Hãy để người lao động về quê, cân đối lại nguồn nhân lực

(ĐTTCO) - Đảm bảo an sinh xã hội vừa là thước đo thực tế về tính hiệu quả chính sách hỗ trợ người dân của Chính phủ, vừa là yếu tố quan trọng nhất để người lao động (NLĐ) yên tâm ở lại đồng hành cùng doanh nghiệp (DN), địa phương phục hồi sản xuất và phát triển kinh tế.
Công an Đồng Nai phát thức ăn, nước uống cho người lao động trên đường về quê.
Công an Đồng Nai phát thức ăn, nước uống cho người lao động trên đường về quê.
Nên chấp nhận “xả áp” 
Khi kinh tế địa phương chưa mở cửa hoàn toàn, nhiều DN vẫn đang dè dặt, thậm chí chưa dám mở cửa tái sản xuất. Trong khi trước đó, việc làm và thu nhập không có, các biện pháp kiểm soát dịch bệnh ngặt nghèo kéo dài suốt nhiều tháng, buộc NLĐ từ các tỉnh thành phải trở về quê.
Đây là điều bình thường, tuân theo đúng nguyên lý lý thuyết của di dân trong xã hội học. Do đó, cần có cách tiếp cận vấn đề này ở phạm vi rộng hơn, để từ đó có được ứng xử và chính sách phù hợp.
Với TPHCM nói riêng và các tỉnh trong vùng trọng điểm kinh tế Đông Nam bộ nói chung, không phải là giữ chân lao động bằng mọi giá, mà giữ bằng cách nào khi sức người đã cạn và tiềm lực địa phương cũng có hạn. Rất nhiều tháng qua NLĐ đã phải vật lộn để sống khi TPHCM bị phong tỏa, kiểm soát chặt chẽ.
Câu hỏi đặt ra, 3-4 tháng qua kiểm soát nghiêm, việc làm không có, thu nhập không có, vậy lấy gì để giữ chân NLĐ ở lại, khi những yếu tố cần thiết nhất cho sinh hoạt để họ tái sản xuất lao động đã không còn.
Ở đây, vấn đề làm sao phải giải quyết được hài hòa bài toán cho cả 3 bên quyền lợi NLĐ, DN phục hồi sản xuất và phát triển kinh tế địa phương. NLĐ cần việc làm và thu nhập để ổn định đời sống, DN cần lao động để tái sản xuất hoạt động và địa phương gián tiếp qua 2 đối tượng này để khôi phục lại kinh tế.
Có ý kiến cho rằng Chính phủ cần thiết kế gói chính sách hỗ trợ mới cho DN và NLĐ để giữ chân họ ở lại. Điều này rất khó, ít nhất là trong thời điểm này. Giả sử bình quân mỗi tháng, 1 lao động cần 3-4 triệu đồng để chi tiêu, sinh hoạt, với hàng triệu lao động sẽ thiết kế gói hỗ trợ an sinh kiểu gì, ngân sách nào có thể bao quát hết.
Chưa kể nhu cầu cần lao động của DN cũng không nhiều như trước do chưa phục hồi hoặc đã tạm đóng cửa. 
Do đó, trong ngắn hạn để NLĐ trở về quê sẽ là giải pháp tối ưu lúc này. Bởi khi NLĐ về quê, việc làm vẫn không được như mong muốn, song ít nhất họ có được nơi để ăn ở.
Về phía TPHCM và các tỉnh thành phía Nam, đây có lẽ cũng là giải pháp giúp giảm bớt đi những áp lực về phúc lợi và an sinh xã hội trong thời gian trước mắt, sau nhiều tháng phải gồng mình lên chống dịch. 
Về dài hạn, có thể xem cuộc di dân khỏi TPHCM lần này như là quá trình tái phân bố lao động vùng miền, cũng như tái cơ cấu lao động cho DN và cho cả TP; cân bằng lại các yếu tố hạ tầng, dân cư, lao động sao cho hợp lý, trong đó lao động hướng đến chiều sâu (lao động có tay nghề, trình độ, chất lượng cao…).
Đối với các tỉnh thành có lao động từ TPHCM và các tỉnh Đông Nam bộ trở về, cần xem đây là nguồn vốn nhân lực quan trọng, là lao động cần để phát triển kinh tế địa phương. 

Cần giải pháp đồng bộ và dài hơi
Không nên xem hiện tượng di cư lao động là không bình thường để tìm cách ngăn cản, dù với lý do chống dịch. Bởi khi tiếp cận vấn đề ngay từ ban đầu không chính xác, tất yếu dẫn đến nhận thức và giải pháp sai lệch, không phù hợp.
Trong đợt lao động rời khỏi TPHCM lần này, họ chính là nạn nhân của hai lần bị đẩy. Lần thứ nhất là lực đẩy từ quê hương họ (các tỉnh thành không có cơ hội việc làm, thu nhập, thăng tiến…, thiếu lực hút), nên họ phải tìm đến TPHCM và các tỉnh thành Đông Nam bộ - nơi có lực hút (điều kiện việc làm, thu nhập tốt hơn).
Lần thứ hai, khi TPHCM bị dịch Covid-19 họ không còn việc làm và thu nhập, buộc phải trở về quê. Đó cũng là bi kịch của những lao động trước tác động của dịch bệnh, là quá trình “ra đi vì nghèo, trở về vì đói”.
Thực tế này cũng cho thấy sự chênh lệch, mất cân đối lao động vùng miền quá lớn. Sự mất cân đối này là hệ quả của cả chính sách quan tâm và đầu tư chưa thực sự tương xứng. 
Nhiệm vụ trước mắt đặt ra cho Chính phủ và các địa phương là phải chăm lo NLĐ. Nguồn nhân lực rất quan trọng, bởi chính họ đóng góp rất nhiều cho tăng trưởng, cho phát triển kinh tế.
Hiện nay, một số DN ở TPHCM có lao động rời đi sẽ  xảy ra tình trạng thiếu việc làm cục bộ trong thời gian ngắn. Song giai đoạn này dự báo sớm qua đi nếu bản thân DN vẫn tạo được hấp lực thu hút. Cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, những DN không thu hút được lao động thường là nhóm điều kiện làm việc, thu nhập cho NLĐ không đáp ứng được nhu cầu an sinh xã hội của họ.
Cũng không hẳn DN trả lương thấp, mà do điều kiện sinh hoạt ở TP nơi sinh sống và làm việc, họ không đủ trang trải so với điều kiện ở quê hương. Nhưng khi dịch bệnh qua đi, các biện pháp kiểm soát được nới lỏng, hoạt động kinh tế tạm trở lại cơ bản, chắc chắn lao động sẽ quay trở lại TPHCM làm việc. Bởi hấp lực từ TPHCM vẫn rất lớn và “hữu xạ tự nhiên hương”.
Về giải pháp, hiện nay TPHCM nên kết hợp cả 2 nhóm giải pháp. Một mặt, hỗ trợ NLĐ trở về quê, xem đây cách giảm tải cho TP khi vừa trải qua nhiều tháng phong tỏa chống dịch. Một mặt, tiếp tục làm tốt công tác phòng dịch.
Chỉ có khi dịch bệnh được kiểm soát về cơ bản, kinh tế dần mở cửa lại, khôi phục sản xuất, mới có thể tính đến việc đón lao động nơi khác quay trở lại. 
Đối với các địa phương có lao động từ TPHCM trở về, cần có những khảo sát để đánh giá lại thực trạng lao động, việc làm. Khảo sát có thể dựa vào dữ liệu khai báo y tế, tình trạng lao động, làm việc, từ đó xem nhu cầu của NLĐ như thế nào để có những nhóm giải pháp tương ứng.
Các địa phương có lao động trở về cũng nên nhận thức đây là nguồn nhân lực quý giá cho địa phương mình nên cần bố trí việc làm tại chỗ là tốt nhất. Có thể tìm kiếm giải pháp cho thị trường lao động với những chương trình việc làm như vay vốn, dự án khởi nghiệp tại nông thôn.
Cuộc di cư lao động lần này là dịp để cơ quan chức năng, lãnh đạo các tỉnh thành thay đổi tư duy chính sách về lao động. Tìm giải pháp để giải quyết vấn đề việc làm và thu nhập cho NLĐ, đảm bảo đời sống an sinh cho họ phải dựa trên việc giải bài toán tổng thể, không chỉ ở từng địa phương, hướng đến hài hòa, cân đối để tất cả các bên (NLĐ - DN - địa phương) cùng có lợi.

Các tin khác