Hiến kế để phát triển

(ĐTTCO) - Chỉ hơn nửa tháng nhận nhiệm vụ Bí thư Thành ủy TPHCM, ông Nguyễn Thiện Nhân đã có buổi gặp gỡ các đại biểu trí thức TP.
Hiến kế để phát triển
Bí thư đã lắng nghe tâm tư, nguyện vọng từ nhà khoa học các lĩnh vực, các chuyên gia nhằm ghi nhận những hiến kế, đề xuất xung quanh mục tiêu phát triển TPHCM. Bởi theo ông trí thức là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá của TPHCM, phải phát huy cao nhất, tốt nhất nguồn tài nguyên này. 

Đặt ra nhiều vấn đề còn chưa hợp lý trong quá trình xây dựng và phát triển TPHCM, ông nói: “Năm 1986, tỷ trọng GDP của TP so với cả nước là 22,4%, đến năm 2016 tỷ lệ này 22,7%. TPHCM là nền kinh tế lớn nhất cả nước, nhưng 30 năm qua tỷ trọng đóng góp này thay đổi không đáng kể.
Đó là điều phải suy nghĩ. Hay như đất cho phát triển công nghiệp, dịch vụ ở TPHCM chỉ chiếm tỷ trọng 6,8% trên tổng diện tích đất, nhưng tạo ra 99% GDP cho TP; trong khi đất cho nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp chiếm hơn 56%, nhưng chỉ đóng góp 1% GDP. 

Như vậy cứ 1 ha đất công nghiệp tạo ra 51 tỷ đồng giá trị gia tăng, còn 1ha đất nông nghiệp chỉ tạo ra được 55 triệu đồng giá trị gia tăng. Độ chênh này cực lớn (962 lần) là vấn đề cần tính toán lại hợp lý hơn”.

Trung ương đã xác định phải phát triển mạnh mẽ kinh tế tư nhân, như một động lực trong quá trình phát triển, đặc biệt là một đại đô thị như TPHCM. Bí thư Thành ủy TPHCM đã nêu ra vấn đề: “Đóng góp nhiều nhất cho TPHCM trong hơn 10 năm qua không phải là doanh nghiệp nhà nước (DNNN), cũng không phải là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) mà chính là doanh nghiệp tư nhân (DNTN). Bằng chứng tỷ lệ 65% đóng góp cho GDP cho TP là của DNTN, trong khi DNNN chỉ  đóng góp khoảng 20% và FDI đóng góp 15%.
Cho đến nay tỷ trọng vốn đầu tư nước ngoài vào TPHCM là 17,5%, thấp hơn tỷ lệ bình quân của cả nước 24,4% là vấn đề cần xem lại, tìm hiểu lý do tại sao khi mà thu hút đầu tư nước ngoài đã từng là điểm mạnh, là thương hiệu của TPHCM, nay đang kém đi. Do vậy các chuyên gia phải hiến kế để lãnh đạo TP gặp gỡ các nhà đầu tư nước ngoài lắng nghe, tìm câu trả lời cũng như bàn cách làm sao để nhà đầu tư hứng thú đầu tư vào TPHCM”.

Đến thăm Báo SGGP cuối tuần qua, dẫn chứng về mặt xã hội Bí thư cho rằng: Đặc điểm TPHCM có 10 triệu dân, kinh tế đang phát triển, đóng góp ngân sách rất lớn, nên sự ổn định về chính trị tạo niềm tin cho người dân và doanh nghiệp rất quan trọng. Do vậy báo chí cần đưa tin bài phản ánh những khó khăn yếu kém và vướng mắc, nhưng vần đề là nêu được các giải pháp khắc phục khả thi, chứ không bế tắc.
Lãnh đạo TP nỗ lực phát huy trí tuệ của các trí thức, chuyên gia, nhưng ý kiến của họ trên mặt báo phải làm sao để cơ quan quản lý, nhà khoa học và lãnh đạo TP thấy được  những trăn trở nhằm tìm cách giải quyết. Cách đây hơn 10 năm, TP duyệt cho 1 công ty chôn rác là hợp lý, còn hiện nay mỗi ngày TP có đến 9.000 tấn rác thì chỗ đâu mà chôn, nên áp lực chuyển sang xử lý bằng cách khác là điều không tránh khỏi.
Cứ thử hình dung kinh tế phát triển, mức sống nâng cao thì mức thải rác mỗi ngày càng lớn. Năm 1996 mỗi người thải ra 600gr rác mỗi ngày,  nay lên đến 1kg và dự báo đến năm 2025 mỗi người thải 1,2 - 1,3kg, đó là chưa tính đến dân số mỗi ngày một tăng. Hiện nay TP đang tìm một nhà đầu tư có công nghệ xử lý rác 3 không: không khói, không mùi, không nước thải do người Việt Nam nghiên cứu hơn 14 năm nay để hợp tác triển khai. Mặc dù ngắn hạn có thể khó khăn, nhưng TP thấy điều đó tốt cho việc chung.

Nói về vấn nạn đề kẹt xe, Bí thư cho biết, nhìn trên bình diện chung không thể xử lý ngắn hạn được, bởi người dân TP ngày càng khấm khá càng mua nhiều xe. Năm 1996 bình quân 10 người dân ở TP có 3 người có xe, trong đó xe máy là chính, còn nay 10 người có 10 xe, thậm chí có thêm xe hơi. Đến năm 2025, có thể 2 người 3 xe gồm 2 xe máy 1 xe hơi.
Do đó, nếu không có dự báo sẽ không thể ứng phó kịp. Hay như hiện TP cứ bình quân trên km2 có 4.000 người sống, còn cả nước chỉ 320 người. Như vậy nhu cầu đi xe trên km2 gấp 14 lần nơi khác, cùng với đó dân cư TP ngày càng tăng trong khi đường sá không tăng là một áp lực. Trước mắt ngắn hạn trong khả năng sẽ điều tiết giao thông để chống kẹt xe, ghi nhận lưu lượng xe từng thời điểm để thông báo cho người dân tránh kẹt xe. Về dài hạn cần quy hoạch giao thông hợp lý cho TPHCM.

Phân tích vấn nạn ngập nước Bí thư nói: Thực tế nước ở TP có nhiều cơ quan quản lý, trong khi nước lúc lên lúc xuống. Như nông nghiệp muốn nhiều nước để tưới, giao thông thủy muốn tàu thuyền chạy tốt cần nhiều nước, thoát nước đô thị cần nước càng thấp để nước trong đô thị chảy ra, tài nguyên môi trường muốn xử lý nước thải cho sạch.
Do đó, muốn không ngập phải xác định chiến lược và phải có bên ưu tiên. Vấn đề là cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý, cần ngồi lại với nhau để khắc phục; các nhà quản lý, nhà khoa học góp phần dự báo từ xa để xây dựng lộ trình xử lý…

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân mong muốn, đặt hàng các tri thức, các nhà khoa học, các chuyên gia cùng vào cuộc hiến kế để phát triển. 

Các tin khác