Hãy xem là cứu cánh, lấy ngắn nuôi dài

(ĐTTCO) - Việc cử nhân chạy xe ôm công nghệ đã trở nên khá phổ biến trong vài năm gần đây. Đặc biệt, khi dịch Covid -19 quét qua khiến doanh nghiệp gặp khó khăn, người lao động khó xin việc làm, chạy xe ôm càng được nhiều bạn trẻ lựa chọn. 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thực tế này đặt ra nhiều vấn đề cần bàn luận. Để làm rõ, ĐTTC đã trao đổi với ông TRẦN ANH TUẤN, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM. 

PHÓNG VIÊN: - Ông có suy nghĩ gì trước thực tế nhiều bạn trẻ sau khi tốt nghiệp cao đẳng, đại học thay vì tìm việc lại lựa chọn chạy xe ôm công nghệ? 
Ông TRẦN ANH TUẤN: - Trước hết phải khẳng định trong thị trường tự do hóa như hiện nay, người lao động có quyền lựa chọn nghề nghiệp để học tập và làm việc. Vấn đề là trong chọn nghề mình có hiểu mình, và trong chọn việc làm mình có nhìn thấy một sự nghiệp lâu dài hay không.
Cơ cấu thị trường lao động hiện nay việc làm rất nhiều,  nhưng việc làm ổn định có thu nhập tốt, nhất là với những bạn trẻ mới ra trường, còn hạn chế. Hầu hết các em sau khi tốt nghiệp do trình độ còn non nớt sẽ vào làm trong các DNNVV, hoặc siêu nhỏ với mức lương thấp. Nhiều ngành chuyên môn chỉ có mức lương 5-6 triệu đồng/tháng, ngành kỹ thuật cao hơn cũng chỉ 7 triệu đồng/tháng cho người mới. Lương thấp nhưng khi đi làm người lao động sẽ phải đối mặt với những áp lực về kỷ luật, công việc… khiến nhiều người cảm thấy chán nản, nghĩ rằng mình bị chèn ép. 
Trong bối cảnh ấy, sự xuất hiện của mô hình xe ôm công nghệ như Grab hay Gojeck… với những yêu cầu đơn giản, đã thu hút không ít người trẻ trong đó có những người tốt nghiệp cao đẳng, đại học. Người lao động chỉ cần có hiểu biết cơ bản về công nghệ là có thể tham gia.
Quan trọng hơn, họ có quyền thích thì làm (bật ứng dụng) không thích có thể nghỉ (tắt ứng dụng), không chịu áp lực từ bất cứ ai, thu nhập so với làm tại nhiều doanh nghiệp cũng cao hơn. Nếu những bạn trẻ chọn công việc này là làm thêm để lấy ngắn nuôi dài, rất đáng hoan nghênh. Nhưng nếu chọn đây là con đường mưu cầu cuộc sống, mong có thu nhập cao, đó là nỗi đau xót của xã hội. 
Bởi lẽ, ban đầu các em chạy có thể có thu nhập cao lại không chịu áp lực. Nhưng 5-10 năm sau nếu vẫn tiếp tục làm xe ôm công nghệ, tự các em biến mình thành những lao động phổ thông cấp thấp, thu nhập không tăng thêm, sức khỏe lại giảm, thậm chí có thể mất việc nếu có những thay đổi về công nghệ, chính sách… Như vậy quá đáng tiếc vì đã bỏ đi khoảng thời gian dài để phát triển giá trị nghề nghiệp mình đã học.
Chúng ta không bài bác công việc này, nhưng nó không dành cho những người có trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học. Vấn đề ở đây là các bạn phải nhìn xa trông rộng, vươn lên từ thấp đến cao. Người trẻ không nên ngộ nhận mà phải có trách nhiệm và nhận thức với bản thân mình. Và chúng ta cũng nên có trách nhiệm giúp người trẻ giải quyết ngộ nhận này. 
- Nếu nhiều người trẻ không thay đổi nhận thức chúng ta sẽ mất lực lượng lao động đáng kể và phải cạnh tranh gay gắt hơn với lao động nhập khẩu, thưa ông? 
- Thực tế số lượng lao động trẻ, nhất là những em tốt nghiệp cao đẳng, đại học… lựa chọn làm xe ôm công nghệ chiếm tỷ lệ thấp so với toàn bộ nguồn nhân lực trẻ (chỉ khoảng 3%). Người trẻ Việt Nam có nhiều khát khao, hoài bão vươn lên trong công việc, cuộc sống. Thực tế đã chứng minh những năm gần đây, nhiều bạn trẻ đã chọn con đường khởi nghiệp làm hướng đi cho mình với nhiều khát khao làm chủ, làm giàu cho bản thân và xã hội.
Chúng ta không thể lấy tỷ lệ nhỏ phủ lên tỷ lệ lớn nhưng cũng không coi thường, mà phải từng bước giáo dục tuyên truyền ý thức vươn lên, tính kỷ luật từ nhỏ, giúp giới trẻ có nền tảng nhận thức cho sau này. Từ đó chúng ta sẽ có lực lượng lao động có tính kỷ luật cao, chịu được áp lực trong công việc, có trách nhiệm với công việc và tương lai của mình. 
Về cạnh tranh với lao động nhập khẩu là điều hiển nhiên khi chúng ta mở cửa ngày càng sâu rộng. Hiện nay mức lương của Việt Nam còn thấp, nếu chúng ta có lương cao như Singapore hay Nhật Bản có lẽ lao động của mình sẽ phải chịu cạnh tranh gay gắt với lao động nhập khẩu chất lượng cao.
Hiện hầu hết là DNNVV thậm chí siêu nhỏ với mức đầu tư thấp nên phù hợp với lao động Việt Nam, nhưng 15-20 năm nữa mọi chuyện sẽ khác. Vì vậy vấn đề chất lượng nguồn nhân lực hết sức quan trọng. 
- Việc nhiều người trẻ phải làm trái ngành thậm chí không tìm được công việc là do chúng ta không có những chính sách việc làm thích hợp cho lực lượng lao động trẻ, thưa ông? 
- Thực tế ý kiến này không sai, nhưng phải nhìn nhận Nhà nước không thể lo hết cho tất cả mọi người được. Theo tôi mỗi người phải tự tìm cách vươn lên, không thể ngồi đợi cầm tay chỉ việc, nhất là với người trẻ. Về việc nhiều người nói chất lượng nguồn nhân lực hiện nay không đáp ứng được nhu cầu DN, cần thẳng thắn nhìn nhận giữa nhà trường và DN đang thiếu tính gắn kết. Việc đào tạo trong nhà trường còn mang nặng tính lý luận, nhưng bản thân DN, nhất là DN nhỏ cũng chưa có những chiến lược dài hơi cho sử dụng và đào tạo nhân sự, để từ đó có những chương trình liên kết với các trường.
Chưa hết, cũng có những quan điểm cho rằng việc hướng nghiệp hiện nay làm chưa tốt, nhưng tôi không nghĩ như vậy. Hướng nghiệp của chúng ta khá tốt, hiện các trường cao đẳng, trung cấp nghề đang thu hút được sự quan tâm của phụ huynh và học sinh. Với mỗi người trẻ khát khao học tập để có tương lai là hết sức đáng khen. 
- Xin cảm ơn ông.
 Những bạn trẻ đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học chọn công việc chạy xe ôm công nghệ làm thêm để lấy ngắn nuôi dài, rất đáng hoan nghênh. Nhưng nếu chọn đây là con đường mưu cầu cuộc sống, mong có thu nhập cao, đó là nỗi đau xót của xã hội. 

Các tin khác