Hàng hóa thiết yếu dồi dào

(ĐTTCO) - Chuẩn bị nguồn hàng hóa thiết yếu phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona (nCoV) gây ra, Sở Công thương TPHCM đã làm việc với hơn 200 hệ thống phân phối, doanh nghiệp (DN) sản xuất, chế biến thực phẩm. 
Hầu hết các đơn vị khẳng định nguồn hàng hóa thiết yếu được dự trữ rất dồi dào, đủ để cung ứng cho người dân đến hết năm 2020. 

Không có tình trạng khan hiếm hàng hóa

Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết ngay khi có thông tin về khả năng xảy ra nguy cơ khan hiếm hàng hóa thiết yếu tại hệ thống siêu thị, gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý người tiêu dùng, Sở Công thương đã làm việc nhanh với các hệ thống siêu thị phân phối trên địa bàn. 

Đại diện các hệ thống phân phối Saigon Co.op, Lotte, Megamarket, Emart, Vincomex, Satra… khẳng định hoàn toàn không có tình trạng khan hiếm hàng hóa. Nguồn hàng hóa thiết yếu như gạo, thịt chế biến các loại, hàng khô, bún, gia cầm, trứng… tại các kho hàng được duy trì tương ứng khoảng 500 - 600 tỷ đồng, đủ để cung ứng cho thị trường tiêu dùng trong 3 - 4 tháng. Trong trường hợp cần thiết, các đơn vị có thể gia tăng lượng hàng hóa thiết yếu dự trữ thêm 15% - 20%.

Đại diện Saigon Co.op cho biết thêm, đơn vị mở cửa các hệ thống siêu thị Co.opmart từ ngày mùng 2 tết. Đến ngày mùng 7 tết có ghi nhận sức mua tăng đột biến nhưng chủ yếu tập trung vào một số mặt hàng nhất định như mì gói, khẩu trang y tế, dung dịch rửa tay sát khuẩn… Các mặt hàng còn lại thì sức mua bình thường, thậm chí là thấp hơn những tháng khác trong năm. Việc có một số thông tin đưa khan hiếm hàng và các quầy kệ trống là do nhân viên chưa đưa hàng lên kịp, chứ hoàn toàn không có vấn đề về thiếu hàng hóa. 

Hàng hóa thiết yếu dồi dào ảnh 1Các hệ thống siêu thị khẳng định không thiếu hàng hóa thiết yếu. Ảnh: CAO THĂNG

Riêng với mặt hàng đang được đánh giá là sốt hàng trong những ngày qua là mì gói, Công ty Acecook Việt Nam khẳng định, hiện công ty đang sản xuất khoảng 3 tỷ gói mì/năm, trong khi công suất sản xuất tối đa là 4,5 tỷ gói mì/năm. Việc tăng công suất sản xuất chưa được tính đến vì sức mua chỉ tăng cục bộ trong một số ngày nhất định. Những ngày vừa qua rơi vào thời điểm các công ty nghỉ tết nên lượng hàng chưa cung ứng kịp. Còn trong tuần này, khi hàng loạt nhà máy đã chính thức hoạt động lại thì nguồn cung có khả năng dư. 

Thêm chương trình khuyến mãi để tăng sức mua

Hiện có khá nhiều DN sản xuất hàng hóa thiết yếu đang có lượng hàng tồn kho rất lớn từ trước tết, rất cần sự hỗ trợ để kích cầu tiêu dùng. Đại diện Vissan thông tin, thực phẩm chế biến các loại của công ty đủ để cung ứng đến tháng 3-2021. Công ty còn đang lo ngại tình trạng nghỉ học kéo dài của học sinh, sinh viên và người lao động chưa đổ về thành phố nhiều, các bếp ăn tập thể chưa hoạt động được… khiến lượng hàng tồn kho tăng.

Đại diện Công ty gạo Tấn Vương cũng chia sẻ, hệ thống kho của công ty hiện đang dự trữ 30.000 tấn gạo. Với sức mua như hiện nay thì phải đến cuối năm 2020 mới có thể tiêu thụ hết nguồn gạo này.

Trước tình hình đó, bà Nguyễn Huỳnh Trang cho biết, Sở Công thương sẽ làm việc với Sở Tài chính và các hệ thống phân phối đẩy mạnh chương trình khuyến mãi, giảm giá hàng hóa thiết yếu nhằm tăng sức mua trên thị trường, giúp DN giải phóng nhanh lượng hàng tồn kho. Sở sẽ làm việc với các công ty sản xuất và hệ thống phân phối để giảm giá hàng hóa ở mức 5% - 15%, tùy mặt hàng. Riêng với những mặt hàng thiết yếu không tham gia trong chương trình bình ổn cũng sẽ cam kết không tăng giá và không để xảy ra tình trạng thiếu hàng. 

Một vấn đề khác cũng được bà Trang nhấn mạnh là hiện đang có tình trạng phát sinh dịch cúm H5N1 trên gia cầm tại Trung Quốc. Do vậy, những DN chăn nuôi hoặc chế biến gia súc, gia cầm cần tăng cường công tác phòng dịch, tránh để phát sinh dịch bệnh. Trường hợp DN có nguy cơ thiếu hụt nguồn nguyên liệu sản xuất, cần chủ động kết nối sớm với Sở Công thương TP để được hỗ trợ kịp thời, tránh gây ảnh hưởng đến nguồn cung hàng hóa cho thị trường.

Đặc biệt, các hệ thống phân phối phải bố trí đầy đủ nhân viên túc trực tại kệ hàng để lên hàng kịp thời, tránh tình trạng để quầy kệ hàng bị trống, gây tâm lý hoang mang cho người dân, nhất là trong bối cảnh tình hình dịch nCoV đang diễn biến phức tạp.

Về mặt hàng khẩu trang và dung dịch rửa tay sát khuẩn, các hệ thống phân phối cũng khẳng định đã làm việc với nhà cung cấp và sẽ nhanh chóng đưa hàng vào hệ thống siêu thị. Đại diện hệ thống siêu thị Lotte cho biết, ngay trong tuần tới, công ty sẽ nhập về 500.000 hộp khẩu trang và 200.000 chai dung dịch rửa tay sát khuẩn.

Để tránh tình trạng gom hàng, gây thiếu cục bộ trên thị trường, siêu thị sẽ bán theo quy định: mỗi người được mua 2 hộp khẩu trang và một chai dung dịch rửa tay sát khuẩn. Còn đại diện Satra cho biết thêm, mỗi ngày hệ thống siêu thị cung ứng 40.000 - 50.000 khẩu trang và nước rửa tay.

Các tin khác