Hàng hóa chuyển về TPHCM thế nào khi các chợ đầu mối tạm ngừng hoạt động?

(ĐTTCO) - Khi các chợ đầu mối tạm dừng hoạt động, hàng hóa về TPHCM sẽ đưa trực tiếp đến chợ truyền thống.
Hàng hóa dồi dào, phong phú tại một siêu thị ở quận 7. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Hàng hóa dồi dào, phong phú tại một siêu thị ở quận 7. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Chuyển hình thức giao dịch 

 Tối 6-7, Sở Công thương TPHCM cho biết đã tập trung kích hoạt các kịch bản, phương án tạo nguồn hàng thiết yếu, đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa với các giải pháp cụ thể. 

Về việc tạm dừng hoạt động các chợ đầu mối Hóc Môn, Bình Điền, ngày 6-7, Sở Công thương đã thông tin đến Sở Công thương 22 tỉnh, thành Đông - Tây Nam bộ, và đề nghị hỗ trợ thông tin đến các thương nhân trên địa bàn đang kinh doanh hàng hóa tại 2 chợ đầu mối này tạm ngưng vận chuyển hàng hóa vào chợ, tổ chức giao dịch, đưa hàng trực tiếp đến các chợ truyền thống. 

Đồng thời, Sở Công thương đã đề nghị UBND TP Thủ Đức, các quận huyện, ban quản lý các chợ đầu mối Hóc Môn, Bình Điền tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền đến các thương nhân, nhân dân trên địa bàn chuyển sang các hình thức giao dịch khác như tổ chức bán hàng qua điện thoại, trực tuyến, bán hàng theo đơn đặt hàng và các hình thức phù hợp khác nhằm giảm tiếp xúc trực tiếp, đảm bảo các biện pháp an toàn trong hoạt động mua bán hàng hóa.  

Bên cạnh việc tổ chức duy trì nguồn cung ứng hàng hóa từ các tỉnh, thành về TPHCM một cách an toàn, lưu thông thông suốt, đảm bảo nguồn cung hàng hóa ổn định cho thị trường TP, Sở Công thương tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường, vận hành ổn định chuỗi cung ứng hàng hóa gồm các kênh phân phối hiện đại và truyền thống...   

Bố trí vùng đệm giao dịch hàng hóa

Giám đốc Sở Công thương TPHCM Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, hàng hóa từ các tỉnh về TPHCM phải theo hướng dẫn của ngành giao thông, y tế để đảm bảo an toàn. TPHCM dự kiến bố trí 3 vùng đệm tại huyện Bình Chánh, huyện Củ Chi và TP Thủ Đức, để các chành hàng, chủ hàng trao đổi tài xế, tiếp tục vận chuyển hàng hóa.

Nếu không sẽ thực hiện lên xuống hàng hóa tại khu vực không tiếp giáp với khu dân cư, thực hiện được các yêu cầu giãn cách.

Về hệ thống phân phối, Sở Công thương TPHCM sẽ có thống kê theo từng quận huyện, TP Thủ Đức và thông báo về những điểm (chợ truyền thống, cửa hàng tiện ích, siêu thị hay các cửa hàng tạp hóa có cung ứng thực phẩm…) đang hoạt động cho người dân nắm.

Sở Công thương cũng phối hợp với Saigon Co.op, Satra, Vissan cùng các đơn vị phân phối hiện đại chuẩn bị phương án hỗ trợ điểm bán cho người dân, nếu địa phương có đề nghị.

Sở Công thương cũng chủ trì cuộc họp trực tuyến với sự tham dự của đại diện Sở GTVT, Sở Y tế TPHCM, UBND huyện Củ Chi; 3 chợ đầu mối Hóc Môn, Bình Điền, Thủ Đức; Sở Công thương, Sở Y tế, Sở GTVT tỉnh Tây Ninh và các đơn vị liên quan tại các đầu cầu.

Trên cơ sở ý kiến của các cơ quan, đơn vị, ngày 6-7, Sở Công thương ban hành văn bản đề nghị các công ty quản lý 3 chợ đầu mối Hóc Môn, Bình Điền, Thủ Đức nhanh chóng thực hiện việc lấy ý kiến, đăng ký lựa chọn phương án của các thương nhân và phương tiện vận chuyển hàng hóa từ Tây Ninh vào các chợ đầu mối để kịp thời tổng hợp, tổ chức triển khai thực hiện.

Các tin khác