Hãy hành động ngay

(ĐTTCO) - Trong rất nhiều kế sách được đề xuất tại Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam 2020 (VRDF 2020) diễn ra tuần qua, không thể không đề cập đến những gợi ý của bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương. 
Việt Nam cần đột phá về cải cách thể chế. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Việt Nam cần đột phá về cải cách thể chế. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Làm bánh khéo, chia bánh đều
Bà Kwakwa là người khá am hiểu về Việt Nam. Trước khi giữ cương vị Phó Chủ tịch WB năm 2016, bà từng là Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam. Trong nhiệm kỳ của bà tại Việt Nam, quan hệ đối tác giữa WB và Việt Nam đã tăng theo chiều sâu, phù hợp với những thách thức ngày càng phức tạp của nước thu nhập trung bình mới nổi. Đưa ra nhận định “Đừng bỏ lỡ một cuộc khủng hoảng”, trên bình diện toàn cầu, cuộc khủng hoảng Covid-19 đã có tác động tiêu cực chưa từng có đối với đời sống y tế, kinh tế - xã hội của nhân loại, dù khác nhau đáng kể giữa các quốc gia, bà Kwakwa cho rằng Việt Nam đã thể hiện khả năng chống chịu rất tốt trong thời kỳ đại dịch. Và đây chính là cơ hội để tiếp tục cải thiện tình hình. 
 Việt Nam đã thể hiện khả năng chống chịu rất tốt trong thời kỳ đại dịch. Chính phủ và DN hoàn toàn có khả năng đưa nền kinh tế tiến về phía trước một cách bền vững. 
Bà Victoria Kwakwa
Vấn đề là tận dụng cơ hội đó theo cách nào? Theo bà Kwakwa, mức độ tham gia của Việt Nam vào các chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực vẫn còn hạn chế và thấp hơn đáng kể so với một số nước cùng khối ASEAN như Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Philippines. Trong ngắn hạn, việc đa dạng hóa các công ty đa quốc gia phụ thuộc vào triển vọng phục hồi của các cơ sở sản xuất thay thế. Trong trung hạn, việc chuẩn bị tốt cho “tình trạng bình thường mới” của các chuỗi cung ứng là điều quan trọng. Trong dài hạn, Việt Nam cần thu hẹp khoảng cách về năng suất trên cơ sở phát triển kỹ năng, xây dựng năng lực nghiên cứu phát triển (R&D), cũng như đột phá về cải cách thể chế. 
“Tôi muốn đưa ra một công thức bánh (P.I.E) Trung thu cho thành công của Việt Nam. Công thức này bao gồm: một khu vực tư nhân sôi động và sáng tạo có mối liên kết chặt chẽ với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài - FDI (P), các thể chế hữu hiệu (I) và giáo dục có chất lượng (E)” - bà Kwakwa chia sẻ và bày tỏ hy vọng rằng tất cả mọi người đều nhận được “phần bánh” công bằng.
Chia sẻ về nhận định của bà Kwakwa, TS. Jacques Morisset, Chuyên gia kinh tế trưởng WB tại Việt Nam, gửi đến VRDF 2020 thông điệp “Đừng nhầm lẫn - Covid-19 là một cơ hội cho Việt Nam” trong chuỗi giá trị toàn cầu. Dẫn chứng câu chuyện một nhà đầu tư tại Việt Nam trong vòng 10 năm có sản lượng tăng gấp đôi nhưng nhân công giảm 40%, TS. Jacques Morisset khuyến nghị Việt Nam cần tập trung vào 5 giải pháp dài hạn. Trong đó, yếu tố hàng đầu là thúc đẩy giáo dục và đào tạo sau trung học, do Việt Nam cần có lực lượng lao động với năng lực tốt hơn.
Thứ hai, tập trung công nghệ mới, R&D, nhưng trên hết bắt kịp về công nghệ thông qua nắm bắt công nghệ mới từ các nhà đổi mới sáng tạo toàn cầu, bởi nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước hiện đang tụt hậu trong đổi mới sáng tạo và cải thiện chất lượng. Thứ ba, cần kết nối Việt Nam với các thị trường toàn cầu nhưng cũng cần cải thiện liên kết giữa các DN tại Việt Nam. Thứ tư, xóa bỏ các rào cản gia nhập và sự thiên vị dành cho các DNNN. Thứ năm, quan tâm đến khả năng chống chịu của môi trường để ứng phó với biến đổi khí hậu và cải thiện điều kiện sống.

Hành động để phục hồi tăng trưởng 
TS. Jonathan Pincus, Cố vấn quốc tế cao cấp, Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP), cho rằng Việt Nam vẫn hấp dẫn đối với các công ty đa quốc gia (MNE) đang tìm kiếm các nền tảng xuất khẩu chi phí thấp, do tiền lương ở Trung Quốc tăng và tranh chấp thương mại với Mỹ gia tăng. Tuy nhiên, đầu tư FDI mang lại lợi ích, nhưng cũng kéo theo chi phí. Do đó, Việt Nam cần tăng cường năng lực của DN trong nước nhằm thu được giá trị gia tăng từ các nhà xuất khẩu có vốn FDI. Muốn vậy, Việt Nam cần tập trung xây dựng chính sách công nghiệp và đầu tư cơ sở hạ tầng để xây dựng năng lực trong các ngành tăng trưởng bền vững.
Đại diện cho Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Thứ trưởng Trần Quốc Phương, cho biết giai đoạn tới Việt Nam sẽ chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu; ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, chuyển giao công nghệ, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. 
Để hỗ trợ DN không chỉ vượt qua thách thức trước mắt, còn thúc đẩy sự phục hồi nhanh hơn, bền vững hơn. Chính phủ đã ban hành Nghị định 114/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Nghị quyết 116/2020/QH14 của Quốc hội về giảm thuế thu nhập DN phải nộp của năm 2020 đối với DN, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác. Những DN có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng sẽ được giảm 30% thuế thu nhập DN phải nộp của kỳ tính thuế năm 2020. Bên cạnh đó là những giải pháp hỗ trợ trực tiếp cho người lao động. 
Trong khi đó, Bộ Thông tin - Truyền thông cũng vừa trình Chính phủ một hệ thống thúc đẩy DNNVV chuyển đổi số, theo hướng xây dựng ứng dụng để kết hợp toàn bộ các nỗ lực đang phân tán tại các bộ, ngành, như tư pháp, công nghệ, tài chính; khai thác chung hệ thống phần mềm kế toán DN đang phải mua từ các DN công nghệ. Nhiều cam kết về đổi mới, sáng tạo, chấp nhận thử nghiệm mô hình kinh doanh mới, xóa bỏ rào cản kinh doanh… tiếp tục được đưa ra trong các chương trình làm việc của Chính phủ.

Các tin khác