Hiệp định Thương mại tự do EVFTA: Mừng và lo

(ĐTTCO) - Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã được Nghị viện châu Âu (EP) phê chuẩn. Điều này sẽ mở ra nhiều cơ hội về hợp tác, xuất khẩu cho Việt Nam, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi Việt Nam phải từng bước thay đổi cấu trúc nền kinh tế để thích ứng.

Mục tiêu phải sát thực tế
Với việc thông qua này, các FTA thế hệ mới sẽ xóa bỏ hơn 99% dòng thuế theo lộ trình, tạo thuận lợi cho các mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu sang thị trường EU, như dệt may, da giày, nông, thủy sản, đồ gỗ. Ngoài ra, kỳ vọng thông qua EVFTA, xuất khẩu của Việt Nam dự kiến tăng thêm 20% trong 2 năm tới.
 Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong giai đoạn 2010-2018, xuất khẩu của Việt Nam sang EU chiếm khoảng 16-19% tổng kim ngạch xuất khẩu. Theo số liệu ước tính, tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam sang EU trong năm 2017 là 18% và năm 2018 là 17%. Như vậy, muốn tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 20%, xuất khẩu của Việt Nam sang EU phải tăng trên 200%. Đây là con số rất lớn, với thực trạng năng lực sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam hiện nay, công bằng mà nói rất khó thực hiện ngay được.
Hiện nay, xuất khẩu của Việt Nam cơ bản là hàng điện tử, máy tính, linh kiện, điện thoại… chiếm hơn 40% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đối với những sản phẩm này, hiện tại Việt Nam cơ bản vẫn chỉ là sản xuất mang tính chất gia công lắp ráp.
Hiệp định Thương mại tự do EVFTA: Mừng và lo ảnh 1 Ngành dệt may hưởng lợi từ EVFTA là có, nhưng nền kinh tế Việt Nam có lợi từ EVFTA hay không cần phải có những giải pháp cụ thể. Ảnh: LONG THANH
Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, năm 2019 sự phát triển mạnh mẽ của khu vực kinh tế trong nước trong lĩnh vực xuất khẩu, với tốc độ tăng trưởng cao hơn rất nhiều tốc độ tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), nhưng khu vực FDI vẫn chiếm tới gần 70% tổng kim ngạch xuất khẩu. Cụ thể, khu vực kinh tế trong nước đạt 82,10 tỷ USD, tăng 17,7%, chiếm 31,2% tổng kim ngạch xuất khẩu; trong khi khu vực FDI đạt 181,35 tỷ USD, tăng 4,2%, chiếm 68,8% (tỷ trọng giảm 2,5% so với năm trước).
Đáng lưu ý, theo nguyên tắc thường trú khi tính toán GDP, toàn bộ công lao động và thặng dư sản xuất của doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm này được tính vào GDP, nhưng thực chất phía Việt Nam được hưởng rất ít trong giá trị xuất khẩu các sản phẩm này. Phần giá trị Việt Nam thực sự được hưởng có chăng chỉ là chút công lao động (trong khi công lao động của người Việt cực kỳ thấp, 1 quản đốc người nước ngoài bằng lương của 20 lao động Việt Nam).
Về bản chất, xuất khẩu của khu vực FDI là xuất khẩu của nước chủ sở hữu các doanh nghiệp FDI, họ mượn Việt Nam để xuất khẩu sang những nước thứ 3, hoặc sang chính nước chủ sở hữu do Việt Nam cho họ sự ưu đãi đặc biệt về đất đai, thuế, chính sách... Hoặc nếu hàng hóa do khu vực FDI sản xuất ra được bán tại Việt Nam thực chất là họ xuất khẩu sang Việt Nam. Trong khi đó, lợi nhuận từ phương thức xuất khẩu này cao hơn so với phương thức họ sản xuất ở chính quốc rồi xuất khẩu theo cách truyền thống qua Việt Nam, do tận dụng được ưu đãi và giá nhân công rẻ.
Do đó, đứng về mặt sản xuất, doanh nghiệp trong nước giống doanh nghiệp FDI là đều sản xuất gia công. Hai thành phần kinh tế này chỉ khác nhau điều cơ bản là doanh nghiệp FDI có thể giữ khoản lợi nhuận lại để tái đầu tư, hoặc có thể chuyển tiền về nước (nhìn từ số liệu chi trả sở hữu con số này là rất lớn, khoảng 18 tỷ USD). 

Kinh tế mất cân đối
Điều trớ trêu là sau nhiều năm, dù đã chỉ rõ sự mất cân đối và cần điều chỉnh, song tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn đang phụ thuộc rất nhiều vào khu vực FDI. Điều này cho thấy nghịch lý: phải chăng càng tăng trưởng GDP càng khiến nguồn lực của nền kinh tế bị bào mòn? Thêm vào đó, khi tính toán từ bảng cân đối liên ngành của Việt Nam, cho thấy đầu tư của khu vực FDI và xuất khẩu hàng hóa hầu như lan tỏa đến thặng dư của chính họ, rất ít khi lan tỏa được đến khu vực trong nước.
Điều này cũng đang đặt ra những câu hỏi cho giới quan sát và phân tích kinh tế, rằng dường như có “hai nền kinh tế song song tồn tại” trong nền kinh tế Việt Nam, và các khu vực kinh tế trong nước và FDI dường như độc lập trong nền kinh tế Việt Nam?
Năm 2019, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết 50 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Trong đó xác định chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Đây là tín hiệu đáng vui hơn các FTA, nhưng để nghị quyết đi vào cuộc sống cần được thể hiện bằng luật. Đây là điều Việt Nam phải sớm hoàn thiện trong thời gian tới.
Ngoài ra, một điều đáng lưu tâm là khi FTA thế hệ mới EVFTA được thông qua, cũng đồng nghĩa với việc sẽ xóa bỏ hơn 99% số dòng thuế theo lộ trình. Điều này sẽ khiến các loại thuế liên quan đến hàng nhập khẩu giảm, ảnh hưởng không nhỏ đến thu ngân sách. Câu hỏi đặt ra là Việt Nam cần làm gì để bù đắp vào khoảng trống trong thu ngân sách này, và người dân có phải “cõng” thêm khoản thuế cho hội nhập không? 
Thực tế từ nhiều năm nay cho thấy, trong khi xuất khẩu dù làm tăng GDP nhưng người dân và cả Chính phủ về cơ bản đã không được hưởng lợi nhiều do xuất khẩu, về cơ bản là “xuất khẩu hộ” nước khác. Đây đang là bài toán khó của nền kinh tế vẫn chưa tìm ra lời giải. 
Việt Nam muốn hưởng lợi, hay cụ thể hơn là để người dân Việt Nam thực sự hưởng lợi từ các FTA thế hệ mới như EVFTA, cần phải có những biện pháp cụ thể, hài hòa và thiết thực đối với cấu trúc ngành, cấu trúc về sở hữu và cách thu hút FDI.

Các tin khác