Khó kéo giảm chi phí vận tải, tại sao?

(ĐTTCO) - Chi phí logistics của Việt Nam vẫn đang ở mức cao, trong đó vận tải đường bộ vẫn chiếm tỷ trọng lớn với chi phí đắt đỏ. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, gánh chi phí vận tải có thể khiến hàng hóa Việt Nam không thể cạnh tranh tốt trên thị trường quốc tế, khó tận dụng được cơ hội tăng xuất khẩu khi các hiệp định thương mại có hiệu lực. 
Bài toán nan giải
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN), sau rất nhiều nỗ lực của các bộ ngành liên quan, hiện cơ cấu giá thành vận tải hầu như không có sự thay đổi nhiều. Vận tải đường bộ vẫn đang phải đảm nhận tỷ trọng vận chuyển rất lớn, không cân đối với các phương thức vận tải khác.
Cụ thể, vận tải ô tô đảm nhiệm trên 90% tổng khối lượng vận chuyển hành khách và trên 70% tổng khối lượng vận chuyển hàng hóa. Trong khi đó, các đơn vị vận tải hầu hết có quy mô nhỏ, manh mún, tỷ lệ xe chạy rỗng còn ở mức trên 45%... nên chi phí vận tải rất cao. Hiện chi phí vận chuyển container loại 40feet từ Hà Nội vào TPHCM khoảng 40 triệu đồng, cao gấp 9,7 lần so với vận chuyển bằng đường biển và hơn 2,5 lần so với vận chuyển bằng đường sắt.
Khó kéo giảm chi phí vận tải, tại sao? ảnh 1 Xe tải lưu thông trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. Ảnh QUANG PHÚC
Bà Trần Thị Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN, cũng thừa nhận việc đưa vào khai thác sàn giao dịch vận tải trong 5 năm qua đã không đạt được kỳ vọng khi các doanh nghiệp không mặn mà với hình thức này, dẫn đến tỷ lệ xe chạy rỗng vẫn cao. Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT), nhận định, việc giảm tỷ lệ xe chạy rỗng là yếu tố quan trọng giúp cải thiện giá thành vận tải nhưng hiện vẫn đang là một bài toán rất nan giải.
Bộ GTVT đã nghiên cứu kỹ các nguyên nhân khiến sàn giao dịch vận tải hoạt động chưa hiệu quả và nhận ra rằng, trong thời gian tới, các sàn giao dịch vận tải cần phải thay đổi hoạt động theo hướng thuận tiện hơn cho người tham gia, có cơ chế bảo vệ quyền lợi các bên khi xảy ra tranh chấp, hỗ trợ được cho việc thanh toán hợp đồng.
Một trong những yếu tố khiến giá thành vận tải tăng cao là các loại phí, lệ phí trên đường. Trong các ý kiến cử tri gửi về Bộ GTVT thời gian gần đây, có nhiều ý kiến đề xuất Bộ GTVT xem xét về việc giảm phí sử dụng dịch vụ đường bộ BOT trong thời gian tới. Tuy nhiên, ông Trần Bảo Ngọc cho rằng, việc giảm phí BOT là không khả thi.
Lý do là các doanh nghiệp BOT cũng đang gặp nhiều khó khăn do phải giảm giá vé cho một số loại phương tiện và chưa được tăng giá theo lộ trình trong hợp đồng dự án, lượng xe tiếp tục giảm do ảnh hưởng dịch dẫn đến doanh thu các trạm BOT càng thấp, nhiều dự án đã không đảm bảo thời gian thu phí hoàn vốn như quy định trong hợp đồng đã ký kết.
Đẩy mạnh kết nối
Bộ GTVT cho biết, trước mắt để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19, bộ đã yêu cầu Tổng cục ĐBVN gia hạn thời gian sử dụng dịch vụ đường bộ với loại vé tháng, vé quý cho các phương tiện mà thời gian hiệu lực trùng với thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng đã chỉ đạo các đơn vị giảm phí bảo trì đường bộ từ 10%-30% cho các doanh nghiệp vận tải, thực hiện từ 1-8 đến 31-12-2020. Tuy nhiên, theo đại diện Hiệp hội Vận tải Việt Nam, những động thái của Bộ GTVT chưa đủ để giải quyết những khó khăn mà các doanh nghiệp vận tải đang gặp phải, đồng nghĩa với việc giá thành vận tải rất khó được cải thiện trong thời gian tới. 
Vậy làm thế nào kéo giảm chi phí vận tải để giúp các doanh nghiệp tận dụng được cơ hội tăng xuất khẩu hàng hóa khi các hiệp định thương mại có hiệu lực? Trước câu hỏi này, ông Trần Bảo Ngọc cho biết, trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tập trung đẩy mạnh kết nối giữa vận tải đường bộ với các phương thức vận tải khác nhằm giảm tải cho vận tải đường bộ, nhất là với tuyến vận tải thủy ven biển, vận tải đường thủy nội địa tại đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng và với vận tải đường sắt.
Trong đó, việc nạo vét hệ thống kết cấu hạ tầng hàng hải, tuyến đường thủy nội địa là một trong những giải pháp hữu hiệu để gỡ nút thắt về vấn đề kinh phí đầu tư cho lĩnh vực này. Đồng thời Bộ GTVT sẽ phối hợp với các bộ ngành địa phương, trong đó có TPHCM tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng kết nối giao thông khu vực xung quanh cảng và các tuyến đường ra vào cảng biển lớn, các cảng hàng không, ga đường sắt, cảng thủy nội địa, các trung tâm tập kết hàng hóa trên cơ sở các dự án được phê duyệt. 
Cùng với đó, Bộ GTVT sẽ phối hợp với các bộ ngành xây dựng các cơ chế chính sách phát triển các doanh nghiệp logistics của Việt Nam đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. Một hướng đi khả thi là sẽ khuyến khích các doanh nghiệp vận tải lớn chủ động liên kết với các doanh nghiệp vận tải nhỏ, hoạt động ở cự ly ngắn, chủ động làm việc với các chủ hàng để có các phương án vận tải hợp lý, vận tải từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ nhằm giảm giá thành vận tải.
Thêm nữa, sàn giao dịch vận tải hàng hóa sẽ phải khắc phục những bất cập hiện nay để tăng hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng để làm được điều này cần có sự ủng hộ và hợp tác chặt chẽ của các doanh nghiệp vận tải và chủ hàng trong quá trình 
giao dịch trên sàn.

Các tin khác