Khởi đầu chặng đường mới

(ĐTTCO)-Chia sẻ với ĐTTC dịp đầu Xuân Tân Sửu, nhiều chuyên gia kinh tế đều bày tỏ sự kỳ vọng tốt về phát triển kinh tế Việt Nam năm 2021, dù thách thức còn không ít. ĐTTC lược ghi các ý kiến.
Khởi đầu chặng đường mới
ĐẬU ANH TUẤN, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam:
 Năm mới mong muốn của tôi là chúng ta cần tiếp tục thu hẹp khoảng cách giữa luật pháp và yêu cầu thực tiễn, để chính sách được ban hành đáp ứng tốt hơn các yêu cầu cuộc sống, không còn tình trạng “chính sách trên trời, cuộc đời dưới đất”.
Cũng cần thu hẹp khoảng cách giữa chính sách và thực thi, bởi điều quan trọng nhất của mọi chính sách là triển khai trên thực tiễn như thế nào, có thực chất, đồng bộ không.
Vì thế, tăng cường chất lượng thực thi các chính sách có lẽ là ưu tiên hàng đầu trong thời gian tới. Mức độ thuận lợi và chuyên nghiệp của hệ thống thể chế về kinh doanh, thủ tục hành chính cho doanh nghiệp tiến gần hơn với các nước đứng đầu trong khu vực ASEAN. 
Tôi tin tưởng doanh nghiệp tư nhân nhanh chóng thu hẹp được khoảng cách với các doanh nghiệp FDI, làm ăn và kết nối với họ tích cực hơn. Các doanh nghiệp cũng sẽ theo kịp doanh nghiệp khác trong khu vực và trên thế giới về khả năng quản lý, trình độ công nghệ, ngày càng tham gia tích cực và chủ động hơn trong chuỗi sản xuất toàn cầu.
TS. QUÁCH MẠNH HÀO, Viện Nghiên cứu Chính sách và Kinh tế Việt Nam - Anh quốc,
Đại học Lincoln (Anh):
Năm 2021 dự kiến tăng trưởng kinh tế trở lại mức xấp xỉ trước khi xảy ra dịch bệnh và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong các năm tiếp theo. Tuy vậy, tôi cho rằng cần sự thận trọng nhất định. Việc dịch bệnh kéo dài và sự đứt gãy chuỗi cung ứng đã dẫn tới khu vực dịch vụ có yếu tố nước ngoài, khu vực chế xuất các mặt hàng xuất khẩu truyền thống gặp khó khăn.
Điều này dự kiến kéo dài đến hết năm 2021 do việc phong tỏa trên phạm vi toàn cầu, dù vaccine đã được triển khai nhưng khó có thể trên diện rộng cho đến hết năm nay. Điều đó có nghĩa nền kinh tế sẽ không thể hoạt động hết công suất tiềm năng. 
Thực tế, các chính sách kinh tế, bao gồm chính sách tiền tệ và tài khóa, đã phát huy tác dụng trong thời gian qua. Nhưng phải nhìn nhận rằng chúng ta đang đứng tại thời điểm quan trọng của vận dụng 2 chính sách này.
Việc nền kinh tế hoạt động không hết công suất không phải do sức cầu yếu tạo ra bởi yếu tố tiền tệ như thông thường, mà do sự yếu đi của cả cung và cầu. Bất kỳ sự kích thích quá đà của chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ tạo hậu quả lâu dài cho nền kinh tế, bởi bong bóng tài sản nặng nề hơn khó khăn do dịch Covid gây ra. 
Chúng ta đã thành công trong điều hành các chính sách kinh tế, trong đó có chính sách tiền tệ theo hướng thận trọng, ổn định, trong 10 năm qua. Tôi tin rằng chính sách tài khóa sẽ là chìa khóa giai đoạn trước mắt, trong khi chính sách tiền tệ sẽ trở nên thận trọng hơn.
Chính sách tài khóa cũng sẽ tốt hơn trong việc giải quyết vấn đề công bằng xã hội, phân hóa giàu nghèo - vốn đang trở nên nghiêm trọng hơn do dịch bệnh. 

TS. LÊ DUY BÌNH, Giám đốc Economica Vietnam:
Năm 2021 đánh dấu sự khởi đầu của chặng đường mới nhằm chinh phục khát vọng Việt Nam 2030, khát vọng đạt được thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ cùng tầm nhìn Việt Nam đến năm 2045 trở thành quốc gia phát triển, thuộc nhóm các nước có thu nhập cao.
Một chặng đường mới được khởi đầu trong bối cảnh nhiều khó khăn thách thức chưa có tiền lệ của nền kinh tế khu vực và thế giới. Hiện thực hóa được khát vọng và tầm nhìn của Việt Nam sẽ phụ thuộc vào trí tuệ, ý chí, bản lĩnh và hành động của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân ngay từ những ngày ngày đầu tiên của thập niên mới này.
Trước thách thức và cơ hội mới, rất cần những quyết sách và hành động mạnh mẽ để các doanh nghiệp làm chủ công nghệ, hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới. Nền kinh tế sẽ tiếp tục được tái cấu trúc mạnh mẽ, theo định hướng phát triển trên cơ sở khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Năng lực cạnh tranh quốc gia được hình thành dựa trên tri thức, kỹ năng hơn là dựa trên tài nguyên và lao động giá rẻ. Thành quả từ quá trình phát triển kinh tế sẽ mang lại lợi ích cho người dân, với sự đầu tư mạnh mẽ hơn vào hệ thống y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng, giao thông, hệ thống an sinh xã hội, giảm nghèo. 
Kỳ vọng Chính phủ tiếp tục các nỗ lực nhằm xây dựng xã hội văn minh, hiện đại, trong đó người dân được phát huy sức sáng tạo, khơi dậy được ý chí, khát vọng phát triển.
NGUYỄN ĐỨC HÙNG LINH, chuyên gia tài chính - ngân hàng:
 Một nhiệm vụ đã làm khá tốt trong những năm trước và cần tiếp tục trong các năm tiếp theo, đó là duy trì chính sách tiền tệ nhất quán nhằm ổn định vĩ mô và giảm lãi suất cho vay.
Những năm qua, lạm phát đã luôn đứng ở mức thấp và khi có Covid-19, khả năng lạm phát thấp càng được củng cố. Trên nền lạm phát thấp và để thúc đẩy kinh tế, lãi suất huy động đã nhanh chóng giảm trong năm 2020, với mức giảm xấp xỉ 2,2%.
Tuy nhiên, lãi suất cho vay giảm chậm hơn. Lợi nhuận các ngân hàng thương mại vẫn tăng cao trong năm 2020, trái ngược hoàn toàn với bức tranh các doanh nghiệp nội địa đang phải gồng mình để tồn tại. 
Vì vậy, nhiệm vụ cần ưu tiên hàng đầu của ngành ngân hàng là giảm lãi suất cho vay, thậm chí giảm nhiều hơn lãi suất huy động để tạo động lực tăng trưởng mạnh, có tính lan tỏa cao vào nền kinh tế.
Lãi suất thấp không chỉ là nhiệm vụ trước mắt mà cả lâu dài để tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam và thúc đẩy tăng trưởng. 
TS. CẤN VĂN LỰC, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia:
Một là, Chính phủ tiếp tục tập trung thực hiện mục tiêu kép, trong đó nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả vẫn là ưu tiên hàng đầu, bởi đó cũng là điều kiện tiên quyết đảm bảo phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. 
Hai là, cần tranh thủ tận dụng 3 cơ hội hiếm có: hội nhập nhằm khai thác hiệu quả hơn các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, thúc đẩy xuất khẩu và thu hút, sàng lọc nguồn vốn FDI có chất lượng trong bối cảnh xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng tiếp tục diễn ra; đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, trong bối cảnh xu hướng chuyển đổi số và đổi mới, sáng tạo đang diễn ra hết sức sôi động; phục hồi xanh, tăng trưởng xanh nhằm phát triển bền vững hơn, ứng phó tốt hơn với biến đổi khí hậu và tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế đối với các cú sốc bên ngoài. Theo đó, coi tăng năng suất là chìa khóa phát triển nhanh và bền vững. 
Cuối cùng, để làm được như trên, tinh thần khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội phải như tinh thần phòng chống dịch Covid-19. 
TS. NGUYỄN ĐỨC ĐỘ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính:
Năm 2021 bắt đầu nhiệm kỳ Chính phủ mới, nhưng các chính sách mới sẽ ít được ban hành do dư địa không còn nhiều, đặc biệt với chính sách tiền tệ. Nền kinh tế bởi vậy sẽ tiếp tục phục hồi theo quán tính được bắt đầu từ quý III-2020.
Vì chỉ phải so với nền thấp của năm trước, nên tốc độ tăng trưởng GDP trên 6% trong năm 2021 hoàn toàn khả thi, cho dù dịch bệnh Covid-19 có thể diễn biến phức tạp. Trong trường hợp thuận lợi, con số 7% không phải không thể đạt được. 
Bất chấp giá dầu có xu hướng tăng, lạm phát trung bình trong năm 2021 sẽ tiếp tục được duy trì ở mức thấp, khoảng trên/dưới 2%, nhờ xu hướng thận trọng trong chi tiêu của người dân. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất thấp sẽ tiếp tục hỗ trợ các thị trường tài sản, như thị trường cổ phiếu và thị trường bất động sản, tăng giá.
Trong bối cảnh tổng cầu chưa phục hồi hoàn toàn, cán cân thương mại năm nay nhiều khả năng tiếp tục thặng dư, dù quy mô không lớn như năm ngoái.
Ngoài ra, VNĐ có thể lên giá nhẹ so với USD khi Ngân hàng Nhà nước hạn chế mua ngoại tệ. Mức độ lên giá có thể 0,5-1%, tùy thuộc vào cán cân thanh toán tổng thể cũng như diễn biến của chỉ số USD Index trên thị trường quốc tế. 

Các tin khác