống thông minh có thể bị phá sản một khi công dân bất hợp tác, hay một nhóm người vô ý thức. Thí dụ, những cảm ứng nhiệt, cảm ứng hóa học, cảm ứng âm thanh, hay camera gắn ở trục đường giao thông có giá tiền không rẻ, chỉ cần một vài người lấy đem bán đồng nát là gây ra hậu quả nghiêm trọng ngay.   

Lấy người dân làm trung tâm 
Để có được một TPTM, tất cả thông tin từ tổng quát tới từng công dân phải được thu về một đầu mối. Đó là một (hoặc vài) trung tâm tiếp nhận và xử lý thông tin cực lớn (big data), trung tâm đó chính là bộ não cực kỳ siêu (xử lý siêu tốc, dung nạp siêu lớn, phản ứng siêu nhanh).
Mọi thông tin của các chủ thể (công dân, công ty, cơ quan, lĩnh vực, khu vực) được tích hợp và luôn được cập nhật. Bởi nếu không có đầy đủ thông tin không thể ra được quyết định, hoặc ra quyết định sai sẽ gây hậu quả rất nghiêm trọng. 
Một thí dụ đơn giản nhất là khi bỏ hộ khẩu, có nghĩa là công dân có quyền tự do cư trú, làm việc ở bất cứ đâu, khi đó cơ quan quản lý công dân thông qua mã định danh (còn gọi là mã căn cước), chỉ cần một cái rê chuột là họ biết được tất cả thông tin về cá nhân đó, như học vấn, việc làm, thu nhập, lý lịch tư pháp, tình trạng hôn nhân…
Xây dựng TPTM, nếu chỉ dồn sức cho hạ tầng công nghệ-kỹ thuật thì có thể thất bại, hoặc thành công rất hạn chế. Bởi nói cho cùng, công nghệ thông tin, robot có thông minh đến mấy cũng chỉ là công cụ do chính con người sáng tạo ra, cái quan trọng hơn là một hạ tầng xã hội được tạo ra bởi những con người tử tế và đặt tử tế lên trên tất cả.
Thật chí lý khi Lý Quang Diệu phát biểu nhân ngày khai mở đầu cho chương trình Quốc gia thông minh: “Thông minh không phải được đo bằng sự phát triển của công nghệ, mà ở chỗ xã hội sử dụng công nghệ để xử lý các vấn đề phát sinh cũng như các thách thức gặp phải. Người dân là trung tâm của quốc gia thông minh chứ không phải là công nghệ”. 
Tuy nhiên, khi đã trở thành TPTM vẫn có rủi ro về việc rò rỉ thông tin có thể do lỗi kỹ thuật hay con người. Vừa qua nhà sáng lập ra Facebook là Mark Zuckerberg phải đối mặt với dư luận và pháp luật vì vô tình làm rò rỉ thông tin của 50 triệu tài khoản cá nhân, khiến cho thiệt hại không lường hết được.
Hay Malaysia cũng bị rung động bởi một số người làm việc trong 12 hãng viễn thông bán thông tin cá nhân của hơn 46,2 triệu người sử dụng điện thoại di động cho các đối tượng trục lợi, trong đó có liên quan đến những vụ tống tiền.
Ai dám chắc được toàn bộ kho dữ liệu của một TP, một quốc gia được bảo mật an toàn tuyệt đối suốt từ năm này qua năm khác? Ai dám bảo đảm được rằng những chuyên gia làm trong hệ thống đó đều là những người có đạo đức công vụ? Ai dám đảm bảo rằng hệ thống đó an toàn đến mức không một hacker nào xâm nhập được.
Nhiều người còn nhớ vụ 2 học sinh trung học mới 15 tuổi đã tấn công vào hệ thống webside của một loạt các sân bay Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Phú Quốc, Rạch Giá, Tuy Hòa khiến cho toàn bộ hệ thống này tê liệt từ ngày 8 đến 10-3-2017. Ở TPTM dường như tất cả mọi chuyện từ giao thông được “kế hoạch hóa”, “số hóa”, “lập trình tối ưu” bởi các chuyên gia lỗi lạc, chỉ cần họ vì lợi ích bản thân và “lợi ích nhóm” thì hậu quả sẽ không sao lường được. 

Các tin khác