Khoảng trống chính sách quản lý kinh tế chia sẻ

(ĐTTCO)-Các chuyên gia chỉ ra nhiều khoảng trống chính sách trong quản lý mô hình kinh tế chia sẻ. Kinh tế chia sẻ đặt ra nhiều thách thức đối với các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình kinh doanh truyền thống.
Khoảng trống chính sách quản lý kinh tế chia sẻ

Ngày 9-10, tại TPHCM, Bộ Tư pháp phối hợp với Trường Đại học Luật TPHCM tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Một số vấn đề pháp lý và quản trị trong mô hình kinh tế chia sẻ”. Hội thảo thu hút nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia, luật sư, đại diện Viện kiểm sát, tòa án, thuế… tham dự.

Nhiều bất cập phát sinh

Phát biểu khai mạc, PGS.TS Bùi Xuân Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM cho hay, trong những năm gần đây, dựa trên nền tảng công nghệ kỹ thuật số, tại Việt Nam và các nước trên thế giới xuất hiện mô hình kinh tế chia sẻ. Mô hình này giúp chúng ta tận dụng các nguồn lực còn nhàn rỗi, mở ra nhiều cơ hội để phát triển kinh tế xã hội. Đồng thời, mô hình kinh tế chia sẻ cũng đặt ra nhiều thách thức đối với các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình kinh doanh truyền thống và các chủ thể khác có liên quan.

Đồng phát biểu khai mạc, TSNguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp, nhận định, vấn đề quan trọng nhất khi điều chỉnh khung pháp lý cho mô hình kinh tế chia sẻ là làm sao để cân bằng giữa thúc đẩy phát triển, đổi mới sáng tạo và bảo vệ quyền lợi của các chủ thể liên quan, lợi ích công cộng, lợi ích xã hội.

Hội thảo tập trung vào 2 vấn đề lớn: phân tích bản chất, đặc điểm đặc thù của mô hình kinh tế chia sẻ, từ đó đề xuất xây dựng khung pháp lý phù hợp; thảo luận những vấn đề pháp lý xoay quanh mô hình kinh tế chia sẻ, đánh giá thực trạng các quy định pháp luật hiện nay có liên quan đến mô hình như các quy định về hợp đồng, thương mại điện tử, cạnh tranh, lao động, thuế, ngân hàng, thương mại quốc tế…

Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, cho hay, tại Việt Nam, một số loại hình kinh tế chia sẻ chính đã xuất hiện: dịch vụ vận tải trực tuyến (Grab, dichung…); dịch vụ chia sẻ phòng (Airbnb;) dịch vụ du lịch (Triip.me), dịch vụ sửa chữa điện tử, điện lạnh, xây dựng… (Rada)…

Ông Nguyễn Hoa Cương cũng chỉ ra nhiều bất cập phát sinh. Hình thức kinh doanh của mô hình kinh tế chia sẻ dựa trên nền tảng công nghệ, việc cấp giấy phép kinh doanh còn gặp vướng mắc do hoạt động này vẫn chưa có trong danh mục ngành nghề kinh doanh. Các cơ quan quản lý tại Việt Nam vẫn còn lúng túng trong việc quản lý hoạt động kinh doanh theo loại hình mới. Trong khi đó, khung pháp lý về hoạt động kinh doanh hiện nay vẫn thuần túy là các quy định kinh doanh truyền thống, chưa có các văn bản chuyên ngành về các quy định hay điều chỉnh các hoạt động kinh doanh chia sẻ.

Về vấn đề hóa đơn điện tử, hiện Việt Nam vẫn đang sử dụng hóa đơn giấy là chủ yếu cho các giao dịch thương mại điện tử. Hạ tầng công nghệ thông tin của các cơ quan quản lý Nhà nước vẫn còn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn; cơ quan thuế gặp khó khăn trong việc quản lý kê khai.

Hiện nay, vẫn còn khó khăn trong việc xác định đúng bản chất giao dịch trong từng phân khúc hoạt động cung cấp dịch vụ để đánh thuế hoạt động kinh doanh trên mạng, nhất là trong nền kinh tế sẻ chia hiện nay.

Ông Nguyễn Hoa Cương nhận định, còn nhiều khoảng trống chính sách trong quản lý kinh tế chia sẻ. Nhìn chung, hầu hết văn bản pháp luật hiện hành chưa có quy định liên quan đến kinh tế chia sẻ; còn thiếu các cơ chế, chính sách quy định về quản lý, giám sát hoạt động của mô hình kinh tế chia sẻ; còn thiếu các chính sách đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa kinh tế truyền thống và kinh tế chia sẻ trong từng ngành cụ thể, ví dụ trong dịch vụ vận tải hành khách, dịch vụ cho thuê phòng và các dịch vụ khác…

Pháp luật cũng còn thiếu các quy định về quản lý chất lượng sản phẩm hoặc dịch vụ để bảo vệ người tiêu dùng, đặc biệt là xác định rõ hơn nghĩa vụ về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử có liên quan đến kinh tế chia sẻ.

Về mặt thuế, hiện nay vẫn còn thiếu hoặc chưa hoàn thiện các cơ chế, chính sách quản lý các giao dịch thanh toán điện tử xuyên biên giới để có thể giám sát việc thực hiện nghĩa vụ thuế của các đối tác nước ngoài tham gia vào các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

Tương tự, cũng còn thiếu các chính sách về quản lý lao động, việc làm và an sinh xã hội với người lao động và chủ sử dụng lao động trong nền kinh tế chia sẻ nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể trong kinh tế chia sẻ…

Cần chặt chẽ về thuế và đảm bảo an sinh xã hội với người lao động

Điều chỉnh bằng pháp luật đối với mô hình kinh tế chia sẻ, PGS.TS Hà Thị Thanh Bình, Trưởng Khoa Luật Thương mại, Trường Đại học Luật TPHCM cho rằng, để có thể quản lý hoạt động của doanh nghiệp trung gian, cần quy định doanh nghiệp trung gian phải đăng ký kinh doanh tại Việt Nam. Việc đăng ký có thể dưới hình thức doanh nghiệp thông thường hoặc doanh nghiệp ảo, không nhất thiết phải có cơ sở thường trú tại Việt Nam, nhưng cần có tài khoản mở tại một ngân hàng thương mại được cấp phép hoạt động tại Việt Nam. Doanh nghiệp trung gian này sẽ là một chủ thể có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ đối với người sử dụng dịch vụ ở Việt Nam và cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại Việt Nam.

Pháp luật cần quy định cụ thể giới hạn phạm vi cung ứng dịch vụ của doanh nghiệp trung gian, tránh trường hợp doanh nghiệp trung gian trực tiếp thực hiện hoạt động cung ứng dịch vụ cụ thể mà về bản chất đó là công việc của người cung ứng. Chẳng hạn, doanh nghiệp trung gian đối với dịch vụ vận tải không thể cho thuê xe để tài xế lái.

Đối với người cung ứng, PGS.TS Hà Thị Thanh Bình đề xuất, pháp luật cần quy định người cung ứng phải đáp ứng các điều kiện để đảm bảo chất lượng dịch vụ được chia sẻ tương tự như người kinh doanh truyền thống. Ví dụ như các điều kiện về vệ sinh, an ninh, PCCC đối với nhà ở được chia sẻ trong hoạt động chia sẻ chỗ ở. Đối với tài xế cung cấp dịch vụ chia sẻ phương tiện di chuyển cũng phải đáp ứng các điều kiện tương tự như các tài xế lái xe dịch vụ vận tải hành khách truyền thống.

Vấn đề khó kiểm soát nhất – lao động, theo PGS.TS Hà Thị Thanh Bình, về mặt lý thuyết, có thể tranh cãi về việc liệu một lái xe công nghệ sử dụng xe của mình để trực tiếp tham gia vào mạng lưới chia sẻ khi có thời gian nhàn rỗi là hoạt động kinh doanh hay hoạt động kiếm thêm thu nhập để trang trải cuộc sống với tư cách là người lao động.

Nếu thu nhập của họ có được từ hoạt động này ở mức chỉ có thể trang trải cuộc sống, việc đảm bảo phúc lợi đối với họ như một người lao động là cần thiết. Ngoài ra, tính chất thiếu ổn định trong công việc của những người này cũng là vấn đề mà pháp luật cần phải có sự quan tâm phù hợp.

PGS.TS Hà Thị Thanh Bình cho rằng, với bản chất là người trung gian kết nối người cung ứng và người dùng, doanh nghiệp trung gian là đơn vị có đầy đủ thông tin nhất về người cung ứng. Vì thế, pháp luật cần có quy định cụ thể yêu cầu doanh nghiệp trung gian phải nhân danh và đại diện cho người cung ứng mua một số loại bảo hiểm nhất định cho người cung ứng, nhằm đảm bảo an sinh với người lao động.

Liên quan đến hoạt động quản lý thuế đối với kinh tế chia sẻ, TS Phan Phương Nam, Phó Trưởng Khoa Luật Thương mại, Trường Đại học Luật TPHCM đề nghị, Việt Nam cần cùng các quốc gia ký kết hiệp định đa phương, song phương, về hỗ trợ hoạt động thu thuế, thu thập thông tin để điều tiết thuế đối với các hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới. Đồng thời, cần thay đổi quan điểm về cách xử lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử. Sự thay đổi đó liên quan đến hoạt động thu thuế. Trong giai đoạn hiện nay, khi mà việc quản lý dòng tiền tại Việt Nam chưa thật sự hiệu quả, pháp luật cần có giải pháp tốt đối với hoạt động thương mại điện tử theo biện pháp khấu trừ tại nguồn. Đó là yêu cầu các sàn giao dịch điện tử cho khách hàng đăng ký gian hàng trên đó để bán hàng hóa thì trong các thông tin cần có thông tin liên quan đến hoạt động quản lý về thuế của người bán.

Khi quản lý dòng tiền hiệu quả, cơ quan quản lý cần quay lại cách làm đảm bảo sự công bằng: yêu cầu các chủ thể bán hàng hóa nộp thuế theo quy định của pháp luật mà không thu thuế qua sàn giao dịch. Lúc đó, chủ thể nào vi phạm nghĩa vụ thuế sẽ dễ dàng bị cơ quan quản lý thuế phát hiện và xử lý vi phạm.

Các tin khác