Hàng Việt gia tăng áp lực

(ĐTTCO) - Cơ cấu thương mại của Việt Nam và EU mang tính bổ trợ cho nhau khi Việt Nam xuất sang EU chủ yếu là nông sản, dệt may, da giày, trong khi nhập khẩu từ EU máy móc thiết bị, dược phẩm… 
Hàng Việt gia tăng áp lực
Vì thế, hàng hóa EU sẽ không cạnh tranh quá gay gắt với hàng Việt Nam ở thị trường nội địa khi EVFTA có hiệu lực. Tuy nhiên, cũng có một số ngành hàng của Việt Nam cần có sự chuẩn bị tốt hơn, vì khi thuế của nhiều mặt hàng về 0%, áp lực lên hàng sản xuất trong nước là không nhỏ. 
Đơn cử, mặt hàng dược phẩm Việt Nam hiện nhập khẩu rất lớn. Như năm 2019 Việt Nam đã chi khoảng 3 tỷ USD để nhập khẩu dược phẩm, trong đó nhập từ Pháp, Đức, Italia, Anh chiếm hơn 30% tổng lượng nhập khẩu. Khi EVFTA có hiệu lực Việt Nam sẽ loại bỏ thuế quan với khoảng 71% các sản phẩm dược phẩm, dược liệu và sẽ tiếp tục giảm thuế với các sản phẩm còn lại trong vòng 5-7 năm. Điều này sẽ tạo thêm áp lực cho DN dược nội địa. 
Lâu nay tâm lý thích sử dụng thuốc ngoại không chỉ ăn sâu vào tiềm thức người tiêu dùng, thậm chí cả nhiều bác sĩ. Chính vì thế dù có sản phẩm công ty dược nội sản xuất tốt, giá thành rẻ hơn nhiều nhưng vẫn chưa chiếm được cảm tình người tiêu dùng. Bên cạnh đó,việc ít DN Việt có thể đầu tư công nghệ theo tiêu chuẩn GMP Châu Âu (do chi phí đầu tư lớn), khả năng phát minh thuốc mới còn hạn chế, nên thuốc nội vẫn bị lép vế so với thuốc nhập khẩu. Với EVFTA, chắc chắn nhiều thương hiệu dược phẩm châu Âu sẽ đổ vào thị trường Việt Nam. 
Một số ngành hàng khác cũng sẽ trở thành đối thủ đáng gờm cho các DN trong nước là sữa và chăn nuôi. Hiện các sản phẩm chăn nuôi của EU xuất khẩu sang Việt Nam đang chịu mức thuế 10-40%. Khi EVFTA có hiệu lực thuế nhập khẩu thịt lợn đông lạnh sẽ về 0% sau 7 năm, thuế nhập khẩu các loại thịt lợn khác về 0% sau 9 năm. Riêng thịt gà được bỏ thuế nhập khẩu sau 10 năm. Thịt bò là mặt hàng được hưởng mức thuế giảm sớm nhất là sau 3 năm.
Nhiều người cho rằng thói quen của người Việt Nam khi sử dụng các sản phẩm chăn nuôi là thịt tươi nóng nên không lo cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu. Song điều này đang dần thay đổi khi sản phẩm nhập khẩu được sản xuất theo những tiêu chuẩn khắt khe, còn người tiêu dùng ngày càng lo ngại sản phẩm tươi trong nước không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Những năm gần đây dù giá các mặt hàng chăn nuôi cao do chịu thuế nhưng người tiêu dùng vẫn chấp nhận, nên khi giá giảm nhờ thuế giảm chắc chắn người tiêu dùng sẽ đón nhận nhiều hơn. 
 Logistics là ngành cũng sẽ tạo ra áp lực cạnh tranh cho DN trong nước. Các dịch vụ logistics có cam kết đáng chú ý trong EVFTA theo hướng mở cửa cạnh tranh hơn đáng kể. Hiện nay 2% DN nước ngoài đang nắm tới 80% thị phần logistics Việt Nam, trong khi quy mô DN logistics nội lại quá nhỏ nên áp lực cạnh tranh rất lớn.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập, ngành logistics Việt Nam sẽ đối diện với thách thức khi cạnh tranh với các đối thủ EU vốn rất mạnh về logistics, với các công ty đa quốc gia, đội tàu lớn hiện đại chiếm thị phần đáng kể trên thị trường logistics thế giới. Trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực logistics năm 2018 của WB, Đức ở vị trí đầu tiên, các nước EU chiếm 4 trong top 5 vị trí đầu bảng. Hiện nhiều DN logistics mạnh của EU đã hoạt động kinh doanh ở Việt Nam.
EVFTA mở ra những cơ hội cho xuất khẩu và ở chiều ngược lại giúp DN trong nước tiếp cận công nghệ máy móc hiện đại với giá thành tốt hơn. Đặc biệt, DN cũng sẽ được hưởng một môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng hơn theo các cam kết của EVFTA. Song EVFTA sẽ đặt ra những thách thức với một số ngành sản xuất, dịch vụ trong nước. Nếu chúng ta không chuyển mình, cải tiến ngay từ bây giờ thương mại tự do bóp chết sản xuất trong nước là điều khó tránh khỏi. 

Các tin khác