Khởi động dự án tăng thể chế, năng lực phát triển đô thị Việt Nam

(ĐTTCO)-Theo Trưởng bộ phận Hợp tác Phát triển, Đại sứ quán Thụy Sỹ, dự án có tổng kinh phí 4,25 triệu CHF góp phần tạo điều kiện cho các thành phố ở Việt Nam chuyển đổi mô hình phát triển bền vững.
Khởi động dự án tăng thể chế, năng lực phát triển đô thị Việt Nam

Ngày 13/4 tại Hà Nội, Bộ Xây dựng phối hợp cùng Chương trình định cư con người Liên hợp quốc (UN-Habitat) và Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) tổ chức hội thảo khởi động dự án “Tăng cường thể chế và nâng cao năng lực cho phát triển đô thị ở Việt Nam.”

Sự kiện ghi nhận việc ký kết hợp tác triển khai giữa nhiều đơn vị có liên quan nhằm hướng tới việc chia sẻ, đồng thuận thực hiện các mục tiêu tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam và kỳ vọng thu lại nhiều kết quả và những thay đổi tích cực.

Trong bối cảnh, Việt Nam là một trong những nước có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, tỷ lệ dân số sống ở khu vực đô thị trên cả nước ngày càng tăng từ 19% (năm 1986) lên 34,4% (năm 2019).

Cũng trong 3 thập kỷ đó, số lượng các đô thị ở Việt Nam đã tăng vọt từ 480 đô thị lên 830 đô thị và trung bình mỗi năm có hơn 10 đô thị mới được hình thành.

Tiến sỹ Nguyễn Quang, Giám đốc UN-Habitat Việt Nam, cho hay trước những thách thức và tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng cao và các thành phố đã trở thành động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vậy đề làm thế nào phát triển bao trùm, bền vững đi đôi với đẩy mạnh vai trò của khu vực đô thị, Chính phủ Thụy Sĩ đã thông qua Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) tài trợ không hoàn lại dự án “Tăng cường thể chế và nâng cao năng lực cho phát triển đô thị ở Việt Nam.”

Dự án được triển khai trong giai đoạn 5 năm từ 2020-2025 với tổng kinh phí là 4,25 triệu CHF; trong đó, 3,8 triệu CHF do UN-Habitat quản lý và 450 nghìn CHF do SECO trực tiếp quản lý.

Dự án sẽ do Bộ Xây dựng làm cơ quan chủ quản và do Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị làm chủ dự án. Với dự án này, sẽ có 3 thành phố thực hiện thí điểm cùng Cục Phát triển đô thị, Học viện cán bộ quản lý xây dựng và đô thị, Viện quản lý phát triển đô thị trực thuộc Bộ Xây dựng và Vụ Quản lý Quy hoạch (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) sẽ là những cơ quan, đơn vị được hưởng lợi.

Dự án nhằm mục tiêu nâng cao năng lực thể chế và kỹ thuật của chính quyền cấp quốc gia và cấp địa phương để thúc đẩy phát triển đô thị bền vững. Theo đó, cung cấp các chương trình nâng cao năng lực và hỗ trợ kỹ thuật phù hợp và thiết thực cho các thành phố; hỗ trợ thay đổi tư duy của các nhà lãnh đạo và cán bộ triển khai về việc lập kế hoạch đầu tư chiến lược và ra quyết định.

Dự án còn góp phần tăng cường chính sách và khuôn khổ pháp lý cho quy hoạch và quản lý đô thị tích hợp với sự tham gia của người dân. Đồng thời, thí điểm các dự án có hướng tiếp cận sáng tạo, thúc đẩy quy hoạch chiến lược liên ngành.

Theo ông Nguyễn Quang, kết quả kỳ vọng sau thời gian triển khai dự án sẽ cải thiện năng lực của lãnh đạo Nhà nước và địa phương trong quy hoạch và quản lý đô thị. Khuôn khổ pháp lý quốc gia có tính nhất quán được thành lập và củng cố cho việc quy hoạch và quản lý đô thị, cho phép thực hiện phương pháp tiếp cận có sự tham gia của người dân.

Cùng đó, các biện pháp can thiệp sáng tạo áp dụng khuôn khổ pháp lý quốc gia, nêu bật được lợi ích của các phương pháp tiếp cận phát triển đô thị tích hợp và có sự tham gia của người dân được thực hiện thành công.

Ông Marcel Reymond, Trưởng bộ phận Hợp tác Phát triển, Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Việt Nam nhận định, tăng trưởng kinh tế-xã hội của Việt Nam chỉ có thể được duy trì nếu có các biện pháp tăng cường tiềm lực kinh tế và khả năng cạnh tranh của các đô thị; cũng như cải thiện chất lượng sống của người dân tại các khu đô thị.

Bên cạnh đó, đánh giá cao vai trò quan trọng của các nhà hoạch định chính sách Việt Nam trong việc đưa các thành phố đi đúng hướng, dự án sẽ hỗ trợ các cơ quan quản lý Nhà nước thúc đẩy việc phát triển đô thị một cách tổng hợp, bền vững thông qua các hoạt động tăng cường năng lực thể chế, xây dựng các chính sách mới và thí điểm các giải pháp can thiệp tại những thành phố được lựa chọn.

Để đạt mục tiêu đưa các thành phố đi đúng hướng và tăng cường khả năng chống chịu cho các thành phố, dự án sẽ được triển khai từ những việc cơ bản như xây dựng cầu nối về mặt hành chính, coi thành phố như một hệ thống, không phải một đơn vị nhỏ lẻ cung cấp các dịch vụ hoặc quản lý một hạ tầng cụ thể. Do đó, dự án sẽ thúc đẩy quy hoạch đa ngành, thúc đẩy hợp tác giữa các cấp, các ngành trong bộ máy chính quyền tại Việt Nam. 

Với mối quan hệ hợp tác vững mạnh giữa Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UN-Habitat và Chính phủ Thụy Sĩ, ông Marcel Reymond tin tưởng rằng, dự án sẽ đem lại lợi ích to lớn về kinh tế-xã hội và môi trường; góp phần tạo điều kiện cho các thành phố ở Việt Nam chuyển đổi mô hình phát triển bền vững, mang lại nhiều lợi ích to lớn cho người dân.

Các tin khác