IFC tại TPHCM - Đường đến còn xa

(ĐTTCO) - Cuối tuần qua, UBND TPHCM đã tổ chức Hội thảo “Đề án phát triển TPHCM thành Trung tâm tài chính quốc tế - IFC”, nhằm lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia để ban soạn thảo tiếp tục hoàn thiện đề án. Song từ quan điểm góp ý cho thấy, để tiến đến một IFC Việt Nam đặt tại TPHCM vẫn còn một quãng đường dài.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Bài toán thể chế
TS. Trương Văn Phước, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nói hóm hỉnh nhưng ẩn chứa trong đó là một góp ý nghiêm túc: “TPHCM nên sửa tên đề án là xây dựng IFC quốc gia có hộ khẩu tạm trú tại TPHCM”. IFC của Việt Nam đặt tại TPHCM sẽ là nơi chứa đựng những quy phạm pháp luật mới về tài chính. Cũng tức là xây dựng IFC này phải là trách nhiệm của tất cả Bộ ngành Trung ương. Các Bộ ngành phải vào TPHCM, cùng TP xây dựng tại đây.
Nhấn mạnh vào vấn đề đó TS. Phước muốn dẫn dắt đến điểm quan trọng thứ hai là phải sửa lại luật lệ về tài chính hiện nay. Một IFC vận hành hiệu quả gói gọn trong hai vấn đề: thể chế tài chính và hàng hóa tài chính. Ở Việt Nam, nếu như không thay đổi thể chế tài chính sẽ không ra được IFC, vì thể chế tài chính là nơi mở cửa cho các tài sản tài chính và hàng hóa tài chính. Nếu thể chế không cho phép tồn tại hàng hóa đó, dịch vụ tài chính đó làm sao trở thành IFC?
Câu chuyện thể chế trở thành tâm điểm trong cuộc họp nói trên khi phát biểu của các chuyên gia kinh tế hàng đầu đều nhắc đến nội dung này bằng cách này hay cách khác. Không thể phủ nhận chúng ta đã có những bước phát triển đáng kể, nhưng nếu so với thế giới Việt Nam vẫn đang có khoảng cách quá xa về mức độ hội nhập, những tiêu chuẩn thông lệ quốc tế, quy mô thị trường tài chính…
Do đó, áp lực thể chế đột phá vượt trội có khả năng cạnh tranh quốc tế là điều cần thiết, để khi hình thành IFC Việt Nam tại TPHCM có thể cạnh tranh với các trung tâm tại Hồng Kông, Singapore, Dubai… Một IFC phải có tính cạnh tranh mới hút được dòng vốn chạy vào. “Chừng nào chúng ta không chuyển đổi được VNĐ, chừng đó sức cạnh tranh của IFC chưa có. Không chuyển đổi được VNĐ, tính cạnh tranh vô cùng thấp. Và đó là một trong các vướng ở vấn đề thể chế hiện nay, bởi chính sách tiền tệ lại chưa sẵn sàng cho điều này” - TS. Phước nhấn mạnh.
TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế cũng đặt vấn đề làm sao các chính sách thu hút được đầu tư của các quỹ đầu tư, các định chế tài chính quốc tế tầm cỡ để có những sếu đầu đàn vào đây. Băn khoăn là vì có những điểm vướng về chính sách, vướng rất nhiều luật mà chỉ có Quốc hội mới quyết được. Hiện TPHCM đang nỗ lực hoàn thiện đề án để trình Bộ Chính trị, để sau đó giao cho Quốc hội và Chính phủ triển khai các lĩnh vực nghiên cứu và mở ra cơ chế phù hợp hơn. 
Song TS. Trương Văn Phước lại cho rằng, thay đổi đồng loạt thể chế rất khó, vì vậy nên học tập Singapore. Singapore nhìn vào sản phẩm trên thị trường vốn và thị trường tiền tệ của các IFC quốc tế hàng đầu, từ đó chọn ra sản phẩm. Việt Nam cũng nên vậy, chẳng hạn trong 500 sản phẩm chọn ra 200 sản phẩm và đối chiếu luật lệ hiện nay, 200 sản phẩm đó có thể tồn tại không, nếu không thì ai là người sửa luật, để từ đó có thể chế phù hợp. Nói tóm lại, để đề án có hiệu quả cần có trách nhiệm, trách nhiệm là của cả nước cùng với TPHCM cải cách thể chế hiện nay. 
Tạo ra nét riêng bằng công nghệ tài chính có dễ?
Vấn đề tiếp theo cũng giống như các hội thảo bàn về nội dung này đã từng diễn ra trong 2-3 năm trở lại đây, việc xây dựng một IFC được các chuyên gia nhấn mạnh không phải là những tòa nhà chọc trời, các trụ sở san sát nhau như quan niệm truyền thống, bởi trong bối cảnh công nghệ số đang ngày càng chiếm lĩnh thị trường tài chính. 
Cụ thể, TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nói, xây dựng IFC phải đặt trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0, NH số, công nghệ tài chính (fintech) và xu thế cạnh tranh giữa NHTMCP truyền thống với các fintech đang phát triển rất nhanh. IFC này phải đi tắt đón đầu vào NH số, dùng fintech xây dựng NH số, hoặc dùng fintech kết hợp với NH truyền thống để xây dựng NH số.
Như vậy mới có thể tạo nên nét riêng có của IFC đặt tại TPHCM. TS. Lê Xuân Nghĩa cũng đồng tình, đề án này cần phải có trụ cột để có động lực đi lên. Trụ cột thứ nhất là tài chính, thứ hai là NH số và fintech, thứ ba là giao dịch phái sinh vàng, hàng hóa. TPHCM bám chặt ba trụ cột đó để đưa ra lộ trình làm gì, cũng như sẽ có đề xuất để hóa giải các vấn đề pháp lý cản trở trong từng giai đoạn như thế nào. 
Thực chất, đổi mới công nghệ trong dịch vụ tài chính đã phát triển nhanh chóng trong thập niên vừa qua, trong đó có rất nhiều đổi mới mang tính phá vỡ vượt ra khỏi khuôn khổ pháp lý hiện hành, làm thay đổi cấu trúc thị trường, xuất hiện các mô hình kinh doanh và doanh nghiệp mới. Theo đó, nhiều nước đã nắm bắt cơ hội để xây dựng thành công các IFC theo hướng fintech hub (trung tâm fintech). TPHCM cũng có lợi thế là đang có một hệ sinh thái fintech sôi động nhất Việt Nam, có thể phát triển song song cả truyền thống và công nghệ. 
Nhưng để đẩy mạnh fintech đi cùng IFC cũng trở lại bài toán chính sách. Đơn cử theo PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Luật, cần hoàn thiện luật pháp về đầu tư mạo hiểm để hấp dẫn nhà đầu tư và khởi nghiệp fintech, ưu đãi về thuế cho các nhà đầu tư thiên thần… Đồng thời, cần cam kết chính trị của Chính phủ và TPHCM cho định hướng phát triển fintech như là một phần của kế hoạch phát triển IFC.
Chính phủ cần trao quyền cho TPHCM chủ trì áp dụng khung pháp lý thí điểm (sandbox) cho IFC đặt tại TP.HCM dưới sự hỗ trợ/giám sát NHNN và các Bộ. Và một yếu tố nữa cũng không thể bỏ qua là sandbox cho các hoạt động liên quan đến tiền mật mã. Trong khi đó, các vấn đề sandbox cho fintech đã được đề cập đến từ rất lâu nhưng đến nay vẫn còn nửa vời.
Như vậy các đề xuất tại hội thảo này liên quan đến các vấn đề như thể chế, hạ tầng hay công nghệ… đều hợp tình, hợp lý. Tuy nhiên, như nhiều chuyên gia kể trong cuộc họp này, họ đã từng bắt tay vào việc xây dựng thị trường hàng hóa để đưa hàng hóa lên sàn giao dịch nhưng nhiều năm liền vẫn chưa được cấp phép, thì những pháp lý rộng hơn muốn sửa đổi phải có sự đồng thuận cao về mặt chính trị của nhiều Bộ ngành. Nói như vậy cũng tức là con đường đến một IFC Việt Nam đặt tại TPHCM ắt hẳn là một con đường còn rất dài.

Các tin khác