Hải quan đề nghị “kiêm” luôn kiểm tra an toàn thực phẩm

(ĐTTCO) - Tại cuộc họp báo chiều 24-9 ở Hà Nội, Tổng cục Hải quan đã công bố đề án cải cách theo hướng hải quan sẽ làm đầu mối trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.

Chiều 24-9, Tổng cục Hải quan đã công bố “Đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”. Đây là một đề án mới. Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn, Bộ Tài chính cũng vừa trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt đề án này. 


Sở dĩ ngành hải quan có đề xuất thực hiện đề án này vì hiện nay, tỷ lệ hàng hóa được cắt giảm các thủ tục hành chính (có thể gọi là giấy phép con) vẫn còn quá ít so với yêu cầu.

Hải quan đề nghị 'kiêm' luôn kiểm tra an toàn thực phẩm ảnh 1Cuộc họp báo công bố đề án cải cách thủ tục hành chính dành cho hàng hóa nhập khẩu chiều 24-9 tại Hà Nội

Kiểm tra nhiều, phát hiện chẳng bao nhiêu

Cụ thể, hàng hóa nhập khẩu thuộc diện kiểm tra chuyên ngành vẫn đang còn nhiều. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 31-12-2019, vẫn còn khoảng 70.000 mặt hàng chịu sự điều chỉnh bởi các chính sách, quy định liên quan đến quản lý chuyên ngành và kiểm tra chuyên ngành. 

Số lượng mặt hàng được cắt giảm mới đạt 12.600 trên tổng số 82.698 mặt hàng là rất thấp (chỉ chiếm 15,2%), chưa đáp ứng yêu cầu, chỉ đạo của Chính phủ là phải cắt giảm được 50% hàng hóa thuộc diện quản lý và kiểm tra chuyên ngành vào năm 2018-2019.

Trong khi đó, trình tự, thủ tục và phương thức kiểm tra chưa thống nhất. Hiện nay, mỗi loại hình kiểm tra lại có trình tự, thủ tục khác nhau, không thống nhất giữa các bộ ngành, không thống nhất giữa luật và nghị định hướng dẫn. Doanh nghiệp vẫn phải thực hiện nhiều bước, làm thủ tục tại nhiều cơ quan, tổ chức. 

Còn tồn tại những quy định “quá mức cần thiết”, một số hàng hóa không có khả năng gây mất an toàn tại cửa khẩu, có thời gian kiểm tra lâu nhưng vẫn thuộc diện kiểm tra trước thông quan như thang máy, cần cẩu.

Mặc dù nhiều cơ quan cùng kiểm tra, thủ tục nhiều nhưng đáng lưu ý là tỷ lệ phát hiện vi phạm lại rất thấp. Tỷ lệ hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành trong những năm qua có xu hướng giảm dần từ khoảng 30% năm 2015 xuống chỉ còn 19,1% năm 2019. Tỷ lệ phát hiện lô hàng không đáp ứng chất lượng qua các năm chỉ có 0-0,03%. Còn tình trạng chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành.

Những tồn tại, bất cập này vẫn đang là gánh nặng cho doanh nghiệp; thủ tục quá nhiều khiến doanh nghiệp lãnh phí quá nhiều thời gian cho hoạt động thông quan hàng hóa.  

Vì vậy, Chính phủ đã có chỉ đạo tạo bước đột phá trong kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng Đề án cải cách kiểm tra chuyên ngành theo hướng cơ quan hải quan là đầu mối thực hiện kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu (ngoại trừ một số hàng hóa thuộc đối tượng kiểm tra, quản lý liên quan đến an ninh, quốc phòng, kiểm dịch, văn hóa; hàng hóa vừa thuộc diện kiểm dịch vừa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành khác do Bộ NN-PTNT quản lý; hàng hóa thuộc Danh mục kiểm tra nhà nước về chất lượng sau khi hàng hóa đã thông quan).

Hải quan đề nghị 'kiêm' luôn kiểm tra an toàn thực phẩm ảnh 2Đề án cải cách kiểm tra chuyên ngành xây dựng theo hướng cơ quan hải quan là đầu mối thực hiện kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu

Hải quan sẽ là đầu mối, kiểm tra chất lượng hàng hóa tại hiện trường 

Nội dung chính của đề án cải cách này là nhiều thủ tục kiểm tra theo mô hình mới sẽ được đơn giản hóa nhờ nguồn thông tin, cơ sở dữ liệu của người nhập khẩu được tập trung vào một đầu mối là cơ quan hải quan.

Theo đó, khi hàng hóa đủ điều kiện được áp dụng chế độ miễn kiểm tra chất lượng hoặc kiểm tra giảm thì hệ thống điện tử hải quan tự động cập nhật, người nhập khẩu không phải làm thủ tục xin miễn giảm như hiện hành; giảm nhiều giấy tờ trùng lặp giữa hồ sơ hải quan và hồ sơ kiểm tra chất lượng. 

Cơ quan hải quan là đầu mối tiếp nhận hồ sơ kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Hải quan sẽ kiểm tra hồ sơ, thực hiện kiểm tra bằng máy móc thiết bị tại hiện trường.

Áp dụng đồng bộ ba phương thức kiểm tra cho cả lĩnh vực chất lượng, an toàn thực phẩm để cắt giảm số lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra. 

Áp dụng kiểm tra theo mặt hàng để cắt giảm số lượng các lô hàng phải kiểm tra. Đặc biệt, đề án này đề xuất “mở rộng đối tượng được miễn kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm, với dự kiến có 18 nhóm đối tượng được bổ sung để giảm chi phí quản lý nhà nước và chi phí của doanh nghiệp. 

Các tin khác