Khó tiếp cận nguồn vốn

(ĐTTCO) - Khảo sát trên 2.600 doanh nghiệp (DN) do Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF) thực hiện được công bố mới đây cho thấy, 70% công ty tư nhân nhỏ và vừa (DNNVV) bắt buộc phải tìm đến thị trường tín dụng đen để có vốn hoạt động. 
Khó tiếp cận nguồn vốn

Con số này thực sự gây sốc khi chỉ ra thực tế đáng buồn,  bởi khả năng tiếp cận vốn vay của DN nhỏ và siêu nhỏ rất khó khăn. Rõ ràng đây là điểm nghẽn đối với sự phát triển của DNNVV, chưa tạo động lực phát triển kinh tế, trong khi chúng ta vẫn hô hào tạo điều kiện cho DNNVV lớn mạnh.

Cả nước hiện có khoảng 700.000 DN, trong đó khối DNNVV chiếm gần 98% với doanh thu dưới 100 tỷ đồng, trong số này lại có đến 70% DN có doanh thu dưới 20 tỷ đồng. Theo thống kê của Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các DNNVV đang sử dụng 50% lao động và góp hơn 40% GDP, nhưng chỉ có 30-40% số DN này tiếp cận vốn ngân hàng. 

Trong khi đó, một kết quả đánh giá về tỷ trọng tín dụng dành cho DNNVV liên tục giảm dần từ mức 60% tổng dư nợ năm 2011 xuống còn khoảng 51% năm 2015 và có thể chỉ ở mức 41% năm 2018.

Trên thực tế, trong vấn đề tiếp cận vốn vay ngân hàng, bên cạnh chi phí lãi suất còn nhiều chi phí liên quan khác cần được tính đến đối với một khoản vay các DNNVV thường xuyên phải đối mặt: phí đồng tài trợ, phí trả nợ trước hạn, phí cam kết (phải trả trong trường hợp DN không giải ngân hết số tiền vay), phí tư vấn - thẩm định dự án, phí mượn hồ sơ tài sản thế chấp - cầm cố… Tùy theo thời điểm và tính chất của khoản vay, chi phí này có thể từ 0,2-0,4%/năm.
Đặc biệt, với các DN thông thường không thuộc các lĩnh vực ưu tiên hoặc diện được sử dụng tín dụng chính sách, lãi suất thực sẽ cao hơn nhiều. Đó là chưa nói đến để có được một khoản vay, DNNVV phải “bồi dưỡng” cán bộ ngân hàng. 

Dù DNNN chiếm đến 40% tổng dư nợ trong hệ thống ngân hàng, chỉ đóng góp 33% GDP, nhưng phần lớn ngân hàng vẫn tập trung cho vay khu vực DN này. Như lý giải của một lãnh đạo ngân hàng, thích cho DN lớn vay hơn là DN nhỏ, bởi cho 1 DN lớn vay 10 tỷ đồng sẽ dễ dàng và thuận lợi hơn cho 100 DN nhỏ vay với tổng số 10 tỷ đồng. Lý lẽ mà ngân hàng đưa ra không sai, bởi  ngân hàng muốn cho vay nhưng nhiều DN nhỏ không chịu công khai thông tin, không minh bạch trong quản lý tài chính. Điều này gây khó khăn cho ngân hàng trong việc thẩm định, đánh giá năng lực tài chính và hiệu quả hoạt động của DN. Chính vì vậy, giữa sự mập mờ của DN nhỏ với tín dụng đen dễ dàng đến với nhau trong vòng luẩn quẩn: thường trực gánh nợ nần với lãi suất cao ngất ngưởng, DN càng phụ thuộc vốn của tín dụng đen, hoạt động sản xuất kinh doanh khó có hiệu quả.

Điểm nghẽn nữa khiến DNNVV khó vay vốn ngân hàng phải tìm đến tín dụng đen, còn do thủ tục cho vay rườm rà, thời gian kéo dài. Chỉ số khảo sát niềm tin doanh nhân công bố tại VPSF vừa tổ chức tại Hà Nội, cho thấy hệ thống thủ tục hành chính phức tạp đang là rào cản gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của DNNVV. Gần một nửa DN tham gia khảo sát cho rằng hệ thống các quy định chồng chéo, không rõ ràng, thiếu hiệu quả đang khiến khu vực tư nhân tốn thêm các chi phí và thời gian không chính thức, khiến khu vực này kém cạnh tranh hơn. Chẳng hạn việc đóng thuế rất khó khăn, nhiều giấy phép con để thực hiện các công việc đơn giản, các thủ tục xuất nhập khẩu phức tạp và không rõ ràng... 

Tại VPSF trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo nâng tỷ trọng đóng góp của kinh tế tư nhân lên 50-60% GDP. Theo đó, tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP phấn đấu đến năm 2020 đạt khoảng 50%, năm 2025 khoảng 55%, năm 2030 khoảng 60-65%.
“Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020 đã có hơn 1 năm nay, Luật Hỗ trợ DNNVV có hiệu lực từ ngày 1-1-2018, đã và sẽ tạo cơ hội bình đẳng trong tiếp cận các nguồn tín dụng để DN tư nhân, DNNVV phát triển” - Thủ tướng nêu rõ. Quyết tâm của Chính phủ đã rõ. Vấn đề còn lại là các cấp, ngành triển khai thực hiện như thế nào để xóa bỏ các rào cản đang đặt ra.

Các tin khác